Sự “sửng sốt” đáng khích lệ!

08:07 | 30/09/2017

2,042 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự kiện Bộ Công Thương cắt giảm liền một lúc 675 điều kiện kinh doanh đã gây chấn động mạnh trong giới truyền thông.

Thậm chí, một người xưa nay cực kỳ kỹ tính khi đánh giá sự tiến triển của nền kinh tế nước nhà, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên phải thốt lên: “Tôi rất sửng sốt trước hành động cắt giảm hơn 50% điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương. Đây là việc làm công phu và nghiêm túc, chúng tôi thật sự cảm phục”.

Quả là một sự “sửng sốt” đáng khích lệ cho các bộ, ngành khác noi theo.

Lại nhớ cách đây ít lâu, tôi có viết một bài bình luận ngắn với tựa đề “Xúc xích quản chặt, mỏ vàng thì buông?”. Khi ấy, tổng lượng vàng tại 2 nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước ở Quảng Nam là Bồng Miêu và Đắk Sa của Tập đoàn Besra Việt Nam đã đào và xuất bán ra nước ngoài được hơn 4,430 tấn vàng, trị giá trên dưới 4.000 tỉ đồng. Vậy mà đến khi ấy, họ vẫn chây ì nhiều năm, nợ ngân sách Nhà nước tới 290 tỉ đồng thuế các loại với nhiều lý do khác nhau, chiếm đến 40% số nợ đọng thuế của tỉnh Quảng Nam.

su sung sot dang khich le

Cũng thời gian đó, trong một cuộc hội thảo, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Xúc xích Đức Việt, than rằng: “Một cái xúc xích của tôi đang phải chịu đến 7 bộ quản lý: Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và cả… Bộ Công an”.

Ông kể rằng, gần đây, khi công an môi trường đến kiểm tra Công ty CP Xúc xích Đức Việt và không phát hiện sai phạm gì, các chỉ số thanh tra đều đạt yêu cầu. Bất ngờ, một cán bộ công an môi trường phát hiện ra tại khu vực chứa chất thải của công ty, rác thải được đựng trong thùng chứa màu xanh, có ghi chữ màu đỏ “tập kết rác thải”. Theo quy định, thùng chứa rác thải phải là màu đỏ. Vì vậy, Công ty bị phạt lỗi thùng chứa không đúng màu!

Đấy là chuyện xưa và đây là chuyện nay, tại buổi làm việc với Bộ Y tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở bộ tháo gỡ cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc phạm vi của bộ này. Ông cho biết, một mặt hàng thuộc lĩnh vực thực phẩm hiện chịu sự kiểm tra của nhiều bộ. Tỷ lệ kiểm tra lớn, hồ sơ nhiều nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm chỉ 0,06% là rất thấp; việc kiểm tra chỉ thủ công bằng cảm quan, không công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong số gần 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng mà doanh nghiệp phải tốn kém cho kiểm tra chuyên ngành thì riêng 5 nội dung kiểm tra liên quan thực phẩm (trong đó có Bộ Y tế) đã tốn 28,8 triệu ngày công và 12.208 tỉ đồng. Hiện nay, thời gian thông quan của hải quan chỉ chiếm 28%, còn lại 72% từ cơ quan chuyên ngành.

Sự việc vô lý không chỉ ở lĩnh vực thực phẩm. Trong lần làm việc mới đây ở Hải Phòng với tư cách là Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt ra câu hỏi: “iPhone 7, 8 sao cũng kiểm tra, khi ta không sản xuất được như họ, cũng không có phòng thí nghiệm?”. Và ông đã nhấn mạnh các cụm từ: “Nhiều lúc chỉ kiểm tra mò mẫm”, “kiểm tra nhiều khi chỉ bằng cảm quan”, “kiểm tra phụ thuộc nhiều vào chủ quan”, đến mức “có hôm khó tính thì cái nhìn cũng khác”...

TS Trần Đình Thiên đã có một nhận xét khá “hot” về nỗi khổ của doanh nghiệp phải vượt qua trùng trùng điệp điệp những hàng rào thủ tục kinh doanh: “Chúng ta đánh chén không từ thứ gì. Cứ có thủ tục là có làm khó, có đánh chén. Đến cái iphone chúng ta cũng đòi đè ra... kiểm tra. Và kiểm tra bằng... cảm quan, nhiều khi xấu đẹp phát hiện hay không lại phụ thuộc vào sự khó ở”…

Trở lại sự kiện dọn dẹp liền một lúc 675 “ổ gà, ổ trâu” của Bộ Công Thương, nhiều người vẫn hy vọng rằng trong những điều kiện kinh doanh còn lại, bộ cũng cần tiếp tục có những rà soát từng điều khoản, thậm chí câu chữ nhằm tránh hiểu đa nghĩa, giảm tối đa những khó khăn không cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.

Điều đáng mừng là trong sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu rõ: "Chúng ta cũng phải khẳng định một điều, không phải chạy theo thành tích với ý nghĩa thành tích chính trị để nói là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng mọi giá, mà phải cân đối bảo đảm được những yêu cầu của đất nước trong quản lý Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, đều phải đảm bảo hiệu quả".

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Tôi phải khẳng định đây là một tín hiệu mới chưa từng có, bởi chưa có một bộ, ngành nào đề xuất, bãi bỏ điều kiện, giấy phép kinh doanh.

Theo tôi nghĩ, các bộ bắt đầu nhận thức được áp lực từ nội tại: Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, là cơ sở để doanh nghiệp phát triển. Từ đó, huy động nguồn lực phát triển kinh tế từ xã hội, trở thành động lực nội sinh, con đường thúc đẩy tăng trưởng bền vững chứ không trông chờ vào mở rộng tín dụng, tăng đầu tư ngân sách. Kinh tế Việt Nam có lẽ không còn con đường nào khác ngoài cách thức này”.

Nguyễn Long Vân