Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Tái cơ cấu mạnh mẽ, hiệu quả

13:44 | 02/08/2017

2,304 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhờ sự chủ động và chỉ đạo quyết liệt nên công tác tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đạt được những kết quả khả quan, được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá là doanh nghiệp triển khai mạnh mẽ, hiệu quả nhất về tái cơ cấu trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Kết quả đáng ghi nhận

Thực hiện Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 7-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, TKV đã cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra. Đến nay, TKV đã thực hiện tốt công tác tái cơ cấu, tập trung vào 4 lĩnh vực kinh doanh chính gồm: than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp. Các lĩnh vực kinh doanh khác đã phân loại và có lộ trình tái cơ cấu.

Tính đến hết năm 2015, TKV đã hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa (CPH) 11/11 đơn vị (bao gồm cả 3 tổng công ty), tổng số tiền thu về từ CPH đạt 494 tỉ đồng. Thoái vốn ngoài ngành được 6/8 đơn vị (thu hồi khoảng 86% tổng vốn đầu tư), thoái vốn trong ngành 5/7 đơn vị, chuyển nhượng 2 dự án đầu tư nước ngoài; thoái vốn tại các công ty “cháu” được 9/21 đơn vị theo kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền thoái vốn tại lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân hàng và tại các đơn vị trong ngành thu về 2.009 tỉ đồng, thặng dư 398 tỉ đồng.

tai co cau manh me hieu qua
Công tác tái cơ cấu tại TKV được triển khai tích cực

TKV đã sắp xếp, chuyển đổi 10 công ty TNHH MTV sản xuất than thành chi nhánh thuộc công ty mẹ - TKV, trong đó có 3 công ty hai cấp quản lý chuyển thành một cấp; thành lập mới và tổ chức lại các chi nhánh của TKV; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, hợp nhất 3 trường cao đẳng nghề thành Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam; nâng cấp Trung tâm Y tế lao động thành Bệnh viện Than - Khoáng sản; sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý cơ quan điều hành TKV từ 28 ban còn 22 ban. Đồng thời, TKV hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ, cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới, tái cơ cấu chất lượng lao động...

Mục tiêu phát triển bền vững

Trong thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục thoái, tăng vốn tại một số công ty con, đơn vị thành viên, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên trị trường chứng khoán.

Cụ thể, tại Công ty CP than Núi Béo, sẽ tăng tỷ lệ sở hữu của TKV lên 65-75% vốn điều lệ. Công ty CP Địa chất mỏ và Địa chất Việt Bắc sẽ thoái vốn của TKV xuống còn 51% vốn điều lệ. Tỷ lệ nắm giữ vốn cổ phần của TKV tại Công ty CP Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng sẽ giảm xuống còn 36% và tại Tổng Công ty Điện lực, Tổng Công ty Khoáng sản sẽ là 65%.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền thoái vốn của TKV tại lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân hàng và tại các đơn vị trong ngành thu về 2.009 tỉ đồng, thặng dư 398 tỉ đồng.

TKV đã có tờ trình đề nghị phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020. Trong đó phải kể đến mục tiêu CPH Công ty Mẹ - TKV. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ, thời gian CPH thực hiện vào năm 2020 hoặc có thể sớm hơn, đồng thời tiếp tục sắp xếp các chi nhánh thuộc công ty mẹ theo hướng giảm đầu mối, chuyên môn hóa hoạt động.

Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên TKV Lê Minh Chuẩn, để thực hiện đề án tái cơ cấu có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, TKV sẽ tiếp tục chủ động, khẩn trương thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 để có quyết sách, ứng xử phù hợp với xu thế, hướng tới phát triển bền vững, là một trong 3 trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

TKV tiếp tục tập trung giải quyết những bất cập về quản lý lao động, tài chính, tăng tính chủ động của doanh nghiệp nhưng phải kiểm soát được và tiếp tục hoàn thiện cơ chế và thể chế trong quản lý...

Nguyễn Kiên

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps