Tại sao thế giới lão hóa?

07:17 | 09/11/2015

2,504 lượt xem
|
Việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách một con là xuất phát từ tình trạng dân số già của nước này. Vấn đề không chỉ đối với Trung Quốc hay vài nước cụ thể nào đó. Đây là một vấn đề lớn của toàn cầu. Sau nỗi lo thiếu ăn, thế giới bây giờ đối mặt với nỗi lo tuổi già và tình trạng hiếm muộn lực lượng lao động thay thế…  

Một hiện tượng toàn cầu

Theo Cơ quan dân số Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 1/3 trong 40 năm nữa, từ 6,9 tỉ đến 9,1 tỉ người. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hiện tượng tăng dân số thế kỷ XXI lại gây ra bởi một số yếu tố bất thường phi tự nhiên, bởi nó tăng không phải bởi tỷ lệ sinh mà là do sự bùng nổ phát triển của lực lượng tuổi xế chiều. Số trẻ em toàn cầu dưới 5 tuổi thậm chí giảm đến 49 triệu vào khoảng giữa thế kỷ trong khi thành phần hơn 60 tuổi tăng thêm 1,2 tỉ người. Nói cách khác, đến năm 2018, số người 65 tuổi trên thế giới sẽ nhiều hơn số trẻ 5 tuổi - một sự thay đổi cán cân dân số chưa từng có tiền lệ!

tai sao the gioi lao hoa
 

Trong quyển “Shock of Gray”, tác giả Ted C. Fishman cho thấy hành tinh già không là vấn đề đơn giản, bởi ảnh hưởng nhiều mặt của nó đến sự phát triển tương lai thế giới. Thời điểm hiện tại, dân số Nga đang ít hơn 7 triệu người so với năm 1991.

Tại Nhật, một chuyên gia thậm chí tính rằng nước này sẽ không còn bao giờ nghe tiếng khóc em bé sau khi đứa trẻ cuối cùng được sinh vào năm 2959 (dựa vào tỷ lệ sinh cực thấp 1,25 trẻ/phụ nữ gần như không thay đổi nhiều năm qua). Khắp thế giới, có đến 50% nguy cơ cho thấy dân số toàn cầu sẽ giảm trước năm 2070 - theo nghiên cứu gần đây đăng trên chuyên san khoa học Nature; và đến năm 2150, theo dự báo Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ chỉ bằng 1/2 so với hiện nay.

Xét ở mức độ dân số, châu Âu rõ ràng không có tương lai. Tại Đức, cách đây 4 năm, Ursula von der Leyen (Bộ trưởng gia đình trong Nội các Angela Merkel và là người mẹ có 7 con) từng nói rằng, nếu nước mình không nhanh chóng điều chỉnh tỷ lệ sinh, “chúng ta sẽ phải tắt đèn”! Tháng 3-2007, André Rouvoet - thủ lĩnh Đảng liên minh Thiên Chúa giáo tại Hà Lan (bố của 5 đứa con) - đã hối chính phủ nước mình hành động mạnh hơn trong việc khuyến khích phụ nữ sinh con.

Chính trị gia bảo thủ Mark Steyn tại Canada - tác giả quyển “Bestseller America Alone: The End of the World as We Know It” - cũng báo động các nước Bắc Mỹ về khả năng tụt giảm dân số, khi chứng kiến thảm kịch dân số xảy ra tại châu Âu. Jonathan Grant và Stijn Hoorens thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Europe dự báo rằng, 30 triệu người châu Âu ở tuổi đi làm sẽ biến mất vào trước năm 2050 và chính phủ các nước châu Âu phải lo vỡ mật cho người cao tuổi trong khi ngân sách sẽ eo hẹp hơn bởi tiền thuế ít đi do lực lượng lao động ngày càng thu hẹp.

Điều đó có nghĩa sẽ không có đủ lực lượng lao động để nuôi người nghỉ hưu. Cục dân số Hoa Kỳ từng dự báo, năm 2025, 42% dân số Ấn Độ sẽ là thành phần 24 tuổi trở xuống trong khi nhóm đối tượng tương tự tại Tây Ban Nha chỉ chiếm 22%. Trong khi đó, như khảo sát từ Viện Nghiên cứu Adecco (London), dân châu Âu lại thích nghỉ hưu sớm. Hiện tại, chỉ có 60% nam giới độ tuổi 50-64 tại Pháp là còn đi làm. Vấn đề không chỉ là sự thay thế dân số. Khi mà châu Âu thiếu hụt nhân công và phải sử dụng thành phần lao động nhập cư tứ phương, liệu những di sản văn hóa và giá trị tinh thần dân tộc của họ có thể được duy trì và bảo vệ?

Mỗi quốc gia châu Âu đều có những vấn đề riêng khi cùng giáp mặt tình trạng tụt giảm dân số. Theo Alasdair Murray, Giám đốc Tổ chức nghiên cứu CentreForum (London), có nhiều thay đổi dân số khác nhau đang xảy ra tại châu Âu trong đó nổi cộm tại các nước Đông Âu, nơi mà tình trạng giảm dân số bắt đầu xảy ra cách đây nhiều thập niên và tiếp tục trở thành vấn đề xã hội. Tỷ lệ sinh tại Bulgaria hiện là 1,37 và tuổi thọ trung bình ở nam giới ít hơn Bỉ và Đức 7 năm. Dự báo cho biết dân số Bulgaria sẽ giảm từ 8 triệu hiện nay xuống còn 5 triệu năm 2050.

Từ năm 1989 đến nay, dân số Latvia đã giảm 13% và tỷ lệ sinh tại nước này hiện là một trong những tỷ lệ thấp nhất thế giới (trong khi tỷ lệ ly dị thuộc hàng cao nhất châu Âu). Vấn đề tại các nước Tây Âu cũng nghiêm trọng không kém. Nghiên cứu 2002 cho thấy 27,8% phụ nữ Đức sinh năm 1960 đều thuộc thành phần “gái độc không con” - một tỷ lệ cao hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào (tỷ lệ trên tại Pháp là 10,7%). Khi chị em châu Âu tuổi từ 18-34 được hỏi về số con mà họ mong muốn, 16,6% tại Đức và 12,6% tại Áo đã trả lời dứt khoát họ chẳng muốn có đứa nào! Điều đó cho thấy có một sự thay đổi trong quan niệm về thiên chức nữ giới ngược hẳn với truyền thống.

Theo Nikolai Botev, nhà tư vấn thuộc Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNPF), khuynh hướng không con bắt đầu trở thành mốt sống phổ biến tại châu Âu. Với Italia, vấn đề của họ (được xem là “kỷ lục” thế giới hiện nay) nằm ở khuynh hướng: Thanh niên nước này thích ở nhà với bố mẹ và do vậy không có gì bất thường khi tỷ lệ trẻ sinh lúc bố mẹ bắt đầu bước sang tuổi tứ tuần trở nên cao hơn nhiều nước thế giới.

Thế giới “hóa già” vì sao?

Vấn đề ở chỗ hiện tượng “chiếc nôi trống” không chỉ xuất hiện ở các nước giàu mà gần như xảy ra diện rộng với xu hướng ngày càng rõ tại các nước đang phát triển. Trong 59 quốc gia sinh thấp hơn mức cần thiết để duy trì sự ổn định dân số, có đến 18 nước được Liên Hiệp Quốc xếp vào nhóm các quốc gia đang phát triển. Trong thực tế, hầu hết các nước đang phát triển chứng kiến tình trạng dân số già với tỷ lệ và tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ. Iran chẳng hạn.

Cuối thập niên 1970, một phụ nữ Iran trung bình sinh gần 7 con; bây giờ, tỉ lệ sinh nước này là 1,74 - thấp hơn so với chuẩn “yêu cầu” 2,1 trẻ. Với châu Á, cái gọi là “một thế kỷ châu Á”, như dự báo về sự phát triển và ảnh hưởng thế giới của châu Á từng được đưa ra cuối thế kỷ XX, có thể không thể thành hiện thực bởi yếu tố rào cản là tình trạng dân số già.

Không chỉ Nhật mới “đau khổ” với tỷ lệ sinh thấp, phụ nữ nhiều nước châu Á trong đó có Hàn Quốc ngày nay cũng “làm biếng” sinh. Tại Singapore, chính phủ nước này lo lắng sự thiếu hụt dân số đến mức đã đưa ra chính sách “sinh con có thưởng” (khoảng 3.000USD cho người mẹ nào sinh con thứ nhất hoặc thứ hai và khoảng 4.500USD cho con thứ ba hoặc thứ tư), cùng nhiều chính sách xã hội hỗ trợ khác. Ngay tại Trung Quốc, Nhân Dân nhật báo cho biết tình trạng dân số lão hóa nước này đang xảy ra cực nhanh. Tỷ lệ người trên 65 tuổi Trung Quốc sẽ qua mặt Nhật vào năm 2030. Chỉ riêng Bắc Kinh, đến trước năm 2020, thành phố này sẽ có 3,5 triệu người già và tăng lên 6,5 triệu vào năm 2050.

Tính đến thời điểm hiện tại, 12% dân số Trung Quốc là người cao tuổi; và thành phần trên 60 sẽ tăng với tỷ lệ 16,6%/năm trong ba thập niên tới. Theo đó, đến năm 2040, người trên 60 tuổi tại Trung Quốc sẽ chiếm 28% tổng dân số. Richard Jackson, Giám đốc Global Aging Initiative thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS - Hoa Kỳ), nhận xét rằng Trung Quốc sẽ già hơn Mỹ trong một thập niên nữa, trở thành nước có tỷ lệ dân số lớn đầu tiên bị lão hóa trước khi kịp trở thành quốc gia phát triển (già trước khi giàu)… Tình trạng dân số lão hóa tại Trung Quốc nghiêm trọng đến mức ngay cả khi chính sách một con được xóa bỏ thì nước này vẫn đối mặt nhiều thách thức.

Fortune (2-11-2015) cho biết, hiện có 90 triệu phụ nữ Trung Quốc có khả năng sinh con thứ hai nhưng 60% trong số đó đã hơn 35 tuổi - thành phần đang bận rộn theo đuổi sự nghiệp và kiếm cơm, hơn là quan tâm đến việc sinh đẻ. Trong khi đó, cán cân dân số tiếp tục nghiêng nặng về nam. Năm 2009, có hơn 119 bé trai so với 100 bé gái được sinh; đến năm 2020, sẽ có hơn 24 triệu nam giới có khả năng không tìm được vợ. Khoảng 10% dân số Trung Quốc hiện hơn 65 tuổi và con số đó sẽ tăng 15% vào năm 2017 và 20% năm 2035 (Newsweek 31-10-2015).

Toàn cầu hóa cùng đô thị hóa (dẫn đến hiện tượng di dân, tạo điều kiện cho học tập, làm việc, hưởng thụ… tốt hơn, khiến phụ nữ hiện đại chậm kết hôn và kéo dài thời gian sinh con; điều kiện sống tốt hơn giúp người ta sống lâu hơn…) là câu trả lời tóm tắt giải thích câu hỏi trên. Kết quả cuối cùng là sự thay đổi nghiêm trọng về cán cân dân số toàn cầu với tốc độ nhanh chưa từng có. Pháp là nước đầu tiên thế giới có số người độ tuổi 65 cao gấp đôi, từ 7% lên 14% và giai đoạn này kéo dài khoảng 115 năm, kể từ thế kỷ 19; trong khi đó, Trung Quốc sẽ chỉ cần 25 năm để “đạt” điều tương tự… Chẳng khó khăn gì khi hình dung kinh tế thế giới như thế nào nếu lực lượng lao động ngày càng mỏng dần trong khi ngân sách nhà nước phải tăng cho những khoản trợ cấp người già.

Thời điểm hiện tại, cái gọi là “nền kinh tế người già” đã hình thành, khi người cao tuổi trở thành nhóm đối tượng chính trong nền kinh tế tiêu dùng. “Già” đi kèm với “yếu” và do vậy việc chăm sóc y tế cho người già trở thành gánh nặng xã hội. Mỹ chẳng hạn, chi phí y tế cho người lao động tuổi 50-65 cao gần gấp đôi so với người lao động độ tuổi 30-40. Dân số già còn là nguyên nhân làm thụt lùi kinh tế. Trong nghiên cứu 2006 về lực lượng lao động lớn tuổi ảnh hưởng như thế nào đến dòng vốn toàn cầu, hai kinh tế gia Ronald Davies và Robert R. Reed nhận thấy nước nào có nền kinh tế “già” hơn (có nghĩa lực lượng lao động ít hơn) sẽ bị giới đầu tư rút vốn để đưa vào nước nào có nền kinh tế “trẻ” hơn...

Liệu thế giới có thể trẻ lại? Có thể nhưng không sớm. Thế giới vẫn chứng kiến sự bùng nổ đô thị hóa chóng mặt - một phần nguyên nhân sinh ra nếp sống hiện đại khiến phụ nữ ngại sinh. Thật khó có thể hình dung rằng thế hệ ngày nay chấp nhận trở lại vùng quê sống và ham muốn sinh con đàn cháu đống như thế hệ trước. Tâm lý này họa chăng chỉ có thể biến mất cho đến khi nào hiện tượng đô thị hóa kết thúc và người ta nhận ra rằng việc sinh và nuôi con - dù tốn kém - vẫn là niềm hạnh phúc hơn vạn lần so với đam mê kiếm tiền. Nó còn là vì, trước hết, cho sự duy trì tính liên tục của giá trị dòng tộc gia đình; và sau đó là cho tương lai thế giới nói chung.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, ngày càng có nhiều người hơn có thể sống hơn 60 tuổi” - báo cáo (công bố tháng 10-2015) của Cơ quan dân số LHQ và WHO ghi nhận. Số người ở độ tuổi 60 hoặc hơn sẽ gấp đôi từ 2015-2050. Hiện có 900,9 triệu người ở độ tuổi 60 hoặc hơn; vọt lên 1 tỉ vào năm 2020; 1,4 tỉ năm 2030; 1,7 tỉ năm 2040; 2,1 tỉ năm 2050.

M.Kim

Năng lượng Mới 472

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc