Sự thật về Tập đoàn Bảo Long: Góc nhìn thẳng vào thương vụ

08:48 | 23/12/2011

1,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến thời điểm này, theo nguồn tin của Báo Năng lượng Mới thì sau khi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc, những lình xình xung quanh thương vụ Bảo Sơn Bảo Long đang dần đi đến hồi kết. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Khai sẽ phải đối diện với nhiều rắc rối và Bảo Long đã lộ rõ bản chất là một doanh nghiệp tồn tại theo kiểu "thùng rỗng kêu to"!

>> Sự thật về Tập đoàn Bảo Long (Kỳ III)

>> Sự thật về Tập đoàn Bảo Long (Kỳ II)

>> Sự thật về Tập đoàn Bảo Long (Kỳ I)

Kỳ IV: Góc nhìn thẳng vào thương vụ

Bảo Long có thật sự "ngây thơ"

Trong lá “Đơn kêu cứu” của mình, khi nói đến việc ký kết các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, ông Nguyễn Hữu Khai có viết: “Chúng tôi đã ký nhưng đến nay ông Sơn vẫn chưa hề trả đồng nào”; “Ông Sơn chưa thực thụ là Chủ tịch HĐQT nhưng đã thay tên các thành viên cũ và đổi tên doanh nghiệp, bỏ chức năng khám chữa bệnh, sản xuất thuốc của Bảo Long”.

Tuy nhiên, theo những tài liệu mà chúng tôi đang có thì chính ông Khai là người đứng ra ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn số 04/2011/HDTV-MM với Công ty Tư vấn quốc tế Thành Đạt để thực hiện các thủ tục pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển đổi đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi con dấu Công ty TNHH Tập đoàn Y dược Bảo Long sang Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long ngày

2/6/2011. Trước đó, trong vai trò là giám đốc Tập đoàn Bảo Long, ông Khai cũng là người đứng ra ký Hợp đồng số 1804/2011/MM-HDTV với Công ty Tư vấn quốc tế Thành Đạt ngày 18/4/2011 để tiến hành các thủ tục pháp lý thay đổi đăng ký kinh doanh cho Bảo Sơn.

Trụ sở của Bảo Long ở xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội đang được Bảo Sơn sửa sang

Việc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mã số 0500422419 với thay đổi lần thứ 9 là ngày 7/7/2011 chứng tỏ: 2 bên đã hoàn thành việc mua bán cổ phần, xác định đã nhận xong tiền và đã thanh lý hợp đồng vì đây là những thủ tục bắt buộc phải hoàn thành để thay đổi danh sách thành viên cổ đông sáng lập trong đăng ký kinh doanh.

Một điểm nữa là việc Bảo Long nâng vốn điều lệ từ 30 tỉ lên 150 tỉ để tăng giá trị cổ phần rồi mới bán cho Bảo Sơn có nhiều điểm rất đáng ngờ. Và theo cách lý giải của ông Sơn thì: Mục tiêu của việc làm này là trốn thuế. Tức là trước khi làm thủ tục sang tên cho Bảo Sơn và các cổ đông, ông Khai đổi từ 30 tỉ thành 150 tỉ thì 60% cổ phần sẽ có giá trị 90 tỉ và bán cho mình với giá 150 tỉ thì tiền thuế thu nhập cá nhân phải đóng sẽ thấp hơn rất nhiều.

Việc ông Khai nói Bảo Sơn ra quyết định ngừng sản xuất thuốc có đúng không khi mà Bảo Sơn đã ký hợp đồng thuê ông Khai làm giám đốc và khoán tiền lương theo tỉ lệ: Về đào tạo võ thuật: ông Khai 40% và Bảo Sơn 60% trên tổng lợi nhuận sau thuế; Về dược phẩm: ông Khai 20% và Bảo Sơn 80% trên tổng lợi nhuận sau thuế; Về khám chữa bệnh: ông Khai 40% và Bảo Sơn 60% trên tổng lợi nhuận sau thuế; Về dược phẩm: ông Khai chỉ lấy tiền lương 5%.

Những nội dung trên được thể hiện rất rõ trong hợp đồng mời chuyên gia cao cấp làm Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long số 03/HĐLĐ/2011 do ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Y dược Bảo Long ký.

Tuy nhiên, theo ông Sơn cho biết thì trong quá trình sản xuất, kinh doanh, do thiếu sự hợp tác nên Bảo Sơn đã quyết định ngừng sản xuất. “Nhưng để tạo điều kiện cho anh chị làm thì tôi cho anh chị thuê lại toàn bộ nhà xưởng để sản xuất trong vòng 1, 2 năm, sau đó anh chị tìm một nơi khác. Và Bảo Sơn đã cho ông Khai thuê 500 triệu/tháng. Trong khi đó, số tiền mà ông Khai phải bỏ ra thuê ở 54 Chùa Láng là 60 triệu đồng/tháng, ở trung tâm Việt – Nga là 200 triệu đồng/tháng mà cũng chỉ được 200m2. Đồng thời, Bảo Sơn cũng bán cho ông Khai thương hiệu của 15 sản phẩm của Bảo Long mà Bộ Y tế đã cấp với giá 300 triệu đồng”.

Trên Website, Bảo Long vẫn cho rằng mình mất thương hiệu vì... nhẹ dạ

Lý giải cho việc làm trên, ông Sơn cho biết: “Sau khi ký hợp đồng thuê ông Khai làm giám đốc xong thì ngay ngày hôm sau, ông không khám bệnh ở đây nữa mà đưa về 54 chùa Láng khám. Thậm chí, một số máy móc ông Khai cũng chuyển vào Sài Gòn làm ở Hóc Môn. Cứ 10 ngày thì ông làm việc cho Bảo Long 1 ngày còn 9 ngày ông Khai đi khám ở Hải Phòng, Thanh Hóa…

“Tôi thấy thế là không được. Đặc biệt, ngay trong buổi giao ban đầu tiên, khi tôi triệu tập tất cả cán bộ, công nhân viên họp giao ban để công bố cơ cấu tổ chức, hướng phát triển… Trong đó, tôi sẽ quyết định hợp tác với Israel để làm bệnh viện quốc tế chứ làm bệnh viện thế này thì không có ai cả mà chỉ có mấy người đến bắt mạch, kê đơn thôi.

Thế nhưng khi bản kế hoạch vừa được công bố, ông Khai đã đứng bật dậy nói: Bây giờ Chủ tịch nói cơ cấu lại tổ chức thì tôi hoàn toàn nhất trí thôi nhưng mà tất cả các anh ở đây vẫn dưới sự điều khiển của tôi, anh nào mà lơ mơ thì tôi đuổi. Mà Chủ tịch nói là hợp tác quốc tế thì tôi cũng nói thật với các đồng chí là chẳng hợp tác được cái gì đâu. Nguyên nhân không hợp tác được lý do thứ nhất là quy định của nhà nước phiên dịch phải là bác sĩ, chúng ta có ai bác sĩ biết tiếng Anh mà phiên dịch. Và để đảm bảo yêu cầu hợp tác thì bệnh viện phải hoạt động 5 năm trở lên mà chúng ta 5 năm nay hoạt động có đâu vào đâu mà hợp tác”.

Qua đó để thấy rằng, với hơn 20 năm kinh nghiệm, đã trải qua vô vàn khó khăn, thử thách trong lịch sử hình thành và phát triển của mình thì Bảo Long có thật sự thơ ngây đến như vậy hay không?

Ai tin và tin ai?

Những thứ đã từng thuộc về Bảo Long...

Trước hết phải thấy rằng, dù hai bên có nói gì đi chăng nữa thì trước pháp luật, giấy trắng mực đen mới là căn cứ rõ ràng cho mọi quyết định. Và theo những văn bản, giấy tờ chúng tôi đang nắm trong tay thì có thể rút ra những khẳng định sau:

Thứ nhất: Chuyện Bảo Long trước khi chuyển nhượng cổ phần, tài sản, thương hiệu sản phẩm đang sống trong cảnh nợ nần chồng chất là có thật. Hay nói một cách đúng hơn là đang bên bờ vực phá sản khi mà: nợ các Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lai Châu và vay nóng lãi suất cao hàng trăm tỉ đồng không có khả năng thanh toán dù chỉ là tiền lãi hàng tháng.

Thứ hai: Qua 20 năm nỗ lực phấn đấu, ông Nguyễn Hữu Khai và cộng sự đã xây dựng được nhiều cơ ngơi có giá trị, một thương hiệu Đông Nam dược Bảo Long đạt nhiều chứng chỉ sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, dưới tác động của sự suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao; cách thức quản lý, vận hành sản xuất, kinh doanh của Bảo Long đã bộc lộ nhiều nhược điểm, giá trị tài sản của Bảo Long bị sụt giảm nghiêm trọng và rất khó bán để thu về một khoản tiền lớn đủ để thanh toán nợ nần cũng như duy trì, đầu tư phát triển sản xuất như mong ước.

Thứ ba: Các văn bản của Bảo Long nói thời điểm ông Sơn xuất hiện trong thương vụ này là tháng 2/2011. Vì tình giao hảo lâu ngày, ông Sơn đã cho ông Khai vay một số tiền đủ trả nợ nóng mà không cần thế chấp gì. Rồi một bên có tiền (ông Sơn), một bên cần chuyển nhượng, hai bên đi đến những thỏa thuận mua bán.

Việc ông Sơn cho vay nợ, việc ông Sơn bỏ tiền ra mua 4 cơ sở của Bảo Long vào các thời điểm khác nhau, với Bảo Long như một sự cứu vớt. “Chỉ có anh mới cứu được chúng em; Cho đến bây giờ, chúng em vẫn biết ơn anh ấy…” – Khẳng định ấy của Bảo Long cho thấy công lao của Bảo Sơn. Điều này đã được bà Hằng (vợ ông Khai) nhiều lần khẳng định trước báo chí.

Thứ tư: Việc ông Khai khẳng định: Số tiền 227,5 tỉ đồng mà Bảo Sơn chuyển cho Bảo Long chỉ bao gồm: 100% vốn góp của các cổ đông (27 tỉ đồng); Tiền chuyển nhượng cổ phần Bệnh viện Đa khoa Bảo Long (5,1 tỉ đồng); Thương hiệu Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Bản quyền thương hiệu các sản phẩm thuốc của Công ty Bảo Long; Thương hiệu Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long, Thương hiệu Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long.

Và để đảm bảo sự công tâm xung quanh thông tin trên của ông Khai, Báo Năng lượng Mới xin viện dẫn một tài liệu có tính pháp lý là Bản cam kết làm ngày 11/7/2011 của ông Nguyễn Hữu Khai, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cùng các cổ đông của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long là bà Lê Thúy Hằng, ông Nguyễn Hữu Sinh (em ông Khai) và ông Nguyễn Hữu Khai. Theo đó, ba người đã cùng cam kết:

1- Chuyển nhượng 100% cổ phần của các cổ đông – thành viên trong Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long; Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa tư nhân Bảo Long và Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long cho Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn mà không có kiện cáo gì. Mọi thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tính đến thời điểm ký kết bản cam kết này.

2- Hợp đồng chuyển nhượng số 01/CNCP&TS/BL-BS ngày 3/3/2011 đã ký kết bao gồm chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cổ đông hiện hữu theo quy định của pháp luật) và phần vốn góp bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ 53.382,7m2 quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất, hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả các công trình ngầm, trạm xử lý nước thải, trạm biến áp,… (trừ máy phát điện vẫn thuộc quyền sở hữu của Bên A), cây cối, hoa màu, nhãn hiệu và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Các cổ đông đều đồng thuận, hiểu, thống nhất và không có kiện cáo gì.

3- Kể từ thời điểm ký Bản cam kết này, các cổ đông Công ty Bảo Long không có quyền khiếu kiện và mọi quyền lợi liên quan đến Công ty Bảo Long đều chấm dứt”.

Tại một văn bản khác là biên bản thỏa thuận ngày 8/6/2011, hai bên đã thỏa thuận ký kết là CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long (lúc này Tập đoàn Y dược Bảo Long đã có chủ mới là CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn và một số cổ đông mới) đồng ý bán thương hiệu và bản quyền sản xuất 15 mặt hàng được Bộ Y tế cấp phép cho ông Nguyễn Hữu Khai – Giám đốc Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long với giá 300.000.000 đồng. Như vậy lập luận cho rằng Bảo Sơn chưa thanh toán tiền thương hiệu cho Bảo Long là thiếu cơ sở.

