Tai nạn lao động - S.O.S!

07:00 | 19/04/2018

1,289 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một trong những điều kiện tốt giúp doanh nghiệp phát triển, đồng thời bảo đảm các quyền lợi và tính mạng của người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, dường như ATVSLĐ không được quan tâm đúng mức.

Tiếp tục gia tăng

Trong chương trình đối thoại về ATVSLĐ được tổ chức tại Hà Nội mới đây, một thống kê của Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, số người thiệt mạng do tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm qua tăng khá cao. Năm 2017, toàn quốc xảy ra 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người tử vong, tăng 65 người với năm trước. Số nạn nhân bị TNLĐ thuộc cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động phi chính thức. Cụ thể, có 898 vụ TNLĐ chết người, 101 vụ có số người bị nạn từ 2 người trở lên. Bên cạnh đó, có 1.915 người bị thương nặng, hơn 2.700 nạn nhân là lao động nữ.

tai nan lao dong sos
Tập huấn cấp cứu trường hợp bị tai nạn lao động

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, 860 nghìn người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác bảo đảm ATVSLĐ ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp.

Theo Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, hiện nay trên thế giới có khoảng 541 triệu lao động trẻ ở độ tuổi 15-24, chiếm hơn 15% tổng lực lượng lao động toàn cầu. Lao động trẻ có tỷ lệ TNLĐ cao hơn 40% so với nhóm lao động lớn tuổi hơn.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, đó là do lao động trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển thể chất và tâm sinh lý, thiếu kinh nghiệm làm việc và huấn luyện, nhận thức về các nguy cơ TNLĐ tại nơi làm việc còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, họ thiếu nhận thức về quyền của người lao động tại nơi làm việc. Do đó, nhiều lao động trẻ dễ chấp nhận làm các công việc có điều kiện lao động ảnh hưởng xấu tới an toàn và sức khỏe.

Cần quan tâm tới lao động trẻ

Trước tình trạng mất ATVSLĐ như vậy nhưng các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là công tác huấn luyện ATVSLĐ ở nhiều nơi chưa nghiêm túc, nếu có chỉ làm để đối phó.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, việc huấn luyện ATVSLĐ ở địa phương hết sức lộn xộn. Tình trạng “ăn bớt”, rút ngắn thời gian huấn luyện diễn ra khá phổ biến. Nhiều công ty tổ chức hoạt động huấn luyện chỉ từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ, tranh thủ thời gian nghỉ trưa của công nhân bằng cách giới thiệu thông tin, chiếu video clip. Do đó, hiệu quả của công tác bảo đảm ATVSLĐ không cao.

Để giải quyết vấn đề này, ông Chang-Hee Lee cho rằng, đối tượng phải thực hiện đầu tiên trong công tác bảo đảm ATVSLĐ là giới trẻ. Bởi nhận thức của họ về vấn đề này chưa sâu sắc. Do đó, họ phải được giáo dục về mối nguy hiểm và rủi ro cũng như quyền lợi của người lao động tại nơi làm việc bắt đầu từ ở trường học, thông qua các chương trình đào tạo nghề…

Ông Chang-Hee Lee nhấn mạnh: “Việc cải thiện ATVSLĐ cho người lao động trẻ chỉ có thể được thực hiện thông qua những nỗ lực tập thể từ nhiều phía như các cơ quan quản lý Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động, các tổ chức dân sự và đặc biệt là những người lao động trẻ”.

Về phía cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị, Cục An toàn lao động cần có văn bản chỉ đạo những cơ quan chịu trách nhiệm rút giấy phép, từ chối với những doanh nghiệp không bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình huấn luyện ATVSLĐ. Nếu cơ quan nào vẫn cố tình “móc nối” với doanh nghiệp để làm việc này, sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây là việc phải làm vô cùng quan trọng, có liên quan đến tính mạng con người chứ không phải chuyện đơn giản.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo đảm ATVSLĐ, bà Đào Thị Thu Huyền, thành viên Ủy ban Lao động, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị: Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH cần quy định rõ hơn mức giới hạn cho phép của mỗi ngành nghề, điều kiện đi kèm khi có trang thiết bị bảo hộ lao động. Hay về quy định khi điều trị bệnh thì phải nói rõ thế nào là điều trị ổn định, chứ chỉ nói chung chung thì không biết thực hiện như thế nào cho đúng.

Đại diện Cục An toàn lao động thì cho biết, quy định của pháp luật để doanh nghiệp tổ chức một khóa huấn luyện cho người lao động phải có giảng viên đáp ứng đủ điều kiện; có chương trình tài liệu đáp ứng đúng yêu cầu; thực hiện huấn luyện và bảo đảm thực hành tại doanh nghiệp. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, địa phương phải có trách nhiệm xử lý nghiêm để doanh nghiệp đó rút kinh nghiệm. Thêm nữa, việc tự tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức là tự tổ chức huấn luyện nếu có giảng viên hoặc thuê tổ chức huấn luyện.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành khác trình Chính phủ sửa đổi một số quy định, đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt điều kiện kinh doanh trong kiểm định, quan trắc môi trường lao động. Bên cạnh đó có những giải pháp căn cơ hơn để bảo đảm môi trường lao động an toàn, bảo đảm sức khỏe người lao động tốt hơn.

Từ phiên đối thoại định kỳ năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đã rà soát, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực huấn luyện ATVSLĐ, tham mưu giảm 2% mức phí thẩm định dịch vụ huấn luyện cho doanh nghiệp.

Nguyễn Anh