Sự thật về quân đội Trung Quốc (Kỳ 1)

06:46 | 27/05/2014

7,180 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không có quân đội nào trên thế giới có quân số nhiều bằng Trung Quốc nhưng cũng chẳng quân đội nước lớn nào có một đội quân yếu ớt bằng nước này.

Năng lượng Mới số 325

Bài 1: Từ "mèo" mơ lên "cọp"

Một anh béo phì

Lịch sử Trung Quốc là lịch sử có những nỗi đau khi bị xâm chiếm bởi Mông Cổ, Nga, thực dân phương Tây và Nhật Bản. Cả ngàn năm nằm bẹp dưới tay ngoại bang đã khiến Trung Quốc uất hận và luôn nuôi chí phục thù. Trong 2.000 năm, Trung Quốc đã phải chịu không biết bao nhiêu cuộc xâm lược, các cuộc cách mạng và sự nhục mạ từ những cuộc nổi loạn nội bộ cộng với bên ngoài. Họ bị đánh đập, bị chinh phục và bị chiếm làm thuộc địa. Bây giờ, có vẻ như họ muốn xóa bỏ nỗi nhục quá khứ. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong 25 năm.

Bắc Kinh đang xây dựng một lực lượng hải quân hùng hậu, phát triển máy bay chiến đấu tàng hình và cẩn thận thử nghiệm việc mon men tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và các hoạt động viễn chinh. Họ tự tin đến mức nghĩ rằng, quân đội họ thậm chí có thể để thực sự đánh bại Mỹ trong một số trường hợp. Nhưng họ sai. Thậm chí sau nhiều thập niên tái vũ trang tốn kém, Trung Quốc vẫn là một con cọp giấy. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng trưởng hai con số năm này qua năm khác nhưng quân đội Trung Quốc đang bị tàn phá bởi tham nhũng cũng như nhiều vấn đề khác.

Changhe Z-8 là phiên bản “lai” từ chiếc Super Frelon của Pháp

Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới, với hơn 2,3 triệu người. Và 800.000 người khác phục vụ trong lực lượng dân quân và dự bị. Bộ binh có 1,25 triệu quân, chia thành 18 quân đoàn. Mỗi quân đoàn có 3-5 sư đoàn bộ binh và cơ giới. Trung Quốc chỉ có một sư đoàn xe tăng. Các lực lượng bộ binh chủ yếu dành cho an ninh nội địa. Với các đội quân biên chế hoạt động bên ngoài phạm vi lãnh thổ, Trung Quốc có 3 sư đoàn không quân, 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến; được trang bị hơn 7.000 xe tăng và 8.000 khẩu pháo. Hải quân Trung Quốc có 255.000 thủy thủ và 10.000 thủy quân lục chiến; chia thành các hạm đội Bắc - Nam - Đông. Hải quân Trung Quốc có một tàu sân bay, 23 tàu khu trục, 52 khinh hạm, 49 tàu ngầm tấn công động cơ diesel và năm tàu ngầm tấn công hạt nhân. Trung Quốc có ít nhất 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn.

Không quân Trung Quốc có 330.000 người, trải rộng trên 150 căn cứ không quân và hàng không hải quân. Không quân có 1.321 máy bay chiến đấu và máy bay tấn công, gồm hàng trăm chiếc J-7, chưa kể 134 máy bay ném bom hạng nặng và máy bay tiếp liệu cùng 20 máy bay cảnh báo sớm. Trung Quốc cũng có hơn 700 máy bay trực thăng chiến đấu. Phụ trách tên lửa là Quân đoàn hai pháo binh, gồm 90.000-120.000 người, chia thành 6 lữ đoàn. Quân đoàn hai pháo binh có hơn 1.100 tên lửa đạn đạo tầm ngắn quy ước (phạm vi 1.000km hoặc ít hơn), khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm trung và khoảng 120 tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm xa. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2013 là 188 tỉ USD; chiếm khoảng 9% ngân sách quốc phòng toàn cầu và gần bằng ½ ngân sách quốc phòng châu Á (trong cùng năm, ngân sách quốc phòng Mỹ là 640 tỉ USD; Nga 88 tỉ USD, Ấn Độ 47 tỉ USD và Nhật 48 tỉ USD).

Sau hàng ngàn năm đối phó thù trong giặc ngoài, Trung Quốc bây giờ đã xây dựng được biên giới vững mạnh. “Biên giới đất liền của Trung Quốc chưa bao giờ an toàn bằng lúc này” - nhận xét của M. Taylor Fravel, Giáo sư khoa học chính trị Viện Công nghệ Massachusetts - “Mặc dù tranh chấp với Bhutan và Ấn Độ vẫn còn, Trung Quốc không còn phải đối mặt với khả năng một mối đe dọa lớn trên bộ. Đụng độ có thể xảy ra trên biên giới Ấn nhưng cục diện có thể được kiểm soát bởi sự can dự của yếu tố địa lý và khó có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh diện rộng”.

Từ năm 1990, chi tiêu quốc phòng Trung Quốc đã tăng lên ít nhất 10%/năm, dẫn đến một sự gia tăng ngân sách gấp mười chỉ trong 24 năm. Nhưng tăng ngân sách không đồng nghĩa với việc xây dựng thành công một quân đội mạnh. Một phần tư thế kỷ trước, quân đội Trung Quốc là một anh béo phì lùn tịt. Năm 1989, quân đội Trung Quốc có biên chế 3,9 triệu người mà hầu hết là các sư đoàn bộ binh thiếu thốn gần như mọi phương tiện - vũ khí cần thiết. Loại xe tăng chủ yếu là T-55 phiên bản thập niên 50 của thế kỷ trước. Không quân và hải quân chỉ có khả năng bảo vệ bờ biển. Lúc đó, Trung Quốc có duy nhất một tàu ngầm tên lửa hạt nhân nhưng nó cũng bị hỏa hoạn nhấn chìm.

Một quân đội đông nhưng không “tinh”

Thời điểm đó, Trung Quốc là một nước nghèo với GDP 451 tỉ USD (GDP Mỹ năm 1989 là 8,84 ngàn tỉ USD). Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 1989 là 18,33 tỉ USD (so với 46,5 tỉ USD của Nhật và 1,8 tỉ USD của đất nước nhỏ bé New Zealand). Ngân sách quốc phòng Trung Quốc 1989 chỉ có thể nuôi quân với 4.615USD/lính/năm (so với 246.000USD của Mỹ). Năm 1991, Bắc Kinh đã “sốc và kinh hoàng” khi chứng kiến liên minh do Mỹ dẫn đầu dễ dàng đập tan quân đội Iraq của Saddam Hussein. Sự “bừng tỉnh” này đã dẫn đến một cuộc chấn chỉnh hiện đại hóa quân đội. Tuy nhiên, sự phân bổ ngân sách không hợp lý đã dẫn đến sự phình to của một thể trạng vốn dĩ béo phì hơn là biến quân đội thành một đội quân tinh gọn thiện chiến.

Hãy thử nhìn thêm vấn đề (chi tiêu quốc phòng) ở góc độ tỷ lệ GDP. Ấn Độ dành 2,5% GDP cho quốc phòng; Hàn Quốc 2,8%; Nga 4,1%, Mỹ 3,8%... Trong khi đó, dù ngân sách tăng nhưng tỷ trọng ngân sách quốc phòng đối với GDP Trung Quốc thật ra lại giảm. Bắc Kinh chi 2,6% GDP cho quốc phòng năm 1989. Từ 2002-2010, tỷ lệ trung bình là 2,1%. Năm 2013, con số này là 2%. Theo một số tính toán, năm 2013 Trung Quốc đã chi nhiều hơn cho vấn đề an ninh nội chính. Nói cách khác, Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn để bảo vệ chính mình từ người dân của họ. Đó là một điều tốt cho khu vực vì sức mạnh quân đội Trung Quốc đã buộc phải san sẻ với các vấn đề an ninh nội chính hơn là có thể rảnh tay dồn sức ra bên ngoài.

Để có thể ngang bằng Mỹ ở tỷ lệ chi tiêu quốc phòng/GDP, Trung Quốc phải chi 5,8% cho tổng ngân sách quốc phòng. Đó chỉ là một viễn cảnh không thực tế. Chỉ có ba quốc gia dám xén ngân sách quốc gia nhiều như thế cho quốc phòng: Arập Xêút, Oman và Nam Sudan. Và nếu xét thêm yếu tố lạm phát, ngân sách quốc phòng Trung Quốc thật ra không nhiều như được tưởng. Năm 2008, Trung Quốc chi 14,9% nhiều hơn so với ngân sách 2007. Tuy nhiên, tỷ lệ này lại xuất hiện cạnh tỷ lệ lạm phát là 7,8% - có nghĩa tỷ lệ tăng quốc phòng thực chất chỉ là 7,1%. Năm 2010, quốc phòng Trung Quốc tăng 7,8% nhưng lạm phát là 6,7% - có nghĩa quốc phòng chỉ tăng 1,1%.

Trung Quốc và Mỹ

Trung Quốc và Mỹ có diện tích đất gần như bằng nhau. Trung Quốc có 9.596.960km2 trong khi Mỹ có 9.629.091km2. Trung Quốc giáp giới với 14 nước mà 4 trong đó đang sở hữu vũ khí hạt nhân (Ấn Độ, Pakistan, Nga, CHDCND Triều Tiên - trừ Bình Nhưỡng, 3 nước còn lại đều có ít nhiều “ân oán giang hồ” với Bắc Kinh trong quá khứ). Theo tính toán, quân đội Trung Quốc chi 9.534USD để bảo vệ mỗi km2 đất; trong khi đó, Mỹ chi đến 68.936USD. Mỹ còn được hai đại dương đóng vai trò như vùng đệm.

Phải đến năm 2021 thì J-20 mới được đưa vào sử dụng

Theo cách so sánh tương tự, người ta cũng thấy Trung Quốc, do dân số đông, chỉ có thể chi vỏn vẹn 70USD để bảo vệ mỗi công dân so với 2.119USD của Mỹ (gấp 30 lần). Và dù kinh tế Trung Quốc đang được đánh giá như một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc vẫn chỉ là anh lùn khi so với Mỹ. Kinh tế Mỹ có giá trị 14,6 ngàn tỉ USD/năm trong khi Trung Quốc là 5,75 ngàn tỉ USD. Do có nền kinh tế lớn gấp ba lần Trung Quốc nên Mỹ chi đến 4,7% GDP cho ngân sách quốc phòng trong khi Trung Quốc chỉ có thể chi 1,4% GDP. Nếu nhìn vấn đề ở góc độ dân số, mỗi người lính Trung Quốc phải bảo vệ cho 585 công dân trong khi mỗi lính Mỹ bảo vệ 198 công dân. Trung Quốc chi trung bình 40.043USD cho mỗi người lính trong khi con số đó của Mỹ là 420.058USD (gấp 10 lần). Do Trung Quốc có quân đội đông nên chi phí để nuôi quân cũng tốn kém hơn. Nếu tiêu chuẩn quân lương của Trung Quốc được cải thiện hơn mức hiện nay, tức được nâng lên khoảng 5USD/lính/ngày, thì chỉ riêng tiền ăn cũng đã tốn 4 tỉ USD/năm - chiếm gần 4,5% ngân sách quốc phòng!

Trong thực tế, quân đội Trung Quốc còn chưa so nổi với quân đội Đài Loan - nếu theo phép so sánh như trên. Ngân sách quốc phòng hàng năm của Đài Loan khoảng 10,5 tỉ USD nhưng Đài Loan có một diện tích đất khiêm tốn là 35.980km2, dân số 22 triệu, nền kinh tế 736 tỉ USD và một đội quân tại ngũ 290.000 người. Điều đó có nghĩa Đài Loan chi 291.828USD để bảo vệ mỗi km2, cao hơn nhiều con số 9.534USD/km2 của Trung Quốc và thậm chí cao hơn Mỹ (68.936 USD/km2). Đài Loan chi 458USD để bảo vệ mỗi công dân, gấp 6,5 lần so với vỏn vẹn 70USD của Trung Quốc. Với nền kinh tế trị giá 736 tỉ USD, Đài Loan chi 2,5% GDP cho quốc phòng, khoảng gấp đôi so với tỷ lệ 1,4% GDP của Trung Quốc. Đài Loan chi trung bình 36.206USD cho mỗi người lính (thấp hơn Trung Quốc một chút) nhưng mỗi người lính Đài Loan chỉ phải bảo vệ cho 70 công dân.

(Xem tiếp kỳ sau)

Mạnh Kim