Kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ:

Tái cử bên bờ vực

07:11 | 09/11/2012

1,562 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Người dân Mỹ vừa cho ông Barack Obama thêm bốn năm nữa để đẩy lùi nước Mỹ khỏi vực thẳm ngân sách và phục hồi nền kinh tế èo uột.

 

Cử tri Mỹ vừa cho ông Obama thêm 4 năm để cứu nước Mỹ khỏi vực thẳm tài chính

Tổng thống Obama chiến thắng trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái đã hủy hoại nặng nề tinh thần quốc gia. Ông là vị Tổng thống tái đắc cử với tỷ lệ thất nghiệp 7,9% - cao nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ sau cuộc Đại suy thoái trong những năm 1930 thế kỷ trước. Ông đã chiến thắng, bất chấp việc cử tri cho rằng đối thủ của ông Mitt Romney mới là sự lựa chọn tốt hơn để chấm dứt tình trạng tài chính trì trệ của Washington.

Nguyên nhân dẫn tới chiến thắng này là bởi các cử tri hoàn toàn tin rằng chính ông Obama, chứ không phải Romney mới là người hiểu được các lo ngại của họ về vấn đề học phí, hóa đơn bảo hiểm và nhiều vấn đề đau đầu khác. Theo các kết quả sau bầu cử, cử tri cho rằng Tổng thống Obama là người đại diện cho tầng lớp lao động nghèo và trung lưu, trong khi đối thủ của ông - Mitt Romney - lại nghiêng về phía những người giàu có.

Nhà phân tích James M. Lindsay thuộc Ủy ban Đối ngoại Mỹ nói: "Thách thức lớn nhất mà Tổng thống Obama phải đối mặt trong thời gian tới là vấn đề giới hạn thâm hụt ngân sách và tình hình tài chính của Mỹ. Nếu ông không thể tìm ra cách để giúp Mỹ trả hết nợ, các hậu quả trong dài hạn đối với Mỹ sẽ vô cùng lớn và nghiêm trọng".

Theo các nhà phân tích, chiến thắng của Tổng thống Barack Obama không chỉ đồng nghĩa với việc các kế hoạch và mục tiêu kinh tế của ông sẽ được tiếp tục, mà còn trở thành động lực tiếp sức cho ông trong các cuộc đối đầu với những người không cùng quan điểm. Tổng thống Obama sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách đánh thuế cao đối với người giàu, nhằm mục đích giảm "núi" nợ công mà Mỹ đang gánh chịu, đồng thời nhằm tìm kiếm nguồn ngân sách cho các chương trình ông muốn thực hiện. Trong những tháng tới, ông cũng sẽ nỗ lực thuyết phục Quốc hội thông qua một thỏa thuận quan trọng tìm cách giảm thâm hụt tài chính, sau đó sẽ lần lượt giải quyết các vấn đề nổi cộm như nhập cư, cải cách thuế và nhiều vấn đề khác.

Bây giờ xin nói về vực thẳm tài chính mà ông Obama đang đứng trước. Kinh tế Mỹ chưa hồi phục sau vụ đại suy thoái 2008-2009, nay chỉ đạt mức tăng trưởng èo uột cỡ 2% và thất nghiệp vẫn mấp mé 8%. Trong khi ấy, nước Mỹ mắc nợ đến kỷ lục, xấp xỉ tổng sản lượng quốc nội, vì nạn bội chi ngân sách, nhất là trong bốn năm vừa qua vì lý do “kích thích kinh tế”.

Nhìn trong trường kỳ, Mỹ không thể là siêu cường Chúa Chổm và gánh nợ là quả bom nổ chậm. Nhưng ngay trước mắt mà lại tăng thuế và giảm chi thì kinh tế có thể bị suy thoái. Vì vậy, cả nước phải vượt qua vực thẳm tài chính hay tận thế thuế vụ thì mới khá. Mà vực sâu đó gồm có những gì cho năm tới?

Thứ nhất về thuế khóa, hai đạo luật giảm thuế thời Bush mà mãn hạn thì thuế sẽ tăng 265 tỷ USD, gồm có 55 tỷ của "bọn nhà giàu” và 210 tỷ của những người được gọi với mỹ từ là “trung lưu”. Chuyện đấu phép và mặc cả giữa hai đảng liên quan đến 55 tỷ này - so với hơn ngàn tỷ bội chi trong một năm thì chẳng là vấn đề bên Cộng hòa, hay giải pháp bên Dân chủ. Lý luận đấu tranh giai cấp, gọt tóc nhà giàu để cứu dân nghèo chỉ là thủ thuật chính trị cho cử tri nguy ngơ.

Thứ hai, về ngân sách thì mức giảm chi là cỡ 160 tỷ, trong đó có 110 tỷ sẽ bị cắt, đa số liên quan đến quốc phòng. Ðôi bên đều ngại chuyện cắt đốt cột này nên cãi cọ mãi thì cũng sẽ... cắt khoản cắt ấy, nghĩa là vẫn chưa thật sự giảm chi.

Thứ ba, một phần của kế hoạch tăng chi để kích thích kinh tế của Obama năm 2009 cũng triệt tiêu, đó là 2% của tiền an sinh và việc triển hạn trợ cấp thất nghiệp. Hóa đơn trị giá 140 tỷ. Sau khi tăng chi để kích thích, nếu giảm chi thì ta gặp hiện tượng... “phản kích thích” một nền kinh tế có thể bị suy trầm nữa.

Thứ tư, có biện pháp tăng thuế các hộ gia đình khá giả từ đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế (Obamacare), trị giá chừng 24 tỷ. Trong khung cảnh hiện nay, giàu là cái tội, nên coi như những kẻ có tóc sẽ bị gọt thêm 24 tỷ!

Sau cùng, còn ngân khoản cứ được thò ra kéo vào hàng năm, gồm có số dự chi được điều chỉnh và Thuế tối thiểu Ðiền thế (Alternative Minimum Tax), trị giá khoảng 105 tỷ. Ðây là đòn chính trị rất Mỹ, năm nào cũng đáo hạn rồi lại được triển hạn, để nhắc nhở là nhà nước lo cho dân nghèo.

Cộng năm khoản đó thì ta thấy vực thẳm tài chính có thể sâu tới 694 tỷ USD cho một nền kinh tế có sản lượng gần 15.000 tỷ USD. Nhưng xét cho kỹ thì phải trừ bớt hai khoản dọa dẫm là thuế trung lưu (210 tỷ) và mục chi thứ năm nói trên (là 105 tỷ), tức là 315 tỷ; vị chi, kinh tế có thể bị hụt 380 tỷ. Ðã vậy, trong hoàn cảnh thật ra vẫn bất ổn về an ninh, từ Trung Ðông tới Trung Quốc, ít ai dám cắt mạnh về quốc phòng nên cò kè rồi cũng đành giảm mức giảm chi.

Như vậy, liên danh vừa đắc cử lĩnh một cái hố có mức co giãn từ 694 tỷ đến 380 hay 300 tỷ hoặc 80 tỷ USD. Sâu hay nông là tùy khả năng dọa, dụ và trả giá. Khi đó, với sự lạc quan của người đắc cử, tổng thống tân cử có thể hỏi ban tham mưu kinh tế là hậu quả sẽ ra sao?

Nếu Tổng thống Obama không thể chấm dứt thế bế tắc tài chính của Mỹ thì nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ trở thành quãng thời gian gắn liền với sự bất bình của người dân.

Thế giới chúc mừng chiến thắng của Obama

Các nhà lãnh đạo hiện thời và trước đây của thế giới đã hoanh nghênh tổng thổng Mỹ Barack Obama tái đắc cử và bày tỏ hy vọng rằng ông sẽ giúp làm giảm bớt các xung đột toàn cầu và khủng hoảng kinh tế.

Thủ tướng Australia Julia Gillard đã chúc mừng ông Obama tái đắc cử và kêu gọi Mỹ đóng vai trò lãnh đạo trong các vấn đề ổn định tài chính, biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã từng có mối quan hệ căng thẳng với tổng thống Mỹ về vấn đề Iran và về mối quan hệ giữa Israel và Palestine, đã chúc mừng thắng lợi của tổng thống Obama khi ông gặp đại sứ Mỹ tại Israel, Dan Shapiro.

Cựu tổng thống Ba Lan, Lech Walesa cũng nói rằng ông từng hy vọng đảng Cộng hòa sẽ thắng nhưng đành phải chấp nhận kết quả này. Ông nói: “Sẽ chỉ là sự tiếp nối các mối quan hệ hiện tại mặc dù thêm một kỳ nữa sẽ đem đến cho tổng thống nhiều cơ hội hơn”.

Thủ tướng Nga Dmittry Medvedev hoan nghênh ông Obama tái đắc cử. “Đầu tiên, tôi cũng vui mừng biết rằng người đứng đầu của quốc gia rộng lớn và có nhiều ảnh hưởng này sẽ không phải là người xem nước Nga là kẻ thù số một của mình”. Ông Mitt Romney đã từng chỉ ra rằng Nga là kẻ thù số một của Mỹ.

Thủ tướng Noda của Nhật, nước đồng minh lớn nhất của Mỹ tại châu Á và là nơi đồn trú của gần 40.000 binh sỹ Mỹ, cho biết “mong chờ tiếp tục hợp tác” với chính quyền Obama.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak chúc mừng ông Obama tái đắc cử và kêu gọi duy trì hợp tác nhằm đối phó với đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng chúc mừng ông Obama và nhấn mạnh tới việc tăng cường quan hệ với Mỹ. Hai tháng trước, biểu tình đã nổ ra ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Pakistan vì một đoạn phim chống người Hồi giáo được sản xuất tại Mỹ. Ông Najib cho biết: “Tôi hi vọng rằng Tổng thống Obama sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố hiểu biết và tôn trọng giữa Mỹ và người Hồi giáo khắp thế giới. Là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa, Malaysia sẵn sàng đứng ra giúp đỡ khi Mỹ tìm kiếm sự hòa hợp hơn nữa với người Hồi giáo”.

Ngày 7/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chúc mừng ông Barack Obama được bầu lại làm tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Bức điện có đoạn viết: “Thay mặt Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, chúng tôi xin gửi tới ngài lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp ngài được bầu lại làm tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi hài lòng ghi nhận rằng trong nhiệm kỳ vừa qua của ngài, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục đạt được những bước tiến quan trọng. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, quốc phòng và an ninh cũng như hợp tác nhân đạo, trong đó có việc khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại. Bên cạnh đó, hai nước chúng ta cũng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trên các vấn đề hai nước cùng quan tâm”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

H.Phan