Sức ép từ… công nghệ!

21:37 | 10/01/2018

4,738 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Harvard (Mỹ), Việt Nam là 1 trong 5 cánh của ngôi sao đang lên trong làng công nghệ số của thế giới.

Trong đó, 5 nền kinh tế được ví là 5 cánh sao gồm: Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là 5 nước có khả năng tạo nên đột phá trong nền kinh tế số.

Vậy những nghề nào có nguy cơ biến mất cao nhất trong thời đại công nghệ số phát triển? Để trả lời được câu hỏi này, công ty nghiên cứu thị trường Bidvine (Anh) đã tiến hành một cuộc khảo sát xem công chúng suy nghĩ như thế nào về tác động của các tiến bộ công nghệ đối với thị trường việc làm.

Kết quả của cuộc khảo sát có thể khiến những người làm việc trong một số ngành nghề lo sợ. Chẳng hạn, quá trình thanh toán tự động và các cửa hàng không dùng tiền mặt sẽ dẫn tới việc có thể không cần những người làm nhân viên thu ngân nữa; giáo viên đứng lớp sẽ dần mất việc làm do nhu cầu học từ xa và học trực tuyến ngày càng tăng; nghề kế toán có nguy cơ mai một vì các phần mềm kế toán mới có thể thay thế con người hoàn toàn…

Đặc biệt, 36% số người tham gia cuộc thăm dò ý kiến này nhận định, nghề tài xế taxi có thể “tuyệt chủng” trong vòng một vài thập niên tới do sự trỗi dậy của xe không người lái.

suc ep tu cong nghe

Chưa biết những dự báo ấy đúng sai đến đâu, nhưng tại Việt Nam, sức ép từ công nghệ số không chỉ đã khiến nghề taxi lao đao khi xuất hiện những thương hiệu “đầy ắp tính công nghệ” như Uber, Grab… mà nhiều khái niệm tưởng như vững vàng trong quy định của luật pháp cũng lung lay, thậm chí trở nên mơ hồ trong các cuộc tranh luận.

Có mấy ai nghĩ rằng, một doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh vận tải mà không hề có phương tiện vận tải và đương nhiên là không có đội ngũ lái xe, rồi cũng không có bộ máy điều hành, quản lý…?

Có sự tưởng tượng nào hình dung được hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lái xe, hàng triệu triệu người đi xe đều đặt niềm tin vào một nơi không thể định vị, không rõ nguồn gốc, không tường hình hài… trong dịch vụ di chuyển thường ngày?

Có loại hình ngành nghề nào mới xuất hiện mà khiến cho các nhà quản lý đau đầu nhiều năm vẫn không mô tả được khái niệm, không hoạch định được quy mô, không đề ra được quy chế quản lý…?

Những ngày gần đây, quyết định truy thu Uber BV (một công ty có văn phòng cách Việt Nam nửa vòng trái đất) hơn 66,68 tỉ đồng tiền thuế của Cục Thuế TP HCM đã gây nên sự tranh cãi đáng quan tâm. Sự việc quyết liệt đến mức Cục Thuế TP HCM đã gửi văn bản yêu cầu 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn là VCB, Eximbank, Sacombank, ACB, Vietinbank thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber BV.

Theo lý giải, đây là số thuế thu nhập của tài xế mà Uber BV phải nộp thay hơn 40 tỉ đồng, thuế nhà thầu của Uber BV hơn 10 tỉ đồng, tiền phạt chậm nộp và tiền phạt vi phạm hành chính.

Một lập luận “ai làm thuê cho ai?” đã được đặt ra: Vậy trong trường hợp này, Uber trả thu nhập cho tài xế hay tài xế trả thu nhập cho Uber?

Trước hết, Uber không phải là doanh nghiệp taxi mà tài xế là người làm công ăn lương nên không có chuyện Uber trả thu nhập cho tài xế. Trong trường hợp này, Uber là đơn vị trung gian môi giới giữa người cung cấp dịch vụ (tài xế) và người sử dụng dịch vụ (hành khách). Do đó, tài xế phải có nghĩa vụ trả cho Uber 20% doanh thu, khoản này được xem là tiền hoa hồng.

Mà nguyên tắc khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn thì tổ chức trả thu nhập phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế và kê khai nộp cho Nhà nước. Trong trường hợp này, tài xế phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu của Uber BV.

Tuy nhiên, vì “sức mạnh của công nghệ”, tài xế không phải là tổ chức kinh doanh nên không thể áp dụng.

Chưa hết, Uber là mô hình của kinh tế chia sẻ. Uber huy động những người có xe nhàn rỗi tham gia để có thêm thu nhập. Như vậy, tài xế của Uber không phải là người kinh doanh chuyên nghiệp thường xuyên cung cấp dịch vụ này theo quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP. Do đó, cách tính thuế 3% GTGT và 1,5% TNCN áp dụng cho tài xế của Uber là không chính xác…

Còn nhiều lý lẽ khác nữa mà ai đọc cũng thấy những lý lẽ ấy không phải không có cơ sở. Tuy nhiên, việc đúng sai hãy để cho các cơ quan có thẩm quyền phán xét.

Chỉ xin kết bài viết này rằng, đấy là biểu hiện của một trong những thách thức, những sức ép bắt buộc phải có sự đổi mới tư duy, phải đảo lộn cách nghĩ, cách tiếp cận, phải thay đổi thói quen của từng người trên trái đất một khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống.

Ở Hàn Quốc, mô hình kinh tế chia sẻ được coi là công cụ chính sách để giải quyết các vấn đề đô thị như tắc nghẽn giao thông. Chính phủ Hàn Quốc có mục tiêu xây dựng thành phố chia sẻ Seoul. Để làm được điều đó, Hàn Quốc ra quy định thúc đẩy kinh tế chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp với một số tiêu chí nhất định, rà soát sửa đổi luật, quy định hiện hành và thực hiện nhiều biện pháp khác.

Singapore cũng là quốc gia khá cởi mở với mô hình kinh tế mới này. Chính phủ Singapore xem đây là cơ hội để phát triển bền vững, giảm mua sắm và rác thải. Dần dần, các điều chỉnh và các quy định mang tính điều kiện ra đời để vừa thúc đẩy vừa kiểm soát kinh tế chia sẻ. Ví dụ, đối với dịch vụ cho thuê nhà, nước này có quy định về thời hạn cho thuê, giới hạn số người được ở chung trong từng loại nhà.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc