Sự thật về Tập đoàn Bảo Long 1

14:47 | 13/12/2011

1,360 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tranh chấp giữa hai tập đoàn kinh tế Bảo Long và Bảo Sơn có thể xem là một trong những vụ làm tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất trong thời gian này. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ ở số tiền hàng trăm tỉ đồng mà còn bởi sự nổi tiếng của cả hai thương hiệu, tên tuổi của hai ông chủ và cả những uẩn khúc trong nội tình mà nếu không có cái nhìn xâu chuỗi sẽ khó mà hình dung ra được.

Ông Nguyễn Hữu Khai là ai?

Ngoài tên tuổi của Đông Nam dược Bảo Long, người ta còn biết đến Nguyễn Hữu Khai là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim “Đường đời” được phát trên sóng truyền hình trong một thời gian dài.

Ý tưởng để ông Nguyễn Hữu Khai trở thành nguyên mẫu của nhân vật trên phim truyền hình xuất hiện cách đây 15 năm, trong một buổi trao giải thưởng “Sức khỏe cho mọi người” của Báo Sức khỏe & Đời sống. Cuộc thi này do ông Nguyễn Hữu Khai tài trợ. Trong buổi gặp mặt thân mật sau lễ trao giải, ông Nguyễn Hữu Khai đã kể cho các nhà văn, nhà báo, nhà làm phim vắn tắt về cuộc đời chìm nổi của mình. Sau khi nghe xong câu chuyện, nhà viết kịch Võ Khắc Nghiêm đã đặt vấn đề sẽ viết một kịch bản phim về cuộc đời ông Nguyễn Hữu Khai.

Nhà báo Hoàng Dự khi đó đang công tác tại báo Sức khỏe & Đời sống nói với nhà văn Võ Khắc Nghiêm: “Thôi, bác nhường cho em nhân vật này để em viết thành tiểu thuyết trước, sau đó bác chuyển thể thành kịch bản phim sau”.

Bệnh viện Đa khoa Bảo Long

Cuốn tiểu thuyết “Nợ đời” của nhà báo Hoàng Dự ra đời trong hoàn cảnh đó. (Chữ “nợ đời” sau này được ông Nguyễn Hữu Khai nhắc đi nhắc lại khá nhiều trong các cuộc tiếp xúc với báo chí, truyền thông với câu quen thuộc “nợ đời trả mãi chưa xong”)

Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành bộ phim dài tập có tên là “Đường đời” với nhân vật chính là nguyên mẫu của ông Nguyễn Hữu Khai. Trong bộ phim này, nhân vật Hải được xây dựng là một người “lang bạt kỳ hồ” và làm nghề thầy thuốc.

Ông Nguyễn Hữu Khai sinh năm 1952 ở Xứ Đoài, (nay là thôn Kinh Đào, xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ngành học ông theo đuổi là ngành kiến trúc nhưng sau đó ông bỏ học và vượt biên sang Trung Quốc trái phép. Tại đây, ông Khai may mắn được một bà chủ hiệu thuốc nâng đỡ và học được nghề chữa bệnh bằng các phương thuốc Trung y.

Hồi đó, tội vượt biên trái phép được xem như phản quốc nên đến năm 1979, ông bị bắt, bị phạt tù và giam giữ 3 năm tại các nhà tù ở Lạng Sơn và Hỏa Lò (Hà Nội). Ra tù ông về quê và bắt đầu công việc chữa bệnh bằng các bài thuốc đã học được trong thời gian ở Trung Quốc. Tuy nhiên, do nợ tiền các hiệu thuốc quanh vùng khá nhiều nên ông phải bán xới để vào Nam lập nghiệp.

Từ đây, những thay đổi trong cuộc đời Nguyễn Hữu Khai bắt đầu.

Chuyện đời, chuyện làm ăn lận đận, thành công có, phức tạp có. Chuyện tình duyên, hôn nhân cũng vậy. Ông có tới bốn người vợ.

Người vợ tao khang ở quê nhà có với nhau hai mặt con thì bỏ.

Người vợ thứ hai là người Hoa, con một chủ hiệu thuốc, xinh đẹp, yêu thương và giúp ông nhiều trong công việc kinh doanh, có với nhau một con thì chẳng may mất sớm.

Người vợ thứ ba là một học trò; lấy nhau vì nghĩa, bỏ nhau vì lợi.

Người vợ thứ tư là một nhân viên trong công ty kiêm trường học, bệnh viện của ông bây giờ.

Ai là "cha đẻ” thực sự của Bảo Long?

Tập đoàn Bảo Long, tiền thân của nó là Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long. Ít ai biết được rằng, khởi sự, đây không phải là của ông Nguyễn Hữu Khai mà cha đẻ của nó là Công an TP HCM.

Lại nói về quá trình bôn ba của ông Nguyễn Hữu Khai, sau khi mãn hạn tù, ông về quê hương nhưng không thể trụ lại lâu vì nợ nần quá nhiều và vì hành nghề y mà không có giấy phép. Ông tìm đường vào vùng kinh tế mới Lâm Đồng, Sông Bé tiếp tục sống bằng nghề bốc thuốc.

Sau hai năm ở vùng kinh tế mới, ông lại ngược vào TP HCM để hành nghề xem mạch, kê đơn, bốc thuốc. Tại quận Nhất, Nguyễn Hữu Khai được Câu lạc bộ Đông y tạo điều kiện cho hành nghề ở trạm y tế phường. Chưa đầy 1 năm, Nguyễn Hữu Khai lại chuyển sang quận 5 và năm 1987 thì mở lớp dạy y học cổ truyền cho các học viên đến từ Tây Ninh, Tiền Giang, Sông Bé, Cần Thơ…

Đám cưới của ông Khai và bà Hằng - vợ thứ 4

Dù là người từng vào tù ra tội và chính lực lượng Công an mới là người cứu vớt cuộc đời nay đây mai đó của ông Khai.

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi các cơ quan Nhà nước được khuyến khích tham gia sản xuất, làm kinh tế, Công an TP HCM cũng có ý định mở một xưởng sản xuất sản phẩm Đông Nam dược. Trung tá Hà Quốc Khánh – người được Ban Giám đốc CA TP HCM giao nhiệm vụ xây dựng xí nghiệp Đông Nam dược đã mở rộng vòng tay, đón một người đã từng tù tội như ông Khai về và cho ông có cơ hội xây dựng sự nghiệp từ một cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền.

Đến ngày 1/6/1990, Xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long được thành lập tại số 4 đường Nguyễn Cảnh Chân TP HCM (Công an TP HCM cho mượn một phần trụ sở, ở phía cổng sau).

Đến năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương hạn chế lực lượng vũ trang làm kinh tế, nên Công an TP HCM quyết định không tiếp tục duy trì xí nghiệp Đông Nam dược Bảo Long nữa. Đây là cơ hội vàng để Nguyễn Hữu Khai tận dụng các nền tảng trong suốt 3 năm trời mà Công an TP HCM dày công gây dựng để lập nên Công ty TNHH Đông Nam dược Bảo Long. Nguyễn Hữu Khai nghiễm nhiên làm chủ cơ ngơi và chuyển ra “ở riêng” ở Ấp 3, xã thới Thượng, huyện Hóc Môn. Đây vốn là vườn hoa quả của bà Nguyễn Thị Gạt, em gái ông Khai.

Cũng từ cơ ngơi riêng này mà Nguyễn Hữu khai đã mở ra nhiều chi nhánh ra các tỉnh phía Bắc và ông không quên vươn về quê hương bản quán là vùng Xứ Đoài.

Tính đến trước thời điểm thương vụ Bảo Sơn – Bảo Long diễn ra, Công ty Đông Nam dược Bảo Long đã có cơ sở làm việc ổn định tại thôn Trại Hồ, xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, Hà Nội và 1 cơ sở ở Ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM. Bảo Long cũng đã có gần 300 sản phẩm thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm làm bằng thảo dược được phép lưu hành trên thị trường cả nước.

Năm 2005, Bảo Long thành lập Bệnh viện Đa khoa Bảo Long, tuyển mộ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, vào làm việc. Đây được xem là một bước phát triển đột phá của Tập đoàn Y dược Bảo Long. Bệnh viện Bảo Long là mô hình mới của sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, ngoài việc bắt mạch, kê đơn theo phương pháp cổ truyền, các thầy thuốc ở đây còn được các phương tiện hiện đại chữa trị hiệu quả các chứng bại liệt do tai biến, viêm đa khớp mãn tính, thoái hóa cột sống, thiểu năng tuần hoàn não, u nang, gan, thận, buồng trứng, tử cung… và nhiều chứng bệnh nan y.

Năm 2007, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Ủy ban Thể dục – Thể thao và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bảo Long đã nắm bắt thời cơ, xây dựng trường phổ thông võ thuật với quy mô đa cấp (tiểu học, phổ thông cơ sở, trung học phổ thông)

Đạt được khá nhiều thành công và được báo chí ca ngợi khá nhiệt tình nhưng cũng phải thừa nhận một điều, “ông Bảo Long” làm PR cực tốt. Những cảnh ngộ khốn khó, éo le được báo chí hay dư luận quan tâm thì ngay lập tức Bảo Long nhảy vào với vai trò Mạnh Thường Quân cứu vớt. Những bài báo ca ngợi, những trường hợp được cứu vớt cứ thế được hết báo này đến báo khác ca ngợi lặp đi lặp lại.

Ví dụ như trường hợp của Vận động viên thể thao Lê Thị Huệ. Khi vận động viên này bị chấn thương không có tiền chữa trị, trở thành tiêu điểm của báo chí trong một thời gian dài. Và Bảo Long đã xuất hiện đúng lúc…

Cũng ngay sau đó, được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bảo Long lại thành lập trường Trung cấp Y dược…

Cứ có cơ hội, được cấp trên tạo điều kiện là ông Nguyễn Hữu Khai lại mở rộng phạm vi kinh doanh. Tuy nhiên, sự mở rộng này ngày càng cho thấy, chiều sâu trong chiến lược kinh doanh của Nguyễn Hữu Khai không có, ông ngày càng sa vào dàn trải, ôm đồm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình kinh tế kiểu Bảo Long.

Nguyễn Hữu Khai cũng mở ra một cơ sở để sản xuất, điều chế dược liệu ở Sìn Hồ, Lai Châu. Ông liên tục xuất hiện trên báo chí nói về mô hình sản xuất táo bạo và mang tính “khai hoang” mang lại đổi đời cho vùng miền núi heo hút.

Chính nhà văn Nguyễn Như Phong, khi còn là Phó tổng biên tập Báo An ninh Thế giới đã từng lên Sìn Hồ, ban đầu với ý định sẽ viết bài ca ngợi mô hình kinh tế táo bạo và mang tính nhân văn của ông Nguyễn Hữu Khai. Tuy nhiên, khi lên đến Sìn Hồ thì lại nghe được không ít lời ta thán của người dân và cả chính quyền huyện rằng: Ông Khai xin đất dự án, làm được vài cái xưởng rồi để đấy. Khám bệnh cho dân cũng chỉ được vài bữa gọi là PR rồi giải tán đâu hết. Rượu thuốc mang tiếng là sản xuất ở Sìn Hồ nhưng lại là rượu được nấu từ dưới xuôi mang lên…

Nghi vấn ở Sìn Hồ cũng được ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Sơn kể lại:

“Sau khi anh Khai năn nỉ mua nốt dự án ở Sìn Hồ giúp anh ấy, tôi cũng muốn “tai nghe mắt thấy”, đồng ý theo anh ấy lên vùng Sìn Hồ, Lai Châu. Xe đi từ 21h hôm trước, đến tận 12h trưa hôm sau mới đến nơi. Tôi vừa ra nhìn ngó xung quanh được mấy phút, chưa kịp xem xét gì thì mọi người đã bày sẵn cơm rượu liên hoan. Dù không quan sát được gì nhiều nhưng tôi cũng kịp biết rằng, đây là một dự án không khả thi. Tôi còn được biết trước khi tôi đến đây mấy ngày, anh Khai đã cho 40 người lên chờ sẵn, tổ chức dọn dẹp, chỉnh trang nhà xưởng và kêu gọi người dân đến khám bệnh”.

“Về đến Hà Nội, anh Khai ra giá cho tôi 27 tỉ đồng cho khu đất ở Sìn Hồ. Đương nhiên là tôi không chấp nhận vì giá trị của nó cùng lắm cũng chỉ 2 tỉ đồng. Tôi chỉ bảo với anh ấy: Với tôi hay với bất cứ đối tác nào, anh cũng không nên làm như thế!”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Hoàng Thắng – Thanh Ngọc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps