Tài sản từ thương hiệu

07:28 | 24/12/2017

251 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều tiếng thở phào nhẹ nhõm khi đợt chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco đã thành công mỹ mãn và Nhà nước dự kiến thu về 110.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD trong đợt đấu giá này.

Nhẹ nhõm bởi lẽ đây là lần đầu tiên công cuộc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thêm lần nữa chứng minh rằng, với một tài sản khổng lồ như vậy hoàn toàn có thể diễn ra suôn sẻ trong sự bảo đảm tuân thủ những quy định khắt khe của pháp luật. Nhẹ nhõm phần khác là Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao trong việc trở thành Chính phủ kiến tạo, không phải nặng gánh trong việc “bán bia, bán sữa” như trước nữa.

Thế nhưng, vẫn có những lo lắng ở tầm quốc gia, chẳng hạn như liệu thương hiệu bia Việt có biến mất trên thị trường đất Việt?

Có một bài học khiến nhiều người nhắc tới lúc này, đó là sự biến mất trên thị trường kem đánh răng Dạ Lan, một thương hiệu đã có lúc chiếm tới trên dưới 70% thị phần của cả nước.

Sau khi liên doanh với Hãng Colgate (Mỹ), từng hộp kem đánh răng Dạ Lan với hình ảnh ông già thân quen đã “gánh” thêm trên mình nhãn hiệu Colgate và theo hệ thống phân phối vốn có đi vào từng ngõ ngách của thị trường. Sau một thời gian, liên doanh thua lỗ triền miên, đồng thời thương hiệu Colgate đã trở thành quen thuộc với đông đảo người tiêu dùng Việt, liên doanh bắt buộc phải tăng vốn góp. Doanh nghiệp phía Việt Nam không chịu nổi, phải bán lại toàn bộ cổ phần của mình. Cuối cùng, điều gì phải đến ắt sẽ đến...

tai san tu thuong hieu

Nỗi lo ấy ám ảnh nhiều thương hiệu Việt đến tận bây giờ và không loại trừ đối với các thương hiệu bia Việt trong công cuộc thoái vốn khổng lồ này.

Quan tâm đến vấn đề này, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu Mibrand, đại diện của Brand Finance tại Việt Nam nhìn nhận: “Tôi không nghĩ các nhà đầu tư chiến lược sẽ thay đổi thương hiệu Việt. Một trong những thứ quan trọng họ nhắm đến khi mua doanh nghiệp là thương hiệu, đó mới là vốn quý để họ đầu tư. Nhà đầu tư thông minh là họ mua thương hiệu chứ không phải mua lại máy móc, nhà xưởng”.

Ta hãy thử chứng minh quan điểm này. Năm 2017, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được các tổ chức uy tín toàn cầu đánh giá.

Đứng thứ nhất là Apple, giá trị thương hiệu được đánh giá 154,1 tỉ USD, trong khi doanh thu thương hiệu này trong năm là 233,7 tỉ USD. Đây là Tập đoàn công nghệ máy tính của Mỹ có trụ sở chính đặt tại Silicon Valley ở San Francisco, bang California, Mỹ. Apple được thành lập ngày 1-4-1976 dưới tên Apple Computer, Inc. và đổi tên thành Apple Inc. vào đầu năm 2007.

Tiếp theo là Google, giá trị thương hiệu là 81,5 tỉ USD. Doanh thu trong năm của Google là 68,5 tỉ USD. Công ty có trụ sở tại Mỹ, được thành lập vào năm 1998. Sản phẩm chính của công ty này là công cụ tìm kiếm Google, được nhiều người đánh giá là công cụ tìm kiếm hữu ích và mạnh mẽ nhất trên Internet.

Tiếp nữa là Microsoft, giá trị thương hiệu 75,2 tỉ USD. Doanh thu thương hiệu này trong năm là 87,6 tỉ USD. Là tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đặt trụ sở chính tại Redmond, Washington, chuyên phát triển, sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm và hỗ trợ trên diện rộng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến máy tính.

Chỉ nêu 3 thương hiệu lớn như vậy để thấy rằng, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp nổi tiếng có giá như thế nào và liệu các chủ sở hữu của nó có dễ dàng quay lưng lại với nó hay không?

Theo Công ty Chứng khoán HSC, ước tính trong năm 2017, tổng doanh thu SABECO đạt 34.704 tỉ đồng, tăng 13,4%; LNST 5.092 tỉ đồng, tăng 10,2% và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ 4.900 tỉ đồng, tăng 9,4%.

Và ai cũng hiểu rằng, giá trị thương hiệu của SABECO phải lớn như thế nào thì mới đạt được kết quả như vậy!

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, SABECO sẽ vẫn giữ thương hiệu. Cũng giống như Alibaba, ông chủ của thương hiệu này là người Trung Quốc chỉ chiếm 9,8% cổ phần nhưng vẫn mang tên của doanh nghiệp Trung Quốc. Ông nhận xét: “Tôi không hiểu sao lại có suy nghĩ cổ đông nước ngoài đến thay thương hiệu của mình. Mấu chốt vấn đề là tùy thuộc vào cách quản trị của mình”.

Như vậy, ta cũng không nên lo lắng thái quá về việc mất thương hiệu bia Việt. Tuy nhiên, các thương hiệu Việt vẫn phải luôn luôn phấn đấu để khẳng định mình, bởi trên thương trường không có cụm từ “không thể”, thí dụ trong riêng trường hợp này là “khó có thể”.

Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Tư vấn Thương hiệu Mibrand - Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam, một số thương hiệu bán lẻ bán cổ phần cho nước ngoài, việc mất thương hiệu hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi lẽ, cái mà DN nước ngoài mua là quyền phân phối, quyền quyết định phân phối chứ không phải thương hiệu. Lúc ấy, vấn đề đó không chỉ ảnh hưởng đến một thương hiệu mà là cả hàng nghìn thương hiệu.

Tuy nhiên, để lường trước, đề phòng những rủi ro về việc mất thương hiệu, ông khuyến cáo, cần ràng buộc trong hợp đồng mua bán và thỏa thuận M&A. Theo đó, trong thỏa thuận về mua bán cần có cam kết tiếp tục duy trì thương hiệu cũ vĩnh viễn hay lâu dài, nhà đầu tư cam kết duy trì, phát triển thương hiệu thì mới bán. Nếu không cam kết, họ có thể đưa thương hiệu của họ vào và tiêu diệt thương hiệu của Việt Nam.

Nguyễn Long Vân