Sự thật đằng sau vụ xung đột ở Mong Kok – Hồng Kông ngày 9/2

19:45 | 14/02/2016

2,106 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rạng sáng ngày 9/2 vừa qua, tại Mong Kok – Hồng Kông đã xảy ra vụ xung đột nghiêm trọng giữa người dân và cảnh sát. Diễn biến sự kiện này khiến nhiều người băn khoăn không hiểu. Sau sự cố, ông Trưởng Đặc khu Hồng Kông là Lương Chấn Anh đã xác định tính chất sự kiện là “bạo loạn”, nhưng chính quyền Bắc Kinh không hưởng ứng.
tin nhap 20160214193758
Ông Tập Cận Bình “thúc đẩy hòa bình” nhưng bị ông Lương Chấn Anh “cản trở”, UBKLTƯ ra tay đối phó âm mưu gây hỗn loạn của phái Giang (Ảnh: Internet)

Vào ngày 23/12 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã triệu tập ông Lương Chấn Anh về Bắc Kinh báo cáo tình hình công tác, và chỉ đạo nhiệm vụ chủ yếu của ông Lương Chấn Anh là “tìm hướng phát triển, giữ ổn định, thúc đẩy hòa bình”.

Trước khi xảy ra xung đột Mong Kok, vào ngày 27/1, truyền thông Đại Lục đã đưa tin Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKLTƯ) Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lần đầu cử Tổ Kiểm tra kỷ luật trú tại Hồng Kông và Ma Cao. Hành động của ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn được cho là nhằm đối phó với phe phái của ông Giang Trạch Dân đang làm quấy rối tại Hồng Kông.

Vì đâu “Hồng Kông trở thành thế này”

Nguyên nhân vụ xung đột ở Mong Kok – Hồng Kông là vì Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường Hồng Kông (FEHD) đã xua đuổi những người bán hàng rong trên phố, sau đó tổ chức “Tiền tuyến dân chủ địa phương” ở Hồng Kông đã kêu gọi những người ủng hộ cùng giới tiểu thương đối đầu chống lại cảnh sát, sự cố ngày càng nghiêm trọng dẫn đến xung đột quy mô lớn. Trong vụ xô sát đã có tiếng súng bắn chỉ thiên từ phía lực lượng cảnh sát.

Theo thông tin, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường Hồng Kông trước đây khá cởi mở trong hoạt động buôn bán nhỏ lẻ này, nhưng từ năm 2013 họ bắt đầu kiểm tra gay gắt, càn quét “chợ đêm năm mới”.

Tờ Apple Daily (Hồng Kông) đưa tin, trong sự cố có người đã ra tay mạnh bạo với viên cảnh sát bị trọng thương đang nằm trên mặt đất, đồng thời còn ném vật nặng vào giống như muốn lấy mạng anh ta; có một số người lấy gạch đá ném về phía cảnh sát, phóng viên và người qua đường.

Phóng viên Triệu Yến Đình là người chứng kiến sự việc đã chia sẻ trên BBC rằng, chị không nghĩ tất cả những người tấn công vào lực lượng cảnh sát là thuộc tổ chức “Tiền tuyến dân chủ địa phương”. Chị đặt câu hỏi: “Tại sao mảnh đất Hồng Kông thân thuộc của tôi lại trở thành như thế này?”

Ông Lương Chấn Anh lên tiếng, Bắc Kinh im lặng

Khoảng 10 giờ sáng ngày 9/2 sau khi sự cố xảy ra, ông Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh đã triệu tập họp báo và tuyên bố sự việc là “bạo loạn”. Giới truyền thông đưa tin cho rằng, đây là vụ việc được xác định là “bạo loạn” đầu tiên kể từ khi chủ quyền Hồng Kông được trả về Trung Quốc từ năm 1997 đến nay. Đài RFI (Pháp) thì bình luận, trong phong trào “chiếm trung tâm” năm 2014, cảnh sát cũng không phải dùng đến tội bạo động để lên án người biểu tình.

Điều đáng chú ý là, kể từ khi vụ xung đột ở Mong Kok – Hồng Kông xảy ra cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh chỉ giữ im lặng, truyền thông báo chí Trung Quốc Đại Lục cũng “không dám lên tiếng”.

Có phân tích cho rằng, phía sau vụ xung đột lần này chính là cuộc đấu đá nội bộ trong giới chức lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ. Phe phái của ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã nhiều năm chiếm cứ địa bàn Hồng Kông, thế lực phân bố khắp các giới từ kinh tế đến chính trị Hồng Kông, cùng với sự xuất hiện của Lương Chấn Anh thì Hồng Kông đã trở thành đấu trường trong cuộc chiến ở Trung Nam Hải.

Trong phong trào chiếm trung tâm hành chính Hồng Kông năm 2014, có phân tích chỉ ra, phe phái của ông Giang Trạch Dân gồm ông Lương Chấn Anh và Trương Đức Giang muốn tạo thêm sự kiện giống như sự kiện Thiên An Môn trước đây để gài bẫy nhằm hạ bệ ông Tập Cận Bình, nhưng sau cùng kế hoạch không thành.

Vào thời điểm đó, Đài RFI cũng đưa tin về buổi thảo luận xử lý phong trào chiếm trung tâm hành chính Hồng Kông, khi đó đã có phe phái đưa kiến nghị dùng vũ lực trấn áp người biểu tình, nhưng ông Tập Cận Bình đã cương quyết bác bỏ việc áp dụng biện pháp bạo lực.

Tập “đẩy mạnh hòa bình” nhưng bị cản trở?

Vào ngày 23/12 năm ngoái, khi ông Tập Cận Bình gặp ông Lương Chấn Anh ở Bắc Kinh đã nhấn mạnh phải quán triệt phương châm “một nước hai chế độ”: một là kiên định con đường; hai là bảo đảm tình hình thực hiện “một nước hai chế độ” ở Hồng Kông không bị biến dạng. Ông Tập Cận Bình còn chỉ rõ nhiệm vụ của Đặc khu là “tìm hướng phát triển, đảm bảo ổn định, giữ vững hòa bình”.

Vào ngày 31/12, sau khi ông Lương Chấn Anh trở về Hồng Kông đã không đếm xỉa đến phản đối của đa số các giáo viên Đại học Hồng Kông, bổ nhiệm ông Lý Quốc Chương (Arthur Li) là Chủ tịch Ban Chấp hành Đại học Hồng Kông. Hành động này đã khiến 3000 người biểu tình và kéo theo phong trào bãi khóa của sinh viên Đại học Hồng Kông.

Sau vụ xung đột ở Mong Kok, có phân tích cho rằng sự cố này liên quan đến thái độ của ông Lương Chấn Anh, vì ông này không đếm xỉa đến giá trị trung tâm của người Hồng Kông, phá hoại nền tảng luật pháp và quy chế một nước hai chế độ. Nguyên nhân của phong trào chiếm trung tâm hành chính cũng có thể quy tội về tính cách hiếu chiến của ông Lương Chấn Anh.

Ủy ban Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ ra tay

Vào ngày 27/1, trang ThePaper ở Trung Quốc Đại Lục đưa tin, ông Lý Thu Phương, Ủy viên UBKLTƯ đã được giao chức Tổ trưởng Tổ Kiểm tra Kỷ luật phụ trách Văn phòng Hồng Kông và Macao. Đây là lần đầu tiên có Tổ Kiểm tra Kỷ luật được điều động đến trú tại Hồng Kông và Macao.

Có phân tích cho rằng, lần đầu tiên UBKLTƯ Trung Quốc lập văn phòng trú tại Hồng Kông và Macao rõ ràng là để đối phó với cục diện quấy phá của phái Giang ở Hồng Kông, báo hiệu ngày tàn cho thế lực tàn dư của ông Tăng Khánh Hồng.

Vào ngày 4/2 vừa qua, tờ “Tin tức Hôm nay” (Hkej) đưa tin, ngày 17/1, sau khi ông Cung Thanh Khái, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Sự vụ Đài Loan của ĐCSTQ bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, sau đó chưa tới 10 ngày, UBKLTƯ Trung Quốc đã thiết lập đường dây liên lạc của họ tại Hồng Kông và Macao.

Đại Kỷ Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc