Tái cơ cấu để nâng cao năng lực cạnh tranh của PVN

08:53 | 16/02/2016

3,055 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 1-2-2016, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp đánh giá công tác chỉ đạo cổ phần hóa, thoái vốn, tổ chức lại mô hình hoạt động của các đơn vị thuộc PVN, các thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc và lãnh đạo các đơn vị đang điều hành sản xuất kinh doanh đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất thiết thực, bài học kinh nghiệm trong giai đoạn tái cơ cấu vừa qua và định hướng, kế hoạch công tác tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020. Năng lượng Mới trích đăng các ý kiến tham luận tại hội nghị.  

Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Mục tiêu cao nhất của công tác tái cơ cấu là nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực cạnh tranh của PVN. Vấn đề bao trùm toàn bộ hoạt động của PVN trong giai đoạn tới là chúng ta phải tái cấu trúc các đơn vị và tái cấu trúc các dự án, các tài sản, các vấn đề lớn của Tập đoàn.

Chúng ta phải xử lý những tồn tại lớn của PVN để từ Công ty Mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên có một “cơ thể khỏe khoắn” để vững tin bước vào giai đoạn 5 năm 2016-2020. Nếu chúng ta bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh hết sức khó khăn và áp lực khi giá dầu giảm sâu như hiện nay với một “cơ thể thương tích chưa lành” thì không thể tiến xa, tiến mạnh.

Chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp với mục tiêu đã thống nhất đề ra là đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tập trung vào 5 lĩnh vực chính để phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển. Chúng ta cần phối hợp chỉ đạo xuyên suốt trong tất cả các hoạt động của Tập đoàn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn; cải cách hành chính, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nâng cao hơn nữa tính công khai minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác dự báo, ngăn ngừa rủi ro; tăng cường đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất kinh doanh; đào tạo phát triển nguồn nhân lực để có được đội ngũ chuyên gia ở các lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn, đảm bảo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí thì phải tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, các định mức, tối ưu hóa chi phí để trong bối cảnh giá dầu thấp công tác tìm kiếm thăm dò vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, được quan tâm dành nguồn lực xứng đáng. Tập đoàn sẽ có những giải pháp hỗ trợ hết sức cụ thể để Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đề ra về gia tăng trữ lượng dầu khí. Bên cạnh đó Tập đoàn sẽ có những kiến nghị để có cơ chế chính sách đặc thù cho lĩnh vực này bảo đảm thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế dầu khí nói chung và PVEP nói riêng.

Về lĩnh vực công nghiệp khí, phải tiếp tục tập trung vào nghiên cứu tăng cường chế biến sâu các sản phẩm về khí. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai kết nối khu vực, hình thành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia, chủ động đề ra các giải pháp chiến lược, lâu dài cho công nghiệp khí, bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.

Về công nghiệp điện, chúng ta cần tiếp tục xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để cổ phần hóa Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) thành công. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ trọng tâm của PV Power là cổ phần hóa, tái cấu trúc các dự án, tối ưu hóa nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời vẫn đảm bảo vận hành bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện thông suốt. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, PV Power còn phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia, với 15% sản lượng điện toàn hệ thống hằng năm, PV Power phải đảm bảo tính kỷ luật trong điều độ điện của hệ thống quốc gia.

Đối với lĩnh vực chế biến, tồn trữ, phân phối sản phẩm dầu khí, phải tiếp tục xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, đầu tư vào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để thực hiện thành công cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn trong năm 2016. Cùng với việc nâng cấp, mở rộng nhà máy sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập tất yếu khi chúng ta tham gia vào các hiệp định FTA. Phải tập trung đào tạo chuyên gia đầu ngành, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong điều hành những nhà máy có công nghệ hiện đại và phức tạp như Dung Quất, Nghi Sơn…

Về lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao, chúng ta vẫn phải tập trung nâng cao chất lượng các dịch vụ dầu khí, dịch vụ khoan, khảo sát, thiết kế, chế tạo, xây lắp các công trình dầu khí; dịch vụ vận hành bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy công trình dầu khí, dịch vụ đóng mới vận hành các giàn khoan, ụ nổi… Mở rộng hoạt động dịch vụ dầu khí ra nước ngoài, cạnh tranh sòng phẳng được với các công ty quốc tế thì khi đó chúng ta mới thực sự xây dựng được đội ngũ các nhà cung cấp dịch vụ đúng với định hướng.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn, Thành viên HĐTV Phạm Xuân Cảnh

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Mục tiêu quan trọng của tái cấu trúc mà chúng ta hướng tới là nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh.

Thực tế là trong quá trình thực hiện, chúng ta phải đánh giá đầy đủ và đề ra giải pháp xử lý các “khối u”, kể cả các dự án, vấn đề vốn, vấn đề tài sản của các “khối u”.

Khi xem xét những tồn tại mang tính chất “khối u”, trong 3-4 năm nay chúng ta đều đặt ra nhưng rất khó xử lý, chưa giải mã được và hiệu quả rất hạn chế. Nguyên nhân sâu xa của những vấn đề “khối u” có nhiều, trong đó đặc biệt là vấn đề quản lý, quản trị chiến lược về đầu tư, quản lý dự án và chấp hành. Chúng ta cần có đánh giá sâu sắc về khâu này và có giải pháp cụ thể, có chế tài mạnh, kiên quyết để xử lý vì khi tiếp tục đầu tư mà không chuẩn thì hệ quả của nó rất khôn lường.

Thành viên HĐTV PVN Phan Đình Đức

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Mục tiêu của chúng ta là tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, để quản trị tốt hơn, năng lực cạnh tranh tăng lên. Vì vậy, ngoài các chỉ tiêu thoái vốn được bao nhiêu, cần tính một chỉ tiêu nữa là không thoái vốn ở một số đơn vị cần phải thoái vốn thì chúng ta mất bao nhiêu tiền. Bởi vì những đơn vị hoạt động không còn hiệu quả, chúng ta vẫn phải mất chi phí để duy trì nuôi nó.

Quá trình thoái vốn phải thực hiện theo luật, theo chỉ đạo, những vấn đề khó khăn vượt quá thẩm quyền của chúng ta thì phải đề xuất đến cấp trên xử lý.

Vấn đề là chúng ta không được tránh né, phải đi vào những nguyên nhân thực tế, mang tính bản chất để xử lý. Chúng ta muốn làm thì phải đưa ra phương án và phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, chúng ta phải kiên quyết loại bỏ những biện pháp xử lý mang tính duy tình, phải chấp nhận hy sinh một số đơn vị không thể cứu thì chúng ta mới có thể thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu đã đề ra.

Thành viên HĐTV PVN Đinh Văn Sơn

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Xét về tổng thể, việc tái cấu trúc của các đơn vị thuộc Tập đoàn trong giai đoạn 2012-2015 có những thành công nhất định. Tổng số vốn phải thoái khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó đã thoái được 2.200 tỉ đồng theo mệnh giá, thu về 2.643 tỉ đồng, lãi khoảng 473 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cho đến nay, công tác thoái vốn ở rất nhiều đơn vị đang gặp khó khăn, không chỉ riêng PVC, đơn vị khó khăn khác là PV Power. Vì sao, PV Power đang thực hiện sản xuất - kinh doanh rất tốt nhưng quá trình tái cấu trúc lại gặp nhiều khó khăn? Đó chính là do những quyết định đầu tư chưa thực sự phù hợp trong quá khứ. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế đó để có định hướng tốt hơn cho tương lai, nhất là trong quyết định đầu tư và mở rộng phải rất thận trọng.

Do đó, sắp tới từ lãnh đạo PVN, các phòng ban của PVN đến lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên PVN phải dành nhiều nguồn lực và thời gian cho công tác tái cấu trúc thì mới đạt có kết quả như mong đợi.

Tôi đề nghị một số vấn đề, quá trình tái cơ cấu đây chính là cơ hội cho từng đơn vị trong Tập đoàn xem xét lại chính mình, chấn chỉnh lại các vấn đề. Trong quá trình tái cơ cấu, không chỉ bảo toàn vốn mà còn phải tính đến việc phát triển vốn, thoái vốn phải kết hợp thu hồi công nợ tồn đọng. Để cổ phần hóa thành công trong những năm tới 2016-2020 thì sản xuất kinh doanh phải đạt kết quả tốt, cùng với đó là công tác thoái vốn, tái cơ cấu phải thực hiện hiệu quả.

Trưởng ban Kế hoạch PVN Trần Quốc Việt

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Trong tình trạng giá dầu giảm sâu như hiện nay đặc biệt ảnh hưởng đến khâu đầu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, vì vậy các khâu sau sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi Tập đoàn cần phải có giải pháp để cứu khâu đầu bằng cách xử lý chi phí vận hành để làm sao mỗi tấn dầu có chi phí thấp nhất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá dịch vụ và việc làm của dịch vụ. Chúng ta cần rà soát lại tất cả các hợp đồng dịch vụ để điều chỉnh cho phù hợp.

Lợi nhuận tháng 1-2016 của PVN rất xấu. Các đơn vị dịch vụ trong Tập đoàn chỉ đạt 50-60% kế hoạch so với tháng 1-2015. Đề nghị các đơn vị ngay trong đầu tháng 3 tại hội nghị về dịch vụ của Tập đoàn sẽ có giải pháp hữu hiệu để “cứu nhau”. Các đơn vị dịch vụ cũng cần tận dụng điều kiện thuận lợi từ Nghị quyết 233 để xây dựng nguồn lực và nâng cao sức cạnh tranh. Lãnh đạo các đơn vị cũng là người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại đơn vị, các kiến nghị cũng phải luôn cân đối đến quyền lợi của Tập đoàn.

Nhiệm vụ của Tập đoàn là phải bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Trong tình hình hiện nay, các đơn vị cần xác định việc tái cấu trúc vốn của Tập đoàn tại các đơn vị thành viên là chuyển đổi đầu tư ở những lĩnh vực bên ngoài có thể làm được, thu vốn về tập trung nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực cốt lõi.

Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính PVN Lê Đình Mậu

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Về tái cấu trúc khâu đầu, cụ thể là PVEP, vấn đề tái cấu trúc tài sản là hết sức quan trọng bởi mô hình hoạt động của PVEP nhiều năm qua đã có một lượng tài sản rất lớn không thể sinh lời được, nên chúng ta cần xử lý quyết liệt ngay trong vòng 5 năm tới. Chính phủ và Bộ Tài chính đã đồng ý cho chúng ta xử lý nguồn rất lớn là 5.900 tỉ tài sản ảo của PVEP, chúng ta cần quyết liệt xử lý ngay từ những tháng đầu của năm 2016. Để giải quyết được cần có một quyết tâm lớn để chỉ rõ đâu là tài sản có thể xử lý ngay. Đồng thời chúng ta cần cấu trúc lại chi phí hoạt động của Trung tâm ứng cứu sự cố tràn dầu (trước đây sử dụng từ nguồn lãi dầu khí nước chủ nhà).

Việc tái cấu trúc, thoái vốn tại PVC là quá chậm, thậm chí có lúc có đủ điều kiện nhưng vẫn chưa thực hiện được. PVC cần coi việc hoàn trả ủy thác vốn của Tập đoàn là nhiệm vụ trọng tâm. Với các công ty dịch vụ như PTSC, PVD cần làm việc với các ngân hàng để giãn các hợp đồng vay để cấu trúc lại các hợp đồng với các nhà thầu, liên doanh, điều chỉnh trách nhiệm trả lãi về các năm sau khi giá dầu lên trở lại.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) Bùi Ngọc Thắng

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Từ năm 2013-2015 sau khi thực hiện tái cơ cấu thì hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC đã có những dấu hiệu khởi sắc, từng bước có lãi như 2014 lãi 53 tỉ, năm 2015 là 140 tỉ. Tổng số lao động PVC năm 2012 khoảng 6.028 người, đến nay chỉ còn khoảng 5.000 người. Chi phí quản lý trên doanh thu của PVC liên tục giảm, thể hiện hiệu quả quản trị của tổng công ty thực hiện tái cơ cấu đúng hướng.

Trong giai đoạn đầu thực hiện đầu tư rất nhiều đơn vị của PVC hoạt động có hiệu quả, công tác chuyển nhượng góp vốn thuận lợi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng những năm gần đây do nhiều nguyên nhân khác nhau, chỉ còn một số ít đơn vị hoạt động tốt như PVC MS, PVC IC còn lại đa số các đơn vị đều hoạt động không ổn định, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; thị trường chứng khoán nhiều biến động, mất điểm đã gây ra khó khăn, áp lực cho PVC trong nỗ lực chuyển nhượng cổ phần, thu hồi vốn đầu tư. PVC đang nỗ lực tìm kiếm đối tác chuyển nhượng các dự án Khu Công nghiệp Soài Rạp - Tiền Giang, Bạc Liêu Tower…

Khó khăn nghiêm trọng nhất là hệ lụy từ công nợ của các dự án chưa được thanh quyết toán, giải quyết chi phí phát sinh trong giai đoạn trước như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Ethanol Phú Thọ…

Để PVC có thể hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh chúng tôi kiến nghị Tập đoàn có những giải pháp hỗ trợ về việc làm, tiếp tục gia hạn bảo lãnh tài chính cho PVC.   

Tổng giám đốc Tổng công ty Khí việt nam (PV GAS) Dương Mạnh Sơn

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

Cho đến thời điểm này phần lớn công tác tái cấu trúc PV GAS đã hoàn thành theo chỉ đạo của Tập đoàn. Đối với Công ty Đầu tư phát triển Gas đô thị (PV Gas City) do đối tác chưa chấp thuận mua bán, chuyển nhượng cổ phần nên đang giữ nguyên hiện trạng. Đối với công ty sản xuất ống thép dầu khí thì PV GAS đã mua lại cổ phần của các bên và có thể chuyển đổi thành chi nhánh khi có điều kiện. Liên quan đến các công ty cấp 4, PV GAS đã quyết liệt chỉ đạo các bên có liên quan, thực hiện hỗ trợ kinh phí chuyển đổi 5 công ty cấp 4 thành chi nhánh. Quá trình chuyển đổi Công ty CNG Việt Nam thành công ty cấp ba đang thực hiện đúng tiến độ.

Trong thời gian tới, PV GAS sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện mô hình tổ chức quản trị, phát triển nguồn lực, phát triển thương hiệu.

Tổng giám đốc tổng công ty vận tải dầu khí (PV Trans) Phạm Việt Anh

tai co cau de nang cao nang luc canh tranh cua pvn

PV Trans từ năm 2012 đến nay đã chấm dứt tình trạng thua lỗ. Năm 2012 có lợi nhuận trước thuế khoảng 200 tỉ, 2015 là khoảng 500 tỉ đồng. Đặc biệt, tất cả các đơn vị thành viên của PV Trans từ 2013 đến nay đều đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Công tác thoái vốn, quá trình tái cơ cấu theo chỉ đạo của Tập đoàn được PV Trans tiến hành đúng lộ trình, đồng bộ, tái cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc các khoản đầu tư, các dự án xấu và cả tái cấu trúc con người, đổi mới công tác quản trị, tài chính, cân đối xử lý các khoản nợ, cân đối dòng tiền… đạt kết quả tốt.

Giai đoạn 2016-2020 PV Trans đã lập kế hoạch trình Tập đoàn, trong đó nêu rõ các kiến nghị để Tập đoàn tạo điều kiện cho PV Trans tìm kiếm các đối tác lớn có tiềm lực tài chính mạnh, mở rộng quy mô hoạt động.

Nhóm Phóng viên

Năng lượng Mới số 497

DMCA.com Protection Status