Tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân

20:09 | 14/03/2017

633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các bác sĩ Bệnh viện E vừa khám lại cho bệnh nhân Bùi Văn Nhiền, 35 tuổi ở Hòa Bình, bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân vào năm 2013 tại Việt Nam. Kết quả khám lại cho thấy bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh. Như vậy kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam thành công tốt đẹp.

Tiếp nhận kỹ thuật mới

Ngày 7-3-2017, GS Shigeyaki Ozaki, GS.TS - Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cùng các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã tiến hành khám lại cho bệnh nhân Bùi Văn Nhiền, bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân vào năm 2013.

Trước đó, bệnh nhân Bùi Văn Nhiền được phát hiện mắc bệnh hở van động mạch chủ từ 8 năm trước. Anh rất hay mệt mỏi, khó thở mỗi khi chiều tối. Anh đã đi khám ở nhiều bệnh viện, các bác sĩ đều chỉ định phải tiến hành mổ thay van tim bằng van tim cơ học. Nhưng khi đi khám tại Bệnh viện E, anh được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mới của GS Shigeyaki Ozaki, Bệnh viện Đại học Toho, Tokyo, Nhật Bản. Anh Nhiền cho biết, sau phẫu thuật tôi rất khỏe, vẫn chơi thể thao, đánh cầu lông hằng ngày. Tổng chi phí ca phẫu thuật của tôi khoảng 120 triệu đồng.

tai tao van dong mach chu bang mang tim tu than
GS Ozaki và GS Lê Ngọc Thành khám lại cho bệnh nhân Bùi Văn Nhiền

Hiện nay, anh Nhiền đã sinh hoạt, hoạt động như một người bình thường. Theo bác sĩ Lê Ngọc Thành: “Đây là kỹ thuật lần đầu tiên ở Việt Nam do các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E thực hiện dưới sự hỗ trợ của GS Ozaki. GS Ozaki là Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch của Bệnh viện Đại học Toho, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân trong điều trị bệnh lý van động mạch chủ. Sự thành công của phẫu thuật này đã khiến tên ông trở thành tên của phương pháp phẫu thuật - phương pháp Ozaki”. Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.

Kết quả cao - chi phí thấp

Nguyên nhân bị hở van động mạch chủ, được các bác sĩ xác định chủ yếu là do di chứng của thấp tim, chiếm tới 75% các trường hợp. Ngoài ra còn có thể do viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, bệnh van động mạch chủ bẩm sinh, viêm cột sống dính khớp, bệnh giang mai, lupus ban đỏ hệ thống, chấn thương... Bệnh hở van động mạch chủ mạn tính, theo GS Thành thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm mà không có biểu hiện gì, bởi trong giai đoạn này tim vẫn còn cơ thế tự bù trừ để chống lại các rối loạn. Chỉ tới khi chức năng thất trái suy giảm, tâm thất trái giãn nhiều, phân suất tống máu giảm thì người bệnh mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng và khi đó, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh. Ban đầu là biểu hiện mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, sau đó dần xuất hiện khó thở khi nằm, cơn khó thở kịch phát về đêm, cảm giác đau thắt ngực và cuối cùng là các dấu hiệu của suy tim toàn bộ. Nhưng đáng ngại hơn trong trường hợp hở van động mạch chủ nặng và đã có triệu chứng, người bệnh dễ bị đột tử do các rối loạn nhịp tim liên quan đến phì đại và rối loạn chức năng thất trái.

GS Lê Ngọc Thành khẳng định: “Bệnh nhân hở van động mạch chủ vừa - nặng được điều trị nội khoa thường có tỷ lệ sống sau 5 năm là 75% và sau 10 năm là 50%. Tỷ lệ này sẽ tăng nếu họ được điều trị tích cực bằng thuốc, hay được chỉ định sớm thời điểm phẫu thuật hoặc cải tiến kỹ thuật mổ. Mặc dù điều trị bằng thuốc có thể giúp cải thiện phần nào cuộc sống của bệnh nhân, nhưng đó chỉ là giải pháp để trì hoãn thời gian mổ”.

Trên thế giới hiện nay phần lớn vẫn tiến hành thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ 15-20 năm, trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh cần được thay thế bằng van mới. Nhưng với phương pháp Ozaki, các bác sĩ tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân của chính bệnh nhân nên khắc phục được hoàn toàn những bất lợi trên. Phân tích lợi điểm của phương pháp này, GS Thành cho hay, đây là kỹ thuật hiện đại rất phù hợp để ứng dụng can thiệp cho những bệnh nhân bị hỏng van tim ở người lớn tuổi trong trường hợp khẩn nguy. GS Thành dẫn chứng, trong 7 năm, GS Ozaki đã tiến hành mổ thành công trên 1.000 trường hợp, chủ yếu 60-80 tuổi bằng kỹ thuật tiên tiến này, cho đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào phải mổ lại. Ưu điểm tiếp theo là vấn đề huyết động học trong bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch được giải quyết triệt để. Luồng máu qua van động mạch chủ không bị cản trở, chênh áp qua van thấp (dưới 10), không hở van tim sau mổ. Bệnh nhân không dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Do các bác sĩ dùng chính màng tim tự thân của bệnh nhân thay van động mạch chủ sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.

Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này, chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch có chỉ định thay van động mạch chủ sẽ giảm, nhất là khi bảo hiểm y tế chưa chi trả. Bởi vậy, chi phí thay van nhân tạo mất khoảng 40 triệu đồng, nhưng áp dụng phương pháp này, bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo. Điều này rất thích hợp với những quốc gia như Việt Nam có mức thu nhập của người dân còn thấp, kiểm soát đông máu sau mổ kém và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa là phổ biến.

Sau bệnh nhân Bùi Văn Nhiền, cũng trong hôm khám lại cho anh, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiến hành hội chẩn thêm 3 trường hợp khác để có thể tiếp tục phẫu thuật bằng kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki vào thời gian tới. Đó là bệnh nhân N.V.L (71 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị hẹp hở van động mạch chủ dẫn đến đau tức ngực, khó thở, với tình trạng suy tim mức độ trung bình; bệnh nhân N.C.T (67 tuổi, Bắc Giang) bị hở van động mạch chủ nặng, tim giãn; bệnh nhân N.V.S (63 tuổi, Hà Nội) hẹp khít van động mạch chủ…

Mỗi một lần thực hiện thành công kỹ thuật y học nói chung nào, không chỉ riêng đối với tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân, là một lần mở ra hy vọng cho người bệnh và đánh dấu sự phát triển vượt bậc của các bác sĩ Việt Nam. Với kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân của Bệnh viện E cũng vậy, sẽ mở ra cơ hội sống thọ hơn, sức khỏe và chất lượng sống tốt hơn cho các bệnh nhân bị hở van động mạch chủ.

Trên thế giới phần lớn vẫn tiến hành thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ 15-20 năm, trong trường hợp van bị hư hỏng, người bệnh cần được thay thế bằng chiếc van mới. Với những nghiên cứu của mình, GS Ozaki (Nhật Bản) đã chế tạo ra được dụng cụ đo được van động mạch chủ theo hướng cải tạo lại. Ông dùng chính màng tim của bệnh nhân để tạo thành van tim. Phương pháp này được cả thế giới biết đến với tên gọi là phương pháp Ozaki mang tên ông.

Xuân Bách

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.