Về câu chuyện 80 tỉ đồng, chúng tôi cũng được bên Bảo Sơn cho biết, việc định giá tài sản ở Hóc Môn và Sìn Hồ của Bảo Long với giá trị khoảng 80 tỉ đồng là tạm ước của hai bên. Đó chính là thế chấp của Bảo Long để Bảo Sơn cho Bảo Long ứng tiền trả nợ ngân hàng khẩn cấp. Còn 37,3 tỉ đồng là số tiền Bảo Sơn mua gì, thanh toán đến đấy, không có văn bản, hợp đồng nào bắt buộc Bảo Sơn phải mua toàn bộ đất Hóc Môn và Sìn Hồ của Bảo Long với giá 80 tỉ đồng.

Mặt khác Bảo Sơn lại đầu tư tiếp cho ông Khai 10 tỉ đồng bằng Hợp đồng đầu tư sản xuất số 15/HĐHT/2011 ký ngày 28/4/2011 và Hợp đồng khoán kinh doanh số 154/HĐKT/2011 ký ngày 22/3/2011 cùng Hợp đồng cho vay vốn số 3105/HĐVV/BL-BS ký ngày 31/5/2011 trị giá 4,5 tỉ đồng. Tổng cộng Bảo Sơn đã cho Bảo Long vay 51,8 tỉ đồng.

Thứ năm: Giá trị 227,5 tỉ đồng là tiền vốn của Bảo Long dưới dạng tiền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất được hình thành bởi vốn góp của các cổ đông và tiền vay mượn mà có, do vậy thực chất đó là vốn cổ phần và các giá trị sinh lời. Việc mua 227,5 tỉ đồng thực chất là mua bán cổ phần của cả hai bên.

Thứ sáu: Căn cứ vào biên bản ngày 8/6/2011, thì Bảo Long thuê lại toàn bộ nhà xưởng mà Bảo Sơn đã nhận chuyển nhượng với giá 500.000.000 đồng/tháng để tiếp tục sản xuất. Mặt khác, chủ sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Y dược Bảo Long, Bệnh viện Đa khoa Bảo Long hiện nay thuộc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn và các cổ đông mới mà không thuộc ông Khai và bà Hằng nữa (căn cứ vào Giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp). Việc sắp xếp tổ chức sản xuất là quyền của những ông chủ mới.

Thứ bảy: Toàn bộ số tiền mua bán được quy định trong Hợp đồng số 01/CNVCP-TS/BL-BS ký ngày 3/3/2011với nội dung: “…chuyển nhượng100% vốn cổ phần của các cổ đông (được ghi danh sách trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và phần góp vốn bổ sung của các cổ đông với giá trị sinh lời tính đến ngày chuyển nhượng cùng toàn bộ diện tích đất, tài sản xây dựng trên đất, bản quyền thương hiệu sản phẩm…” là 227,5tỉ đồng đã được Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn và các cổ đông thanh toán đầy đủ 100% giá trị hợp đồng cho Bảo Long và các cổ đông, và ông Nguyễn Hữu Khai cũng đã xác nhận là nhận đủ số tiền đó.

Từ những gì được thể hiện trong hợp đồng và các văn bản khác, mà trên đây chỉ mới trích một phần, chúng tôi không cho rằng: “Ông Sơn lấy chiêu bài hợp tác đầu tư nâng cấp Tập đoàn Y dược Bảo Long nhưng ông ta đã tàn nhẫn thực hiện hành vi “bóp chết” Bảo Long” như nội dung “Đơn kêu cứu” của ông Khai đề cập đến cũng như “Mất công ty, thương hiệu vì nhẹ dạ cả tin” như cách nói của bà Hằng được đăng tải trên báo chí.

Mấu chốt là, việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng được tiến hành đúng pháp luật; có giá trị giải quyết tình thế cho Bảo Long vào một thời điểm quan trọng. Thực tế, Bảo Long đã tự đánh mất mình. Kể cả dùng mỹ từ đẹp đẽ là rủi ro; về tâm lý, tình cảm có thể chia sẻ; thì bản chất vấn đề vẫn không hề thay đổi!

(Xem tiếp kỳ sau)

Hoàng Thắng – Thanh Ngọc

Theo Năng lượng Mới số 81