Tác động lớn của giảm phát khu vực đồng Euro

08:54 | 05/11/2014

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giảm phát trong khu vực đồng euro đang tiến đến rất gần và đe doạ đến sự tồn vong của đồng tiền chung này.

Mặc dù các nền kinh tế Mỹ và Anh đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, kinh tế của Nhật Bản vẫn đang gặp khó khăn và tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay đã xuống thấp nhất kể từ năm 2009. Các mối đe doạ không thể đoán trước xuất hiện nhan nhản, đặc biệt là từ đại dịch Ebola, căn bệnh đã giết chết hàng ngàn người ở Tây Phi và khiến toàn cầu trở nên lo lắng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mối đe dọa kinh tế lớn nhất, cho đến nay, xuất phát từ lục địa già.

Vào thời điểm hiện tại, khi tăng trưởng của Đức đã không còn ổn định, khu vực đồng euro đang trên bờ vực rơi vào suy thoái lần thứ ba trong sáu năm qua. Các nhà lãnh đạo của nó đã lãng phí quãng thời gian phục hồi của nền kinh tế, mặc dù chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì" để cứu khu vực đồng tiền chung từ 2 năm trước. Pháp và Ý đã tránh né được cải cách cơ cấu nền kinh tế, trong khi người Đức đã quá chú trọng đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Giá cả đang giảm ở tám quốc gia châu Âu. Tỷ lệ lạm phát tổng thể của khu vực đã giảm 0,3% và cũng có thể tiếp tục suy giảm trong năm tới. Khu vực chiếm gần một phần năm sản lượng thế giới đang tiến dần đến sự trì trệ và giảm phát.

Tác động lớn của giảm phát khu vực đồng Euro

Những người lạc quan, cả bên trong và bên ngoài châu Âu, thường trích dẫn ví dụ của Nhật Bản. Nước này đã rơi vào tình trạng giảm phát trong những năm cuối thập niên 1990, với những hậu quả không hề dễ chịu cho bản thân và nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, khu vực đồng euro đặt ra những rủi ro lớn hơn nhiều.

Không giống như Nhật Bản, khu vực đồng euro không phải là một trường hợp cá biệt: Từ Trung Quốc cho đến Mỹ, tỷ lệ lạm phát thấp một cách đáng lo ngại, và trên đà suy giảm. Và, không giống như Nhật Bản, nước có một xã hội khắc kỷ đồng nhất, khu vực đồng euro có thể sẽ không còn khả năng duy trì sự gắn kết trước những khó khăn kinh tế và sự giảm giá. Khi gánh nặng nợ nần tăng cao từ Ý đến Hy Lạp, các nhà đầu tư sẽ trở nên sợ hãi, các nhà dân túy sẽ nhận được sự ủng hộ, và, không sớm thì muộn, đồng euro sẽ sụp đổ.

Mặc dù nhiều người châu Âu, đặc biệt là người Đức, đã được giáo dục cần lo sợ lạm phát, giảm phát thậm chí có thể còn tàn khốc hơn. Khi giảm phát diễn ra, niềm tin rằng tiền bạc trong tương lai sẽ có giá trị thấp hơn giá trị hiện tại làm cản trở đầu tư. Cùng với đó, niềm tin rằng hàng hóa mua vào ngày mai sẽ rẻ hơn so với hàng hóa mua hôm nay làm chi tiêu trở nên ứ đọng. Ngân hàng trung ương sẽ không còn có thể thiết lập lãi suất thực tế (lãi suất có tính đến yếu tố lạm phát) đủ để khôi phục nhu cầu. Do đó, các khoản nợ sẽ trở nên nặng nề hơn khi giảm phát diễn ra.

Việc 30 trong số 46 quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp hơn mức tối thiểu mà các ngân hàng trung ương đặt ra là một thực tế là đáng lo ngại, mặc dù một số mặt hàng giảm giá vẫn được công chúng chào đón. Các nhà đầu tư bắt đầu dự đoán lạm phát thấp tại cả những nền kinh tế đang phục hồi, chẳng hạn như Mỹ. Tệ hơn nữa, lãi suất ngắn hạn đang gần như bằng không tại nhiều nền kinh tế, vì vậy các ngân hàng trung ương không thể cắt chúng để thúc đẩy chi tiêu. Cách đối phó duy nhất còn lại là các biện pháp nới lỏng định lượng và các hình thức in tiền khác.

Các mối đe dọa toàn cầu đến từ tỷ lệ lạm phát thấp là một lý do chính đáng khiến cho hầu hết các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Đây cũng là một lời nhắc nhở xem xét sửa đổi mục tiêu lạm phát trong dài hạn. Nhưng vấn đề trước mắt là khu vực đồng Euro. Nền kinh tế của lục địa châu Âu đã tồn tại rất nhiều điểm yếu cơ bản, từ dân số nghèo nàn đến nợ nần chồng chất và thị trường lao động cứng nhắc. Bên cạnh đó, nó cũng đã thực hiện những chính sách sai lầm. Pháp, Ý và Đức đã né tránh tất cả các cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. Khu vực đồng euro đặc biệt dễ bị tổn thương trước nguy cơ giảm phát vì sự chú trọng đến quá nhiều các biện pháp thắt chặt tài chính của Đức và sự rụt rè của Ngân hàng trung ương châu Âu ECB. Ngay cả bây giờ, với nền kinh tế đang co lại, Đức vẫn bị ám ảnh với việc giảm thâm hụt ngân sách cho tất cả các chính phủ, trong khi việc nước này phản đối các chính sách nới lỏng tiền tệ đồng nghĩa với việc ECB đã làm ít hơn rất nhiều so với các ngân hàng trung ương lớn khác trong việc nới lỏng định lượng.

Khi ngân sách giảm và ECB phải đấu tranh để thuyết phục mọi người rằng nó có khả năng ngăn chặn trượt giá, việc rơi tình trạng giảm phát có vẻ rất có khả năng xảy ra. Dấu hiệu của sự căng thẳng bắt đầu xuất hiện ở cả thị trường và chính trị. Lợi suất trái phiếu ở Hy Lạp đã tăng mạnh, đi kèm với những sự ủng hộ cho đảng cánh tả Syriza tại nước này. Pháp và Đức đang đấu đá nhau trước một đề xuất ngân sách mới sắp ra của Paris.

Nếu châu Âu muốn ngăn chặn nền kinh tế trở nên tệ hơn, nó dừng  những hành vi tự huỷ hoại chính mình. ECB cần phải bắt đầu mua trái phiếu chính phủ. Thủ tướng Đức Angela Merkel nên cho phép Pháp và Ý làm chậm tốc độ cắt giảm tài chính của họ; đổi lại, những quốc gia cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu. Đức, nước có thể vay tiền với lãi suất thực dưới 0, có thể chi tiêu nhiều hơn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước.

Mặc dù tất cả những biện pháp trên đều có ích, chừng đó là không đủ. Thực trạng hiện nay giống như những năm đầu của sự sụp đổ đồng euro, trước lời hứa "sẽ làm bất cứ điều gì" của ông Draghi, khi các giải pháp nửa vời chỉ làm tăng thêm khủng hoảng. Châu Âu cần một giải pháp triệt để hơn. Vướng mắc hiện nay là việc pháp luật châu Âu cấm nhiều giải pháp cơ bản trong sách giáo khoa, ví dụ như ECB mua trái phiếu chính phủ mới ban hành. Lựa chọn pháp lý tốt nhất trong thời điểm hiện tại là tiến hành tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng cùng với việc ECB mua trái phiếu. Theo đó, Ngân hàng Đầu tư châu Âu có thể khởi động một sự mở rộng đầu tư lớn (khoảng 300 tỷ Euro, hoặc 383 tỷ USD), chẳng hạn như xây dựng mạng lưới đường sắt xuyên biên giới nhanh hơn hoặc lưới điện hiệu quả hơn, đồng thời quyên tiền bằng cách phát hành trái phiếu, thứ mà ECB có thể mua ở thị trường thứ cấp. Một lựa chọn khác là xác định lại quy định thâm hụt ngân sách của EU để loại trừ các chi phí đầu tư, qua đó cho phép chính phủ được phép có thâm hụt lớn hơn, đi kèm với sự hỗ trợ đến từ ECB.

Đằng sau tất cả những điều này là vấn đề của ý chí chính trị. Bà Merkel và người Đức dường như chỉ hành động khi đồng tiền chung đang trên bờ vực thảm họa. Trên khắp châu Âu, người dân đang bị tổn thương - ở Ý và Tây Ban Nha thất nghiệp của thanh niên đang ở mức trên 40%. Mặc dù cử tri đã thể hiện sự giận dữ của họ với cách thức bầu cử nghị viện của EU vào đầu mùa hè này, rất ít thay đổi diễn ra. Sự lao dốc xuống vực thẳm này sẽ tiếp tục kiểm tra sự kiên nhẫn của họ. Và một khi giảm phát bao trùm nền kinh tế, sẽ rất khó khăn để thoát ra khỏi khủng hoảng. Thời gian dành cho các nhà lãnh đạo châu Âu đang dần cạn kiệt.

Lê Minh Phúc