Sự khác biệt giữa hai cuộc tuần tra của Mỹ tại Hoàng Sa và Trường Sa

12:24 | 05/02/2016

2,783 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm 30/1/2016, lần đầu tiên một khu trục hạm Hải quân Mỹ, chiếc USS Curtis Wilbur, đi vào hải phận đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó hồi cuối tháng 10/2015, khu trục hạm USS Lassen của Mỹ đến gần Đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đâu là sự khác biệt giữa hai cuộc tuần tra này?
tin nhap 20160205113322
Khu trục hạm USS Curtis Wilbur

Bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa

Hai chuyến hải hành này đều là những hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Tự do Lưu thông Hàng hải của Hải quân Mỹ trên các vùng biển quốc tế, có tên là U.S. FONOP (United States Freedom Of Navigation Operations) bắt đầu thi hành từ năm 1983.

Khác với chuyến đi của khu trục hạm USS Lassen, cuộc tuần tra của chiến hạm USS Curtiss Wilbur mang nhiều ý nghĩa hơn và có 4 điểm đáng chú ý. 1) Lần đầu tiên Mỹ công khai xác định không nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa. 2) Khác với Đá Xu Bi là một rạn san hô vòng (atoll) trên đó Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự, đảo Tri Tôn là một hải đảo thiên nhiên, và cho đến nay Trung Quốc chưa xây dựng cơ sở gì trên đó. 3) Đây là một hành động cụ thể, thách thức ý đồ bành trướng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng chứng tỏ quyết tâm của Mỹ trong kế hoạch chiến lược về châu Á. 4) Hành động này được thực hiện trùng hợp với thời điểm sắp diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN theo đề nghị của Tổng thống Obama, dự trù vào giữa tháng 2 tại California.

Bản thông cáo của văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đưa ra một ngày sau chuyến hải hành của USS Curtis Wilbur nói rõ: “Tôi có thể xác định rằng Bộ quốc Phòng đã tiến hành FONOP ở quần đảo Hoàng Sa ngày 30/1 kế cận đảo Tri Tôn,  nhằm không thừa nhận những yêu sách chủ quyền hải dương quá đáng của các bên về quần đảo này. Cuộc hải hành nhằm thách thức mưu toan của Trung Quốc và Đài Loan muốn hạn chế quyền tự do hàng hải quanh các thực thể mà họ yêu sách chủ quyền, bằng cách đòi hỏi phải xin phép trước hoặc thông báo việc đi qua lãnh hải. Những sự tự xác định chủ quyền quá lố như thế đối với đảo Tri Tôn là không phù hợp công pháp quốc tế về luật biển”.

Bản thông cáo cũng tái xác định rằng Mỹ không có lập trường đứng về bên nào trong các việc đòi hỏi chủ quyền những “hải đảo thiên nhiên” ở Biển Đông, nhưng Mỹ giữ lập trường vững mạnh trong việc bảo vệ quyền lợi, tự do, bảo đảm sự sử dụng hợp pháp hải phận không phận cho tất cả mọi quốc gia và rằng mọi đòi hỏi chủ quyền phải tuân thủ công pháp quốc tế.

USS Curtis Wilbur cũng như USS Lassen ở trong số 62 khu trục hạm thuộc lớp Arleigh Burke đang hoạt động của Hải quân Mỹ. Chiến hạm có lượng rẽ nước trên 8.000 tấn, vận tốc tối đa hơn 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 280. Đây là những chiến hạm đa năng trang bị nhiều loại tên lửa từ phòng không tới chống hạm, săn tàu ngầm và tên lửa hành trình tấn công các mục tiêu trong đất liền. Hai chiến hạm này đều hải hành đơn độc khi  vào vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.

Đại tá Jeff Davis, một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Mỹ cho hay, không có chiến hạm hải quân Trung Quốc nào có ý ngăn cản khu trục hạm USS Curtis Wilbur. Tuy nhiên Bắc Kinh sau đó mạnh mẽ lên tiếng phản đối hành động khiêu khích “xâm nhập lãnh hải Trung Quốc”.

Tri Tôn là một đảo trong nhóm Lưỡi Liềm, nhóm đảo phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Đảo nằm cách mũi Ba Làng An trên đất liền Việt Nam 135 hải lý (250 km)  cách đảo Lý Sơn 123 hải lý (227,8 km) và cách đảo Hải Nam Trung Quốc gần 300 hải lý. Đảo Tri Tôn diện tích khoảng 1.5 km2, lớn thứ ba  trong các đảo thuộc Hoàng Sa.

Năm 1974 sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, Mỹ không có phản ứng và mặc nhiên coi quần đảo này thuộc về Trung Quốc, thể hiện qua việc chiến hạm của Hạm Đội 7 được lệnh không đến gần dưới 12 hải lý. Ngược lại bây giờ khi khu trục hạm Curtis Wilbur thi hành chuyến hải hành FONOP thì có nghĩa  Mỹ vẫn coi Hoàng Sa còn là đất tranh chấp.

Khác với việc chiến hạm USS Lassen thi hành công tác FONOP ở Đá Xu Bi hồi cuối tháng 10/2015, theo luật biển (UNCLOS) Xu Bi là đảo nhân tạo không có lãnh hải, còn Tri Tôn là đảo thiên nhiên nên trên nguyên tắc có lãnh hải 12 hải lý. Do đó chiến hạm Curtis Wibur đã bất ngờ đi gần Tri Tôn dưới 12 hải lý mà Mỹ không báo trước cho bất cứ quốc gia nào. Như thế về mặt pháp lý, hai chuyến FONOB này khác hẳn nhau. Mỹ coi Xu Bi là đá ngầm, không phải đảo, và coi Tri Tôn là đảo nhưng không thuộc chủ quyền của Trung Quốc như họ vẫn đòi hỏi.

Chuyến đi của USS Curtis Wilbur sẽ không phải là FONOP cuối cùng trong Biển Đông. Gần đây, Đô đốc Harry B. Harris, Tư lệnh quân lực Mỹ vùng Thái Bình Dương, trong một cuộc nói chuyện ở Washington D.C. đã khẳng định: “Chúng tôi  tiếp tục công tác xác định quyền tự do hàng hải, quý vị sẽ thấy nhiều chuyến FONOB phức tạp hơn do bối cảnh những thách thức trong vùng Biển Đông”.

tin nhap 20160205113322
Nữ Hạm trưởng Amy Graham, chỉ huy tàu khu trục USS Curtis Wilbur

Đòn thâm của Mỹ

Một điều thú vị nữa là chuyến hải hành của USS Curtis Wilbur vào gần đảo Tri Tôn lần này lại do một nữ hạm trưởng điều khiển.

Nữ sĩ quan hải quân Mỹ Amy Graham có hàng chục năm kinh nghiệm và mới chỉ nhận nhiệm vụ chỉ huy chiến hạm USS Curtis Wilbur hồi tháng 9/2015.

Bà được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc đưa USS Curtis Wilbur trở lại khả năng hoạt động tác chiến ở mức tối đa sau thời kỳ bảo dưỡng kéo dài.

Việc một nữ chỉ huy đưa tàu chiến Mỹ áp sát hòn đảo mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam đã khiến nhiều người quan tâm. Trên một diễn đàn, bạn đọc có tên tiếng Anh là Sarah viết rằng “dùng phụ nữ chỉ huy để thách thức một nước vốn trọng nam khinh nữ như Trung Quốc mới là đòn thâm sâu của Mỹ”.

Trong lễ bàn giao nhiệm vụ hôm 1/9/2015, người tiền nhiệm Hans De For bày tỏ sự tin tưởng rằng bà Graham “sẵn sàng đối phó với các thách thức phía trước” cũng như “khả năng ứng phó của thủy thủ đoàn” trên tàu trong tương lai.

Nh.Thạch

(Theo AFP. AP, Reuters)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc