Tài xế taxi lao xe vào tên cướp dưới góc nhìn của luật sư

09:33 | 22/04/2017

1,136 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho biết, mọi công dân đều phải có nghĩa vụ tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên, việc bắt giữ các đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Sáng 20/4, khi đang lái xe trên đường Hoàng Văn Thụ (phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh), anh Nguyễn Văn Hoàng, tài xế taxi hãng Mai Linh phát hiện nam thanh niên giật túi xách của người phụ nữ đang đi bộ rồi tháo chạy. Thấy vậy, anh Hoàng đánh lái lao xe vào tên cướp, khiến đối tượng cùng xe máy bị ép vào lề đường. Đối tượng ngay sau đó đã đứng dậy bỏ chạy.

tai xe taxi lao xe vao ten cuop duoi goc nhin cua luat su
Tài xế taxi điều khiển xe ép sát đối tượng cướp giật túi xách của người phụ nữ (vòng tròn màu đỏ).

Liên quan đến hành động của tài xế taxi, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay, bất cứ người dân nào tham gia bắt giữ đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật đều đáng được tuyên dương và được pháp luật cho phép. Đây là trường hợp bắt người phạm tội được quy định tại Điều 82 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.

"Đối với người đang hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị phát hiện, bị đuổi bắt, cũng như người bị truy nã thì bất kỳ người dân nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân hoặc UBND gần nhất. Cơ quan chức năng phải tiếp nhận, lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền” - Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho rằng, việc bắt giữ các đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh việc làm quá mức cần thiết, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, người xung quanh và đối tượng phạm tội.

tai xe taxi lao xe vao ten cuop duoi goc nhin cua luat su
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (ảnh NVCC)

Điều 19 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Hay như Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án Nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân, trừ trường hợp bị bắt quả tang phạm tội. Việc bắt, giam, giữ người do pháp luật quy định.

Trường hợp tài xế taxi Mai Linh lao xe vào tên cướp giật, Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích, đây là hành vi quá mức cần thiết, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng và cả những người dân đi trên đường.

"Tính mạng, sức khỏe là điều cao quý nhất của con người. Kể cả các lực lượng thực thi pháp luật khi truy bắt người phạm tội cũng phải tuân theo các quy định của pháp luật và không được xâm hại đến tính mạng sức khỏe người phạm tội. Trừ những trường hợp tình thế cấp thiết hoặc phòng vệ chính đáng thì mới được phép sử dụng các phương tiện, công cụ, vũ khí để trấn áp, bắt giữ đối tượng" - Luật sư Thơm nói.

Xuân Hinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc