Tại sao ăn thịt con nưa lại gây ngộ độc?

14:15 | 13/11/2015

5,702 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nưa là một con vật có bề ngoài rất giống con trăn, nhưng đã có nhiều vụ việc ăn thịt con vật này gây ngộ độc. Mới đây nhất, một nhóm 12 người ở Gia Lai bị ngộ độc nặng, điều trị cả nửa tháng vẫn chưa khỏi vì ăn thịt con vật này.

Ngày 20/10, gia đình anh Đinh Xuân Thả (trú tại thôn Tân Tiến, xã Trang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) có mua một con vật có bề ngoài giống con trăn với giá 3 triệu đồng.

Ngoài xương để nấu cao thì anh Thả cùng một số người khác làm thịt con vật này để ăn. Ngoài ăn thịt và nội tạng, 12 người này còn uống rượu hòa với tiết.

Sau đó, họ bị các triệu chứng sốt cao, lạnh run, kèm theo nôn, đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa. Sau hơn nửa tháng điều trị, tình trạng của những người này vẫn rất yếu, chưa có dấu hiệu khả quan.

tai sao an thit con nua lai gay ngo doc

Con nưa có bề ngoài rất giống con trăn, nhưng khi ăn vào sẽ gây ngộ độc vì thịt và các bộ phận chứa nhiều độc tố. Ảnh: Báo Gia Lai.

Theo thông tin từ Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, con nưa là một loài bò sát rất giống con trăn, ngoài lỗ 2 mũi chính còn có 7 lỗ khác làm nhiệm vụ hô hấp. Chính vì thế trong dân gian gọi là con trăn 9 mũi.

Khi di chuyển, con trăn thường hạ đầu thấp, còn con nưa thì ngóc cao đầu. Ngoài ra, con trăn không có răng, còn con nưa có răng như rắn. Trong thịt và nội tạng con nưa có chứa nhiều độc tố. Khi ăn thì không xảy ra ngộ độc ngay mà thường nhiều ngày sau mới có triệu chứng.

Vụ ngộ độc mới nhất ngày 20/10 tại Gia Lai, các nạn nhân bị ngộ độc sau 2, 3 ngày; nhưng có trường hợp sau 10 ngày mới có biểu hiện ngộ độc như vụ ngộ độc xảy ra vào tháng 8/2014 tại thôn Nam Tân, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk.

Khi ngộ độc, các nạn nhân thường có các triệu chứng giống như một cơn sốt rét gồm: sốt cao, lạnh run, vã mồ hôi sau cơn sốt, kèm theo nôn, đau đầu, chóng mặt. Một số người còn bị chảy máu mũi, máu tai.

Ngoài bị ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong thịt nưa, việc pha máu uống rượu còn tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, còn có thể bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm như liên cầu khuẩn, các loại virus... vì con nưa là động vật ăn thịt sống. Mà trong các động vật sống đều có nhiễm các ấu trùng trong cơ thể, nhiều nhất là giun xoắn.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra việc ngộ độc do thịt nưa, ngày 07/8/2014 tại thôn Nam Tân (xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) có 13 người bị ngộ độc nặng do ăn thịt nưa, trong đó có 8 người nguy kịch vì ăn nội tạng và uống rượu có pha tiết con vật này. 

Tháng 7/2013 tại huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cũng xảy ra một vụ ngộ độc do ăn thịt và uống rượu pha tiết con nưa khiến 14 người ăn phải nhập viện cấp cứu.  

Ngoài ra, còn một trường hợp là ông Nguyễn Hoan (trú huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tưởng nhầm con nưa là con trăn, nuôi trong nhà. Khi bị con vật này cắn, ông Hoan tưởng là trăn không có nọc độc nên chủ quan nên trúng độc, phải điều trị nhiều nơi mới khỏi.

Những vụ ngộ độc thịt nưa thường xảy ra tại các địa phương có địa hình nhiều rừng núi, khí hậu ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các loài bò sát giống con nưa phát triển.

Bên cạnh đó là thói quen thu hái và sử dụng các loại thực phẩm ngoài tự nhiên như  thịt động vật, các loại nấm, lá cây rừng để làm thực phẩm của người dân; cộng thêm việc thiếu hiểu biết trong các phân biệt, chế biến thực phẩm.

Đó là các nguyên nhân chính gây nên những vụ ngộ độc từ thực phẩm tự nhiên giống như các vụ ngộ độc thịt nưa.

Hà Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc