Cháy chung cư ở Hà Nội:

Sự thật 'sởn da gà'

07:40 | 03/11/2015

1,112 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Các vụ cháy chung cư liên tiếp ở Hà Nội khiến hàng triệu người sống trong các tòa chung cư tại Việt Nam cảm thấy lo lắng.  Đáng chú ý, theo một chuyên gia tiết lộ, việc một số chủ đầu tư “ăn quỵt” số tiền bảo dưỡng công trình khiến công tác đảm bảo an toàn của các khu chung cư không được thực hiện đầy đủ.

Chưa nghiệm thu PCCC

Sau vụ cháy ở chung cư cao tầng CT4A, CT4B Khu đô thị Xa La, (phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) mới đây, dư luận càng “giật mình” khi Sở Phòng cháy, chữa cháy Hà Nội “tiết lộ” sự thật: Thành phố có 121 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Trong đó, có 68 công trình không đảm bảo về kỹ thuật, thiết kế thi công hệ thống PCCC; 21 công trình không đảm bảo về giao thông, tiếp cận PCCC, an toàn về PCCC; 58 công trình không đảm bảo lối thoát nạn an toàn; 51 công trình không đảm bảo ngăn cháy lan…

su that son da ga
Hiện trường vụ cháy ở chung cư Xa La (Hà Nội)

Về lý, những công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC thì coi như chưa hoàn công, không được phép cho người dân đến ở. Nhưng vì muốn giữ cam kết với người dân, tránh bị phạt khi không thực hiện đúng hợp đồng, không ít chủ đầu tư công trình đã không công khai thông tin, “qua mặt” cơ quan quản lý để đặt người dân vào thế đã rồi.

Bàn về vấn đề này, kiến trúc sư nổi tiếng Hoàng Thúc Hào cho hay: Qua quá trình làm việc, tôi có tiếp xúc với nhiều người dân sinh sống tại các chung cư cao tầng. Tâm lý chung của người dân là rất lo lắng sau những sự cố xảy ra. Tuy nhiên, do điều kiện không cho phép nên họ không có lựa chọn khác.

Theo phân tích của KTS Hào, một trong những nguyên nhân khiến người dân cảm thấy lo ngại khi ở chung cư là nhiều nơi không đạt tiêu chuẩn PCCC ngay từ khâu thiết kế.

Đơn cử, theo tiêu chuẩn quốc tế, cửa trong các tòa nhà cao tầng phải là những loại cửa có độ trễ nhiệt cao. Bằng không, khi xảy ra sự cố cháy nổ, cửa sẽ bị chảy và khóa người dân ở trong. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà chung cư Việt có hệ thống cửa không đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, việc trang trí nội thất cũng cần được chú tâm trong việc chọn vật liệu. Ví dụ, hiện tại, trên thị trường có nhiều loại giấy dán tường, tiêu biểu là hai loại giấy dán tường: Giấy dán tường Nhật Bản và giấy dán tường Trung Quốc. Giấy dán tường Nhật với giá 850 ngàn đồng/m2 sẽ lập tức mủn ra khi bắt lửa. Còn giấy dán tường Trung Quốc với giá chỉ mấy chục ngàn khi bắt lửa sẽ cháy lan sang các thiết bị khác trong công trình gây hỏa hoạn lớn.

“Sau hàng loạt vụ hỏa hoạn vừa qua, việc tổng kiểm tra, rà soát khả năng phòng chữa cháy tại các chung cư nên được tiến hành khẩn trương và nghiêm túc. Đó không đơn thuần là chuyện kiểm kê hệ thống thiết bị chữa cháy, hay thống kê số cầu thang thoát hiểm trong từng chung cư. Xa hơn, các yếu tố kỹ thuật về chất liệu và khả năng tản nhiệt của hệ thống cửa khi gặp hỏa hoạn, hay độ kín của lối thoát cũng cần tính đến. Tôi mong, để tránh những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta nên giao cho một cơ quan độc lập thực hiện đợt rà soát này, đồng thời sẵn sàng công bố danh sách những chung cư không an toàn”, KTS Hoàng Thúc Hào nhấn mạnh.

Ăn cả tiền bảo trì bảo dưỡng

Ở góc độ của chuyên gia và cũng là một chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành tiết lộ với phóng viên báo Năng lượng Mới: Tiền bảo trì, bảo dưỡng, PCCC chiếm 2% giá trị căn hộ, nhưng thực tế nhiều chủ đầu tư “ăn quỵt” số tiền này khiến công tác đảm bảo an toàn tòa nhà không được thực hiện đầy đủ.

Ông Đực phân tích: Việc “tranh giành” khoản phí 2% giá trị căn hộ cho công tác bảo trì tòa nhà, giữa chủ đầu tư với ban quản lý (BQL) ở nhiều chung cư đang diễn ra rất phức tạp. Nếu chủ đầu tư giữ số tiền 2% này không trả lại cho BQL tòa nhà để có kinh phí điều hàng các hoạt động duy tu, bảo trì bảo dưỡng tòa nhà, thì lỗi thuộc về chủ đầu tư.

Ví dụ tại tòa nhà Keangnam, số tiền 2% của cư dân đóng cả gốc lẫn lãi hiện đã lên tới con số khổng lồ 170 tỉ, mà chủ đầu tư không chịu trả lại cho cư dân.

“Tôi cho rằng, luật quy định giao khoản phí bảo trì bảo dưỡng chiếm 2% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư thu, là một sai lầm. Và tôi phản đối quy định này, bởi lẽ, từ thực tế cho thấy nhiều chủ đầu tư khi thu được số tiền này đã “quỵt luôn” không chịu trả lại cho ban quản lý tòa nhà để ban quản lý có kinh phí duy trì các hoạt động duy tu, bảo trì bảo dưỡng, tiến hành các công tác an toàn tại tòa nhà. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng không có biện pháp xử lý đối với các trường hợp “ăn quỵt” số tiền 2% này của cư dân”, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nói.

Cũng theo ông, có trường hợp chủ đầu tư đã giao khoản tiền này cho BQL tòa nhà, nhưng BQL tòa nhà không sử dụng khoản tiền này vào các mục đích duy tu, bảo trì bảo dưỡng hệ thống PCCC như: Kiểm tra máy bơm có hoạt động hay không; nước cứu hỏa còn hay hết; thiết bị cứu hỏa còn dùng được hay hư hỏng… Đây là lỗi của ban quản lý tòa nhà. Vì theo quy chế hoạt động của ban quản lý tòa nhà, mỗi tháng đều phải chi khoản kinh phí vào các công việc kiểm tra an toàn PCCC. Nếu công tác này không làm thường xuyên, thì do ban quản lý lười biếng, thiếu trách nhiệm, không phát hiện ra các nguy cơ, không biết các thiết bị PCCC đã hư hỏng… khi đó họ phải chịu trách nhiệm về sự cố xảy ra.

Bàn về lý do khiến số tiền bảo trì bảo dưỡng công trình bị “ăn quỵt”, ông Đực cho hay: Theo nguyên tắc, khi bán hàng chủ đầu tư được quyền thu luôn số tiền 2% bảo hành bảo trì căn hộ. Sau khi bàn giao công trình, vận hành khoảng 1 năm, hoặc chưa đủ 1 năm nhưng số người ở tại tòa nhà đã đạt trên 50% thì sẽ phải thành lập ban quản lý chung cư.

Ngay lập tức, chủ đầu tư phải chuyển giao số tiền 2% này cho BQL chung cư, để BQL làm trách nhiệm bảo trì, thang máy, thang bộ, PCCC… Nhưng thông thường trong 2 năm đầu tiên phí bảo trì không được sử dụng. Lý do, chủ đầu tư có trách nhiệm phải bảo hành bảo trì tòa nhà trong 2 năm đầu tiên.

Trong vòng 2 năm đầu, với khoản tiền thu được rất lớn từ phí bảo trì, nhiều chủ đầu tư nảy sinh “lòng tham”, chiếm dụng tiền bảo trì dùng vào việc khác, dẫn đến hao hụt, hoặc mất khả năng thanh toán cho cư dân, dẫn đến khiếu kiện.

“Do vậy, tôi cho rằng vấn đề bảo hành bảo trì tòa nhà, nên để cho người dân và doanh nghiệp tự thỏa thuận với nhau. Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo hành bảo trì công trình trong 2 năm đầu như quy định của pháp luật. Nhưng sau 2 năm thì cư dân mới phải đóng phí bảo trì, thực tế có nhiều chung cư không thu khoản phí bảo trì 2% giá trị căn hộ của cư dân, mà thu theo tháng. Có nơi chỉ 4.000 hoặc 5.000 đồng/m2 vẫn tích lũy được, mà công tác bảo trì bảo dưỡng; an toàn cháy nổ của tòa nhà vẫn thực hiện tốt; cư dân và chủ đầu tư vui vẻ hòa thuận, thì các đơn vị khác nên đến đó để học hỏi kinh nghiệm”, ông Nguyễn Văn Đực chia sẻ.

Giám đốc một công ty Tư vấn quản lý dự án xây dựng tại Hà Nội cũng khẳng định những yếu tố liên quan đến tính mạng con người như PCCC phải được đặt lên hàng đầu khi xây dựng các chung cư cao tầng.

“Trong trường hợp chủ đầu tư vì lợi nhuận mà cắt xén đi lối thoát hiểm hay những vấn đề về an toàn phòng cháy chữa cháy khác khiến tính mạng con người bị xem nhẹ thì đó là sự vô đạo đức”, vị này cho biết.

Người dân cần trang bị kỹ năng về PCCC PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: “Người dân sống ở chung cư cần được trang bị và tập huấn những kỹ năng tối thiểu về PCCC tại chỗ, kỹ năng thoát nạn, cứu hộ... Hầu hết các vụ cháy chung cư xảy ra thời gian vừa qua, người dân đều rơi vào trạng thái hoảng loạn và hỗn loạn”.

Thảo Phượng

Năng lượng Mới 470

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc