Tại sao số vụ ngộ độc chì tăng cao?

07:00 | 25/12/2014

1,630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng bệnh nhân của 16 tỉnh phía bắc đến khám và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho tới thời điểm này vì ngộ độc chì do sử dụng thuốc nam và thuốc cam, một loại thuốc “truyền thống” được coi là kích thích ăn uống ở trẻ và chữa nhiệt miệng, một lần nữa ngành y tế cảnh báo nghiêm trọng về việc tự ý dùng thuốc và quan niệm thuốc nam “lành”.

Năng lượng Mới số 370

Ngộ độc chì từ thuốc cam

Trong số những bệnh nhân đã đến khám bệnh và chữa trị tại Trung tâm Chống độc, Hà Nội là địa phương dẫn đầu với tỷ lệ 53 ca, chiếm 33%; Bắc Giang 34 ca, Phú Thọ 11 ca, Ninh Bình 9 ca, sau đó là Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên… Trong đó, tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, bệnh nhân người lớn là 618 và trẻ em là 179. Tất cả những bệnh nhân này đều có một lượng chì không nhỏ trong máu, nhưng ở trẻ em thì lượng chì đáng ngại hơn khi bệnh nhi cao nhất là hơn 70mcg/dl, trong khi người lớn trung bình hơn 10mcg/dl.

Sở dĩ những bệnh nhân nói trên có chì trong máu là do đều sử dụng các loại thuốc nam, thuốc cam nhằm chữa trị lở loét, tiêu chảy, kích ăn uống và trị bệnh nan y… Và đã có bệnh nhân chết vì ngộ độc chì do sử dụng thuốc cam.

Tại sao số vụ ngộ độc chì tăng cao?

Bệnh nhi bị ngộ độc chì do uống thuốc cam

Đáng nhớ nhất là trường hợp bé Đinh Ngọc Diệp, 8 tháng tuổi ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, con của chị Đỗ Thị Thúy. Khi anh họ của Diệp là Đinh Thế Phúc bị nhiệt miệng đã được mẹ cho uống 2 liều thuốc cam mua ở gần nhà với giá 20 nghìn đồng/liều. Cùng thời gian đó, Diệp cũng bị nhiệt miệng nên mẹ Phúc cho Phúc uống thì cho Diệp uống luôn. Uống được một tuần thì thôi Diệp không uống nữa do hết nhiệt miệng. Không những vậy, Diệp còn ăn khỏe, ngủ khỏe hơn.

Một thời gian sau, Diệp lại tái phát căn bệnh cũ, đồng thời còn bị đi ngoài, nhớ đến “thần dược” mà con mình đã uống nên mẹ Diệp đã đi tìm mua lại thuốc cam ở nơi mẹ Phúc đã mua. Để đỡ mất công đi lại nhiều lần, chị Thúy - mẹ Diệp đã mua trọn một liều gồm 3 loại thuốc viên có màu sắc khác nhau để cho con uống. Uống xong liều thuốc ấy, Diệp khỏi bệnh. Nhưng chỉ được một thời gian, bỗng nhiên Diệp bỏ ăn, quấy khóc triền miên, miệng lúc nào cũng nôn thốc tháo, chân tay teo tóp đi trông thấy. Chị Thúy liền đưa con đến khám tại Viện Nhi Trung ương thì tại đây, sau khi xét nghiệm bước đầu, các bác sĩ cho biết men gan của Diệp tăng rất cao. Vì vậy, bé phải nằm viện. Đồng thời dựa trên kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ kết luận bé Diệp bị nhiễm chì lên tới 81%, phải chuyển gấp sang Phòng Cấp cứu, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Sang đây, khi vừa mới hoàn tất thủ tục nhập viện, bé Diệp đã rơi vào tình trạng co giật toàn thân, sốt cao, nhịp tim yếu, răng nghiến chặt và nghiêm trọng hơn là hôn mê hoàn toàn. Chỉ một ngày sau thì bé Diệp tử vong do không thể cứu chữa được.

Đây là một ca bệnh mà đối với các bác sĩ Trung tâm Chống độc không thể nào quên bởi sự thương tâm và sự non nớt phải chịu đựng đau đớn không đáng có của bé Diệp. Nếu như mẹ Diệp không tự ý sử dụng thuốc, không dùng thuốc “truyền khẩu” thì chắc bé Diệp cũng không xảy ra kết cục thương tâm như vậy. Cũng may là anh họ của Diệp là bé Phúc không chịu hậu quả nặng nề mà chỉ bị nhiễm độc chì lên tới 40% sau đó được thải độc chì và khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau khi xảy ra trường hợp ngộ độc chì của bé Diệp thì đã có 92 cháu ở Tam Dị, Lục Nam đều chữa tưa lưỡi bằng thuốc cam đã đi xét nghiệm máu tại Bệnh viện Bạch Mai, kết quả tất cả các cháu đều có hàm lượng chì cao gấp 5-20 lần chỉ số cho phép.

Tại sao số vụ ngộ độc chì tăng cao?

Các mẫu thuốc cam nhiễm chì

Họa vì tự điều trị

Không chỉ bé Diệp, Phúc, nhiều bệnh nhi khác cũng bị ngộ độc chì như một trường hợp mới được 15 ngày tuổi - vẫn còn đang trong giai đoạn sơ sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đây là trường hợp nhỏ nhất từ trước tới nay bị ngộ độc chì phải điều trị. Do đang ở “độ” sơ sinh như vậy nên bé đi ngoài “xì xoẹt” cả ngày. Nhưng mẹ bé lại tưởng bị tiêu chảy nên sau khi nghe người “mách” đã mua thuốc cam về cho con uống. Uống chưa hết liều, thấy toàn thân con tím tái, nhịp thở nhanh, co giật, vậy là mẹ bé phải cho đi cấp cứu ngay tại Viện Nhi Trung ương và sau khi thực hiện các xét nghiệm, các bác sĩ đã kết luận cháu bị ngộ độc chì với hàm lượng chì trong máu lên tới 40mg/dl. Trong khi hàm lượng chì cho phép ở trẻ em chỉ ở dưới ngưỡng 15mg/dl.

Dẫu mức độ ngộ độc chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, vì bệnh nhi còn quá nhỏ, cơ quan nội tạng còn non nớt, đặc biệt là não bộ do đó dù chỉ là hàm lượng nhỏ cũng đáng ngại về sự tổn thương ở não của bệnh nhi. Và điều đáng nói là ảnh hưởng của chì tới não bộ của trẻ lại diễn ra trong thời gian dài phải vài năm sau khi bị chứ không phải ngay lập tức nên việc đánh giá cũng rất khó khăn. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói: “Trẻ càng nhỏ, ảnh hưởng của ngộ độc chì càng nặng nề”.

Với tình trạng ngộ độc chì ngày tăng lên trên đây cũng như mức độ ngộ độc ngày càng cao có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ chính thói quen đã được cảnh báo lâu nay của người Việt, ấy là tự ý sử dụng thuốc, sử dụng thuốc truyền khẩu. Thực ra, trước đây khi y học chưa phát triển thì việc tự điều trị này được xem là giải pháp “hữu hiệu” nhất, mặc dù cũng mang lại những hệ lụy đáng tiếc. Tuy nhiên, khi y khoa đã phát triển rực rỡ như hiện nay cùng với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật tiên tiến thì đó lại là… lạc hậu, không văn minh, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm với bản thân… nhất lại là trong bối cảnh chất lượng dược phẩm, thảo dược không bảo đảm như hiện nay. Các chất bảo quản, chống mối mọt, tạp chất… bị những người kinh doanh lạm dụng khi lưu giữ, pha chế thuốc…

Không ai quản lý thuốc gia truyền

Đối với thuốc cam, sau khi có nhiều ca bệnh ngộ độc chì vì “bài” thuốc dân gian này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương lấy mẫu thuốc cam trên địa bàn để xét nghiệm. Kết quả gửi về cho thấy hàm lượng chì trong thuốc rất cao, có mẫu lên đến 85%. Còn các mẫu thuốc cam, tễ mà các bệnh nhân sử dụng, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đều nhiễm chì nặng. Như thuốc cam của bà lang Nhung ở Trồi Thượng, Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội; của bà lang Thắng Oanh ở Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội; ông lang Tử ở Quế Nam, Tân Yên, Bắc Giang… đều có chì khiến cho gần 20 trẻ uống ở những nơi này phải nhập viện vì ngộ độc chì. Riêng cơ sở của bà lang Tiến ở Tam Dị, Lục Nam, Bắc Giang thì thuốc cam còn chứa hàm lượng chì cao nữa, làm cho 21 trẻ uống thuốc ở đây phải điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo: Chì là một độc chất đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp bị ngộ độc cấp tính. Bởi chì là chất khó thải loại, khi vào cơ thể thì theo máu đến các cơ quan nội tạng như gan, thận, não, tủy xương… làm trẻ em đau bụng, nôn thốc tháo, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, co giật từng cơn, mất tiếng… Nếu không điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến hôn mê. Chính vì tác hại của chì như vậy mà TS Phạm Duệ khẳng định, điều trị bệnh gì dù nặng hay nhẹ, đều phải có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng thuốc, không được tự ý điều trị và nếu người nào có quan niệm thuốc nam… lành là phải thay đổi ngay. Bởi đối với thuốc nam hay thuốc có nguồn gốc thảo dược, dẫu mọc tự nhiên cũng có chất độc hại do đó trong quá trình sơ chế phải thải loại rồi mới uống. Còn nếu uống “nguyên sơ”, không biết chừng sẽ có những hậu quả khôn lường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát động Tuần lễ thế giới Phòng chống ngộ độc chì với chủ đề: Hãy loại bỏ sơn chì và các nguồn chì gây nhiễm độc khác. Đây là năm thứ 2 WHO tổ chức tuần lễ này. Lần thứ 1 diễn ra vào năm 2013 với sự tham gia của 44 nước và 100 thành phố trên thế giới. Theo WHO mỗi năm có khoảng 600 nghìn trẻ em bị thiểu năng trí tuệ do ngộ độc chì. 99% trẻ em bị phơi nhiễm chì mức độ cao, chủ yếu ở các nước nghèo và đang phát triển.

 

Nguyễn Hưng

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.