Tại sao lại bị hổ vồ?

14:52 | 25/09/2016

1,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ anh Lương Văn Hải bị hổ vồ chết ở trang trại nuôi hổ của ông Tân tại Bình Dương là một việc cực kỳ đáng tiếc.

Người viết bài này từng có nhiều ngày ở trang trại nuôi hổ của ông Tân, từng đùa với hổ, thậm chí còn bế cả chú hổ hơn 30kg lên giường để đùa. Và trong phim Chạy án 2, có một nhân vật hổ rất đáng yêu, rất tình cảm với người chính là hổ của ông Tân.

Năm ấy, theo đề nghị của tôi, là cần có một con hổ làm diễn viên cho phim Chạy án 2, theo như kịch bản. Ông Tân đã đồng ý giúp đỡ và khi hổ mẹ sinh được 3 con thì tách một chú hổ ra để nuôi bằng sữa dành cho trẻ em. Và nếu tôi nhớ không nhầm, thì chính con hổ Ami vừa “gây án” là mẹ của chú hổ đóng phim năm đó.

tai sao lai bi ho vo
Tác giả chơi đùa với chú hổ đóng phim Chạy án 2

Chú hổ con sống chung với một anh nhân viên, ngủ cùng anh, ăn ở cùng anh. Và chú hổ đó cũng đùa với người như con chó, con mèo. Chỉ có điều là cũng phải cẩn thận khi đùa, vì chỉ một cái tát yêu của chú là cũng có thể rách tan cái quần bò.

Ông Nguyễn Hải, diễn viên trong Chạy án 2 khi đóng phim có cảnh hổ, là phải mặc tới… 2 quần bò. Vậy mà vẫn còn bị xước sát. Chú hổ đó, rất tiếc là sau khi đóng phim xong thì bị bệnh chết, khi mới hơn một tuổi.

Trở lại chuyện anh Hải bị hổ vồ. Theo giải thích của ông Tân thì con hổ Ami bị ốm, bỏ ăn lâu ngày và có nguy cơ chết, cho nên anh Hải vào bón thức ăn cho nó. Vì một lý do nào đó, con Ami đã “nổi quạu” và cắn chết anh. Cách lý giải này hoàn toàn hợp lý, bởi khi con người ốm, bị ép ăn, có khi còn nổi khùng, huống chi là hổ.

tai sao lai bi ho vo
Tác giả và chú hổ đóng phim Chạy án 2

Tuy nhiên, trong lịch sử nghề xiếc ở nước ngoài đã có vài vụ diễn viên bị hổ vồ, tát chết, thậm chí xé xác ăn thịt ngay trên sân khấu - đó là trường hợp những diễn viên dạy thú dữ như hổ, báo, sư tử… Những trường hợp này thường là do diễn viên mắc sai lầm như: Có hơi men, có vết thương bị chảy máu hoặc đang biểu diễn, bị trượt chân ngã…

Hổ hoặc sư tử, báo tuy được thuần dưỡng nhưng chúng vẫn được ăn thịt sống vì thế, bản năng hoang dã trong chúng vẫn còn. Bình thường, bản năng này bị “dìm” đi, nhưng vì một lý do nào đó mà bản năng này bùng phát và thế là gây chuyện ngay.

Hổ cực kỳ ghét người có mùi men, kể cả người chăm sóc chúng hàng ngày. Thế mới có chuyện ở một gánh xiếc nước ngoài, có cô diễn viên dạy thú, trước khi vào biểu diễn lại uống hớp rượu bạn bè mừng ngày sinh nhật của cô. Và khi cô ra sân khấu với cây roi quen thuộc trong tay, thì lũ hổ đã ngửi thấy mùi men, và chúng đã nghĩ rằng đây không phải là “thầy”, mà là kẻ thù. Thế là cả đàn hổ xông vào xé cô ra, ăn ngay trên sân khấu, trước sự kinh hoàng của khán giả.

Hổ cũng rất nhạy cảm với mùi máu. Nếu con người, hoặc con vật và có máu chảy, dù chỉ là vết cực nhỏ, thậm chí đã được băng kín, thì cũng sẽ trở thành mồi của hổ…

Hổ nuôi - dù là được nuôi từ bé - thì chúng vẫn là Chúa sơn lâm. Cho nên đúng là “không nên đùa với hổ”.

Nguyễn Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc