Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam

09:29 | 22/04/2017

3,699 lượt xem
|
Với quy mô 110 tỉ USD (số liệu tính đến hết năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỉ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Chính vì vậy, trong vài năm gần đây, các tập đoàn nước ngoài lớn như Lotte, Central, Aeon, Auchan… đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam cho thấy tiềm năng cũng như cuộc đua giành thị phần của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Các nhà bán lẻ ngoại nhập cuộc

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020, từ mức 102 tỉ USD năm 2015, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2015. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Với các cam kết khi gia nhập WTO, hiện nay, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Sức hấp dẫn của một thị trường với quy mô dân số trên 93 triệu dân, trong đó gần 40% dân thành thị, thu nhập bình quân đầu người đang tăng và đã đạt trên 2.000USD/người đang là miếng bánh hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của Nielsen cũng cho thấy, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi đến năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014, lên 33 triệu người năm 2020. Tỷ lệ chi tiêu tăng, cùng với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi trả để có chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao. Cơ cấu dân số và gia đình, thói quen mua sắm thay đổi cũng đang tạo thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển.

Trong khi đó, một số tên tuổi bán lẻ trong nước như Coopmart, Vinmart, Hapro… sức cạnh tranh còn yếu và chưa thể phủ hết thị trường, còn chuỗi cửa hàng tiện ích G7Mart của Trung Nguyên thì đã “yểu mệnh” sau khi ra mắt chưa lâu.

suc hap dan cua thi truong ban le viet nam
Khách hàng mua sắm tại siêu thị VinMart

Với một thị trường hấp dẫn như vậy, các nhà bán lẻ nước ngoài đã không ngừng đổ bộ vào Việt Nam. Từ Metro Cash & Carry, tới BigC, Lotte và bây giờ là Aeon, Auchan, Robinsons, Emart… không bỏ lỡ cơ hội khi ồ ạt đầu tư vào Việt Nam. Ngoài đầu tư trực tiếp, các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tăng cường hợp tác liên doanh như Saigon Co.op với FairPrice (Singapore), CitiMart và Fivimart với Aeon (Nhật Bản), hay thông qua các thương vụ M&A như Alibaba (mua Lazada), Central Group (mua BigC, Nguyễn Kim), BJC (mua MetroVietNam), Lotte (mua Diamond Plaza), Nojima Corporation (mua Trần Anh)...

Không chỉ hướng đến thị trường bán lẻ béo bở ở khu vực thành thị, Central Group cũng cho thấy sự nhanh nhạy và mong muốn xâm nhập sâu hơn thị trường nội địa khi cuối năm 2015, Central Group Việt Nam tiếp tục mua cổ phần của Lan Chi Mart. Đây là doanh nghiệp (DN) có mạng lưới thị trường, hệ thống siêu thị bán lẻ tại các vùng ngoại thành khu vực phía Bắc, vốn là nơi đang ít có nhà bán lẻ lớn “nhòm ngó”.

Gần như chắc chắn, sự đổ bộ của một “ông lớn” trong ngành bán lẻ đến một quốc gia khác sẽ kéo theo một loạt hàng hóa, thương hiệu đến với người tiêu dùng bản địa. Tức là, nhà bán lẻ có toàn quyền lựa chọn thương hiệu trưng bày trong không gian của mình. Chẳng hạn, hàng Nhật đã theo chân Aeon, hàng Hàn Quốc tràn ngập trong Lotte để bán cho người Việt; đặc biệt, kể từ 2015 Việt Nam đã loại bỏ thuế cho 93% số dòng thuế từ các nước ASEAN, tỷ lệ này đến 2018 sẽ là 97%. Do vậy, hàng hóa từ các nước trong ASEAN tràn vào Việt Nam như hàng Thái Lan trong các siêu thị do người Thái mua lại thời gian qua là điều dễ hiểu.

Hệ quả tất yếu của cuộc “xâm lấn” trên là hàng hóa Việt dần vắng bóng trong các siêu thị “ngoại”. Và cuộc chiến giữa một bên là DN Việt và nhà bán lẻ Việt với một bên là DN ngoại và nhà bán lẻ ngoại vì thế càng trở nên gay gắt và không có chỗ cho những sai lầm.

Các nhà bán lẻ nội vượt lên

Đánh giá về thị phần bán lẻ trong nước, với thương vụ mới nhất là Central Group của Thái Lan sở hữu BigC Việt Nam thì hai hệ thống bán lẻ lớn là Metro Cash & Carry Việt Nam (nay là MM Mega Market) và BigC Việt Nam, một chuyên gia kinh tế cho rằng, 50% thị phần bán lẻ Việt đã về tay các nhà đầu tư Thái Lan, 50% còn lại đang có sự hiện diện của các nhà bán lẻ nội và một số nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…

Với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tại Việt Nam, sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng tăng đối với DN Việt. Khi cả Big C và Metro đều thuộc về tay người Thái, rõ ràng DN bán lẻ Việt Nam đang bị yếu thế cả về vốn lẫn kinh nghiệm quản trị. Tuy vậy, thông thạo về văn hóa bản địa và gần gũi với người tiêu dùng Việt lại là lợi thế cho các nhà bán lẻ nội. Vì thế, cuộc đấu của một bên là các DN bán lẻ thuộc Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và phần còn lại chủ yếu là Saigon Co.op với chuỗi siêu thị Co.opMart, Vingroup với hệ thống Vinmart được dự báo là còn căng thẳng và kéo dài.

Thua thiệt về vốn và kinh nghiệm, ngoài đối đầu trực tiếp, các DN Việt được cho là đang khá khôn khéo khi lựa chọn các mảng thị trường nhỏ hơn, nơi mà DN ngoại chưa chú ý tới.

Tiên phong trong việc “phản công” lại các DN ngoại phải kể tới Sài Gòn Co.op. Là DN bán lẻ hiện đại gần như đầu tiên tại Việt Nam, Saigon Co.op đã tiên phong xây dựng các đại siêu thị, trung tâm phân phối tại các thành phố, đô thị lớn. Đây là một trong những đơn vị bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với 6 mô hình kinh doanh bán lẻ chuyên nghiệp, hiện đại có thể cạnh tranh sòng phẳng với DN ngoại.

Đó là các cửa hàng tiện lợi (Co.op Food và Co.op), trung tâm thương mại, siêu thị Co.op Mart và kênh bán hàng trực tuyến http://coophomeshopping.vn/. Cuối năm 2016, DN này đã chính thức đưa vào hoạt động mô hình kinh doanh mới là cửa hàng tạp hóa hiện đại - Co.op Smile và dự kiến nâng số lượng lên 300 trong năm 2017. Đánh dấu những thành công trên, Saigon Co.op đã đạt giải thưởng kép gồm Giải vàng nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và lọt vào Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.

Tiếp nối thành công của Saigon Co.op phải kể đến hệ thống Vinmart của Vingroup. Bên cạnh thành công từ thị trường bất động sản, tập đoàn này cũng đẩy mạnh sang mảng bán lẻ bằng việc thâu tóm, sáp nhập các DN có sẵn trên thị trường. Hiện, Vingroup có mặt ở các kênh bán lẻ khác từ trung tâm mua sắm phức hợp (Trung tâm Vincom Mega Mall), cửa hàng tiện lợi Vinmart+, Trung tâm mua sắm Vincom Center, siêu thị Vinmart và kênh trực tuyến adayroi.vn khá nhộn nhịp.

Ngoài ra, các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch như Bác Tôm, Sagrifood… cũng đang khai thác khá hiệu quả nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân khu vực đô thị.

Đặc điểm chung của các hệ thống bán hàng của các nhà bán lẻ nội là tỷ trọng hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn, có nhiều đặc điểm phù hợp với văn hóa mua sắm của người Việt như: khai thác vào các thị trường “ngách” mà các DN ngoại chưa tiếp cận, bố trí gần khu dân cư, sắp xếp giống với các cửa hàng tạp hóa truyền thống... Tuy vậy, sự xâm nhập gần đây của 7-Eleven hay Central Group đối với khu vực này đang khiến miếng bánh của DN nội thu hẹp lại.

Tuy nhiên, lựa chọn của người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định sự thành hay bại của các nhà bán lẻ. Vấn đề chất lượng và giá cả hàng hóa mới là ưu tiên số 1 của người tiêu dùng khi mua sắm. Vì vậy, bên cạnh nâng cao khả năng quản trị và huy động vốn đầu tư, DN Việt cần duy trì nguồn hàng chất lượng tốt, giá bán cạnh tranh thì mới có thể tồn tại và cạnh tranh được với các nhà bán lẻ ngoại ngay tại thị trường trong nước.

Thành Trung