Sức khỏe của công nhân là tài sản của doanh nghiệp

13:50 | 25/04/2017

632 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại với hơn 2.000 người lao động (NLĐ) ở các khu kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra tại TP Đà Nẵng ngày 22-4. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn bày tỏ sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực việc làm cũng như đời sống thường ngày của NLĐ.

Mâm cơm công nhân có "sạch" không?

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những trăn trở về đời sống, sức khỏe, bữa ăn cho NLĐ. Thủ tướng cho rằng, sức khỏe của công nhân là tài sản của doanh nghiệp (DN). Bữa ăn của công nhân không chỉ là bảo vệ sức khỏe của một thế hệ mà liên quan đến sức khỏe giống nòi. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, của DN phải rõ, phải chân thành trả lời trước NLĐ. Nếu như kiểm soát an toàn thực phẩm chưa tốt, để công nhân bị ngộ độc, chính quyền và DN phải chịu trách nhiệm.

“Trong năm qua, tiêu chuẩn bữa ăn của công nhân tại các nhà máy được cải thiện chưa? Cải thiện như thế nào, DN đã tăng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm chi phí cho một suất ăn? Mâm cơm công nhân có an toàn vệ sinh thực phẩm mới bảo đảm sức khỏe, tình trạng ngộ độc thực phẩm có được hạn chế trong năm qua hay không?”, Thủ tướng trăn trở.

Đó là những trăn trở rất gần gũi, đời thường của người đứng đầu Chính phủ đối với những NLĐ. Trong buổi đối thoại, anh Đỗ Hữu Phước, công nhân tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh (TP Đà Nẵng) đã đặt câu hỏi với Thủ tướng rằng, liệu có những giải pháp nào để giải quyết được tình trạng mất an toàn thực phẩm trong bữa ăn của công nhân?

suc khoe cua cong nhan la tai san cua doanh nghiep
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với người lao động

Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề phải “xử lý hình sự các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng”. Đồng thời, để chấm dứt tình trạng ngộ độc tập thể tại các DN có đông NLĐ, các cấp, các ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Công đoàn để giám sát chất lượng thực phẩm cũng như giám sát định mức kinh phí DN dành cho bữa ăn ca của NLĐ. “Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương với việc này. Đối với DN sử dụng lao động phải đảm bảo kiểm tra nguyên liệu, nơi chế biến và bếp ăn cho NLĐ, gắn trách nhiệm của người đứng đầu DN”, Thủ tướng giải đáp.

Thủ tướng cũng khẳng định, môi trường làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ và năng suất lao động. Những nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm bên trong nhà máy và tác động đến môi trường bên ngoài phải bị xử lý. Ở đâu có nhà máy gây ô nhiễm, lãnh đạo địa phương ở đó phải chịu trách nhiệm. DN nào gây ô nhiễm đã bị xử lý, có DN nào gây ô nhiễm nhưng vẫn đang hoạt động? Tôi đề nghị báo chí, người dân, anh em công nhân mạnh mẽ lên tiếng, chỉ ra, tôi cam kết sẽ xử lý.

Có thể kiện về bảo hiểm xã hội

Khi nhận được những câu hỏi liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có những kiến giải rất sâu sắc cho NLĐ rõ về quyền lợi của mình. Thủ tướng cho rằng, bảo hiểm xã hội là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội. Tình trạng DN trốn đóng BHXH đã có những dấu hiệu đáng lo ngại. Đã có những thống kê rằng hàng chục ngàn DN không đóng BHXH, trị giá tới hơn 15 nghìn tỉ đồng; hàng trăm ngàn công nhân có nguy cơ bị mất quyền lợi.

Chính phủ đã tích cực xây dựng các quy định của pháp luật như: cho phép cơ quan BHXH được thanh tra quá trình đóng BHXH của DN; quy định tội trốn đóng BHXH trong Bộ luật Hình sự: Người trốn đóng BHXH có thể bị xử phạt cao nhất đến 7 năm tù, DN trốn đóng BHXH bị xử phạt đến 3 tỉ đồng.

Đặc biệt, một trong những điểm mới quan trọng của Luật BHXH năm 2014 là tăng cường quyền và trách nhiệm của Tổ chức Công đoàn trong giám sát thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Trong đó Tổ chức Công đoàn được “Khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ”.

Thủ tướng cũng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền để NLĐ hiểu rõ quy định của Luật BHXH, tập huấn cho cán bộ công đoàn về kỹ năng, phương pháp tham gia khởi kiện, quy trình tố tụng… Tổng Liên đoàn cũng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với BHXH, với Tòa án Nhân dân Tối cao... chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để công đoàn có thể khởi kiện DN vi phạm pháp luật BHXH.

“Với cương vị là Thủ tướng Chính phủ, tôi cam kết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc, triệt để các quy định của pháp luật. Tôi tin rằng, những giải pháp quyết liệt như thế sẽ đủ sức răn đe những DN có ý định trốn đóng BHXH cho NLĐ”, Thủ tướng khẳng định.

Về bảo hiểm thất nghiệp, Thủ tướng cho rằng, hiện nay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tồn dư lớn, chủ yếu là do quỹ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Hiện chỉ mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để học nghề, chuyển đổi nghề và chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Trong khi đó, theo quy định của Luật Việc làm thì Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được dùng để chi trả cho 4 trường hợp là: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Mặt khác, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ cũng đã chỉ rõ cần “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao” .

Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của DN. Các cấp công đoàn cần có đề án cụ thể để sử dụng hiệu quả phần kinh phí này cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.

Ngay tại buổi đối thoại, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn với 8 đối tác mới trong các lĩnh vực vật liệu xây dựng, giao thông, xăng dầu, đồ uống. Trong đó, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) đã ký cam kết tổ chức bán lẻ xăng dầu cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với giá thấp hơn giá xăng dầu của PV OIL bán cho đối tượng khác.

Thanh Hiếu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc