Sự ích kỷ đang giết Trái đất

19:11 | 11/12/2015

1,258 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn vài giờ nữa, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu kéo dài cả tuần qua ở Pháp sẽ ra thông báo chung quyết. Theo ghi nhận của truyền thông, hy vọng trái đất được “cứu sống” rất mong manh.
tin nhap 20151211171345
Các đại biểu tham dự hội nghị khí hậu tại Paris, ngày 10/12

Hội nghị về khí hậu COP21 diễn ra trong bối cảnh thế giới hiện mạnh ai nấy làm, ai muốn xả khí thải bao nhiêu tùy thích, không có quy định quốc tế nào ràng buộc sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012.

Đã từ 3 năm qua, lãnh đạo thế giới đã nhóm họp nhiều lần nhưng triển vọng về một nghị định thư thay thế Kyoto luôn bị trì hoãn. Lý do là vì sự mâu thuẫn giữa nhóm các nước phát triển và các nước đang phát triển. Các nước giàu nói rằng những nước đang phát triển cũng phải cắt giảm một lượng khí thải nhà kính như họ thì mới đảm bảo được việc giữ hoặc làm giảm sự ấm lên của trái đất. Tuy nhiên, phe kia cho rằng đất nước họ đang phát triển nếu cắt giảm theo yêu cầu của các nước đã phát triển thì chẳng khác nào kìm hãm tăng trưởng. Họ cho rằng các nước giàu đã đi qua thời kỳ công nghiệp hóa thì phải giảm lượng khí thải nhiều hơn để bù vào phần dư của những quốc gia đang trong quá trình phát triển đất nước.

Với những lý do như trên, việc cam kết giảm lượng phát thải nhà kính bị lần nữa hết năm này qua năm khác.

Hội nghị COP21 lần này tại Pháp ban đầu được hy vọng sẽ tạo bước đột phá. Nhưng càng sát đến thời điểm quyết định, theo ghi nhận tại hội nghị, trái đất khó có thể được “cứu sống”.

Một bản thảo dày 29 trang của thỏa thuận công bố hôm qua cho thấy bất đồng vẫn còn đáng kể, đặc biệt trong các vấn đề quan trọng liên quan đến trách nhiệm của các nước giàu tài trợ cho các nước nghèo trong các chương trình về biến đổi khí hậu.

Lĩnh vực bàn cãi cốt lõi cũng bao gồm nhu cầu của các nước đang phát triển cần có thỏa thuận và cam kết tương ứng để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng tới mức tối đa là 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Các nước công nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn vào than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đang tranh cãi cho mục tiêu là 1,5 độ C. Mục tiêu thấp hơn này cho phép họ dần dà bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm tổn thương cho nền kinh tế quốc gia.

Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius, khi trình bày bản dự thảo thỏa thuận đã giảm bớt 14 trang giấy so với hôm trước, cho biết đã có tiến bộ. Tuy nhiên, ông nói “chưa có gì được nhất trí cho tới khi mọi việc được đồng thuận” và đề nghị đại diện thương thuyết của các nước phải đạt một thỏa thuận cải thiện hơn trước chiều tối hôm nay (11/12).

Ngoài việc kêu gọi cho các mục tiêu đầy tham vọng hơn, các nước đang phát triển cũng yêu cầu các nguồn quỹ tài trợ từ các nước phát triển và ô nhiễm cao để chi trả cho quá trình chuyển đổi qua năng lượng xanh, đòi được hỗ trợ kỹ thuật, và đòi đền bù cho các thiệt hại gây ra bởi các thảm họa thiên tai có liên quan tới biến đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nước dùng cơ hội này để chung quyết một thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu đầy tham vọng, nhiều thành phần, và khả thi. Ông John Kerry nói  hiệt hại sẽ tăng lên theo cấp số nhân nếu quá nhiều người trông chờ “người khác phải lãnh trách nhiệm”.

Ngoại trưởng Kerry cho biết Washington “sẽ không để các nước dễ bị tổn thương nhất bởi thời tiết khắc nghiệt và tác động của biến đổi khí hậu phải ‘vượt bão một mình’”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng Wasington đã cam kết tăng gấp đôi khoản đầu tư từ 400 triệu USD lên thành 800 triệu trong 5 năm tới để giúp các nước nghèo thích nghi với biến đổi khí hậu.

Nhưng sự cung cấp hỗ trợ đó có thể còn nằm trong dấu hỏi vì các thành viên của Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo cho biết họ dự định ngăn chặn nguồn tài trợ này.

Việc này càng làm tăng hoài nghi đối với các đoàn đại biểu của các nước đang phát triển họp tại Paris, những người cho rằng thỏa thuận đạt được tuần này dù gì đi nữa cũng sẽ lặp lại những cam kết chưa được thực hiện như từng thấy ở các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đó.

Ngoài ra, Công ước khí hậu Liên Hiệp Quốc không muốn lặp lại thất bại của nghị định thư Kyoto, thông qua năm 1997 nhưng đến năm 2005 mới có hiệu lực. Nghị định thư Kyoto cũng áp đặt các mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải với các nước phát triển và cũng có một cơ chế phạt. Thế nhưng, một số nước hoặc không phê chuẩn nghị định thư như Mỹ, hoặc rời bỏ như Canada và việc trừng phạt như vậy chỉ là hình thức.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters