Suy ngẫm về “Một sáng kiến thách đố ngành than”

16:14 | 03/07/2015

3,293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quả thật là trong những ngày qua, tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần những vấn đề mà đại gia vùng mỏ nêu ra trong “Một sáng kiến thách đố ngành than”. 

Năng lượng Mới số 436

Và càng phải suy nghĩ hơn khi trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân đang kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - người được coi là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới, người mở đầu cho việc thay đổi quan điểm làm ăn kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Suy ngẫm về “Một sáng kiến thách đố ngành than”

Đối với dân tộc ta, đất nước ta, công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh là cực kỳ to lớn.

Nhưng không có nhiều người biết rằng, để đi đến những quyết định táo bạo, đồng chí đã phải trải qua những ngày tháng lao tâm khổ tứ như thế nào để tìm ra những cái mới trong cách quản lý từ những việc làm có tính “xé rào” của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoặc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở một số tỉnh phía Nam.

Ai cũng biết rằng, thực tiễn đẻ ra lý luận. Chính từ thực tiễn phong phú của cuộc sống, của chuyện làm ăn mà cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người khởi xướng công cuộc đổi mới.

Để cái “mới” đi vào được cuộc sống, không hề đơn giản, bởi cái “mới” phải đấu tranh với cái “cũ”, phải khẳng định được hiệu quả. Còn cái “cũ”, dù đã lạc hậu, dù đã mất hết sức sống, dù đã trở thành sự cản trở cho sự phát triển chung, nhưng nhiều khi vẫn tồn tại bởi đập cái “cũ” đi, xây cái “mới” rất không đơn giản.

Trở lại chuyện "Một sáng kiến thách đố ngành than".

Sau khi Báo Năng lượng Mới đăng, một vị nguyên lãnh đạo ngành than đã viết thư cho tôi.

Ông công nhận sáng kiến này rất hay và cho rằng, đó là một việc cần bàn, cần làm theo hướng phát triển tốt hơn.

Và ông cho rằng, phải nhìn vấn đề ngành than từ kinh nghiệm ở nước Nga, đó là thời Yeltsin đã bán ngành khai thác than cho tư nhân, nhưng sự hỗn loạn sinh ra từ đó. Và đến thời Tổng thống Putin thì phải mua lại để quốc hữu hóa một số mỏ.

Ông nói thẳng thừng rằng, 3 trụ cột của năng lượng quốc gia là điện - dầu khí - than. Than đang đứng ở vị trí “đội sổ”, nhưng ông tin tưởng, trong một tương lai không xa, ngành than sẽ vượt lên hàng đầu, bất chấp người ta có muốn hay không. Chính vì vậy, Nhà nước phải nắm chặt ngành than, tạo cơ chế cho ngành than phát triển, cũng như việc tạo cơ chế cho dầu khí phát triển. Đừng vì những hạn chế nào đó trong quản lý kinh tế của hai ngành này mà có ý đồ tư nhân hóa. Nhà nước phải nắm thật chặt than và dầu khí. Và làm gì thì làm cũng phải nhìn thấy bài học từ nước Nga. Ông còn nói: “Tôi xin được nêu ra: nếu có quyền, tôi sẽ cải tổ chính sách đối với ngành mỏ, cải tổ ngay cơ quan quản lý Nhà nước ngành này và nhất định giao chỉ tiêu rõ ràng, minh bạch cho các doanh nghiệp mỏ. Anh nào nhận làm lãnh đạo thì phải cam kết thực hiện các chỉ tiêu và được hưởng lợi ích thỏa đáng. Cam kết rồi, mà không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hãy bỏ thói quen “hòa cả làng” đi. Nếu ai làm lãnh đạo cũng có trách nhiệm, thì bộ máy sẽ gọn, nhẹ, đất nước sẽ phát triển. Đó là bài học rút ra được từ các nước phát triển. Với TKV, sáng kiến thách đố của nhà tư bản nọ chắc chắn sẽ làm cho lãnh đạo Tập đoàn và các công ty khó chịu, bức xúc, phản đối. Nhưng xin hãy bình tĩnh, ngẩng cao đầu, nắm tay nhau siết chặt đội ngũ, dấn thân vào nâng cao sức cạnh tranh. Đó là câu trả lời đúng nhất”.

Đọc những lời tâm sự của ông, tôi thấy có lẽ chỉ có những người gắn bó với ngành than, hiểu ngành than và yêu ngành than mãnh liệt mới có thể có được những suy nghĩ như vậy.

Về “Một sáng kiến thách đố ngành than”, đúng là doanh nghiệp Nhà nước như TKV rất khó chấp nhận. Bởi nếu cho làm thí điểm kiểu này, đại gia nọ thua thì không sao. Người ta sẽ có dịp vỗ tay và nói: “Thấy chưa? Tưởng ngon à?”. Nhưng nếu đại gia đó thắng, mà cái thắng này xem ra có lý vì ông ta dám đánh cược vào “cuộc chơi mới” này hàng trăm tỉ đồng thì sẽ là một cú đòn giáng mạnh vào cách quản lý, điều hành của ngành than. Và sẽ “phát lộ” rất nhiều những bất cập trong cơ chế, chính sách đối với ngành than.

Vậy phải chăng chúng ta nên có một cách ứng xử thử nghiệm? Đó là, mạnh dạn giao cho đại gia kia một khu mỏ và để ông ta làm xem sao.

Vấn đề cuối cùng là Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động có được lợi hay không? Đừng nên vội vàng xổ toẹt và nổi máu tự ái! Vả lại, không riêng gì ngành than, rất nhiều ngành nghề khác trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước có lẽ cũng nên nghiên cứu, áp dụng thí điểm một cách làm mới như thế.

Nhìn sang ngành khác như giao thông - vận tải chẳng hạn, gần đây dư luận đang rất quan tâm về những đề xuất của Bộ về việc chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không cho tư nhân. Tại sao ngành giao thông - vận tải dám đề xuất một bước đi có tính đột phá như vậy, mà các ngành khác lại không dám?

Tại sao chúng ta lại cứ giữ mãi cái tư duy là coi doanh nghiệp tư nhân là “bóc lột”, là “phi xã hội chủ nghĩa”? Và hễ đụng gì đến tư nhân là lập tức người ta nại ra rất nhiều lý do, mà trong đó, lý do đầu tiên thường là bảo đảm an ninh - quốc phòng. Rồi lo rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ bóc lột và sẽ không đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đúng là có không ít doanh nghiệp tư nhân đang làm ăn theo kiểu chộp giựt, trốn thuế, quỵt tiền bảo hiểm… Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp Nhà nước hẳn hoi cũng như vậy.

Ai cũng biết rằng, trong các doanh nghiệp Nhà nước, việc quản lý, điều hành đang tồn tại rất nhiều vấn đề cần khắc phục. Đó là sự trì trệ, thiếu năng động; đó là bộ máy quản lý hành chính nặng nề, người thực làm thì ít, người thực hưởng thì nhiều; đó là tình trạng cha chung không ai khóc… Kèm theo đó là không ít thông tư, nghị định, những chính sách đã lạc hậu. Tình trạng doanh nghiệp Nhà nước như bị sợi dây xích trói tay, trói chân võ sĩ khi lên lên vũ đài “uýnh” nhau với doanh nghiệp tư nhân đang là phổ biến và gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp Nhà nước.

Những năm gần đây, Đảng, Chính phủ đã thấy rất rõ những yếu kém trong quản lý kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước và đang có rất nhiều biện pháp quyết liệt để giảm bớt tình trạng này. Một trong những biện pháp đó là tái cơ cấu, mà trọng tâm là cổ phần hóa.

Vậy chúng ta hãy nên bình tĩnh mà tạo điều kiện cho những sáng kiến, những ý tưởng mới có cơ hội trở thành hiện thực. Không nên vội vàng “chan tương đổ mẻ” vào những cái “mới”.

Nói đến chuyện này, tôi xin phép được nhắc lại ý kiến của ông Phùng Tuấn Hà, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO). Quan điểm làm kinh tế của ông rất ngắn gọn, giản dị. Đó là “Kinh doanh thì phải nghĩ đến hiệu quả. Thể thao thì phải nghĩ đến thành tích. Làm chính trị trong doanh nghiệp là làm sao thu nhập của người lao động năm sau cao hơn năm trước, lợi nhuận năm sau hơn năm trước”.

Càng ngẫm càng thấy ông đúng! Bởi làm kinh doanh mà không có lãi thì có nói trời nói bể gì cũng là vứt đi. Thi đấu thể thao mà không có thành tích cao, không thắng được đối phương thì có chơi đẹp, đạo đức đến mấy cũng chẳng thể nào đứng lên được bục vinh quang. Còn trong doanh nghiệp, công tác xây dựng Đảng cứ nói rằng tốt, Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, không có đảng viên tham ô, tham nhũng, nhưng lợi nhuận nộp cho Nhà nước kém đi, không thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ, người lao động thu nhập ít hơn, đời sống khó khăn hơn thì những sự tốt đẹp kia cũng là ảo mà thôi.

Như Thổ

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc