Sự họp ngày nay

07:16 | 14/09/2016

1,134 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nước ta hiện nay họp nhiều quá. Hầu hết những người đứng đầu đều ta thán vì phải họp quá nhiều. Vậy họp có quan trọng không?

Các chức việc trong hệ thống chính trị khẳng định họp quan trọng, thậm chí rất quan trọng, không được vắng mặt.

Nhưng ngay cả họp Quốc hội mà có phiên tới trên 100 đại biểu vắng mặt, trống ghế, cử tri coi tivi phàn nàn lắm. Báo chí đăng tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê bình cả chục giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện bỏ họp không có lý do. Lại có lần các đại biểu đóng thế, họp thay, bị mời về khiến nhiều vị không dám coi thường việc họp.

Nhớ hồi bao cấp, đi họp là được cải thiện, ăn tươi. Có phong bì nên nạn hội họp át cả bom rơi đạn lạc. Các công chức hồi ấy ca rằng, “đời chúng ta, đâu có họp là ta cứ đi…” là vì vậy. Ông Trương Đình Tuyển khi về Nghệ An làm Bí thư Tỉnh ủy bỏ lệ hội nghị có ăn khiến thời gian đầu ông nhậm chức có những cuộc họp vắng như chùa Bà Đanh.

su hop ngay nay

Mới đây, có ông Bộ trưởng tâm sự với cánh nhà báo rằng, một tuần có tới 40 cuộc họp, nghĩa là mỗi ngày làm việc có tới 8 cuộc, mỗi buổi 4 cuộc họp. Ngoài ra còn những cuộc triệu tập đích danh thì không thể thất lễ cử cấp phó đi thay. Theo bình luận của tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội nhiều khóa, thì các Bộ trưởng không còn thì giờ đi cơ sở!

Thật bất ngờ khi nghe ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tâm sự, khó nhất của Bộ trưởng không phải là công việc chuyên môn mà là phân công thứ trưởng đi họp. Bình quân mỗi tuần có 40 cuộc họp, không thể có đủ thứ trưởng để phân công đi họp được.

Tại sao họp nhiều thế? Tại sao không phổ biến công việc qua email?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: Bộ mà họp nhiều thế thì lãnh đạo lấy đâu thời gian đi xuống cơ sở. Phải làm việc bằng hành động thực tế, nói ít nhưng làm nhiều, cần phải thay đổi, cải cách lối làm việc. Việc họp nhiều, đó là cách làm của chúng ta ngày xưa, đó là họp nhiều hơn làm, do vậy, việc cần thiết và phải làm là bỏ ngay những cuộc họp không cần thiết, mang tính lễ tân.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, các vị lãnh đạo phải dành thời gian đi xuống cơ sở để tìm hiểu thực tế và chỉ đạo cụ thể. Làm việc trên bàn hội nghị không bao giờ thành công. Phải sử dụng công nghệ thông tin để hạn chế họp. Tránh trường hợp bàn nhiều, nhưng hành động ít.

Nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng lại cho rằng, việc Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn nói ra được lãnh đạo họp đến 40 cuộc/tuần đã bộc lộ sự bất cập trong công tác hành chính hiện nay. Đây là bài toán khó cần có lời giải.

Các chuyên gia nhắc lại những lời dạy của Bác Hồ trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” cách đây gần 70 năm vẫn còn nguyên tính thời sự. Học tập tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, cần nghiên cứu kỹ cuốn sách quan trọng này. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong chính cách hoạt động của Người. Bác coi bệnh quan liêu, bệnh xa rời quần chúng sẽ khiến mọi chủ trương, đường lối không đến được với dân chính là bệnh cần phải chấn chỉnh, mà việc chấn chỉnh ở đây là họp nhiều.

Đã là thời của công nghệ thông tin nên không nhất thiết phải họp dài dòng vì các nội dung chủ yếu đã được gửi đến từng người. Các ý kiến phản hồi cũng đã được gửi đến người chủ trì. Không lẽ họp chỉ để thương lượng!

Thật không ngạc nhiên khi GS.TS Nguyễn Việt Tiến đã thẳng thừng nói rằng có tới 20% các cuộc họp là không cần thiết. Những người khác thì chẳng nói làm gì nhưng nếu bớt họp cho GS Tiến, hẳn sẽ có thêm bệnh nhân được ông cứu sống.

Cho nên các chuyên gia đề nghị phải giảm bớt hội họp để góp phần xóa bỏ bệnh quan liêu, xa dân, xa thực tế. Ở cấp Trung ương, để giảm bớt các cuộc họp không cần thiết. Bản thân các Bộ trưởng phải là người kiểm soát kế hoạch để quyết định cái gì cần họp, cái gì không cần họp.

Đã đến lúc phải chỉ ra những người đứng đầu thích họp, cơ quan đơn vị nào bày đặt nhiều cuộc họp không cần thiết, gây tốn tiền của Nhà nước, tiền thuế của dân. Ngoài ra không thể không kể nếu người đứng đầu đi họp có nghĩa là cả một guồng máy văn phòng phải chuẩn bị hồ sơ tài liệu, thậm chí bài phát biểu chào mừng này nọ. Cần khắc phục tình trạng phổ biến hiện nay là phải đến dự họp mới được phát tài liệu, trong khi đáng lẽ tài liệu đó nên được chuyển từ trước để người ta xem trước, nghiên cứu, tập hợp, đóng góp ý kiến thật sự chất lượng.

Vài năm gần đây đã có họp trực tuyến, tuy kết quả chưa được như ý nhưng cũng tiết giảm đáng kể chi phí đi lại, ăn ở của cán bộ ở địa phương khi về Hà Nội họp. Ngoài ra cũng đã xuất hiện tình trạng lạm phát họp trực tuyến như một cái mốt thời thượng vì họp mặt kỷ niệm truyền thống cũng bày đặt trực tuyến. Đáng chú ý là nhiều người đến dự họp toàn nói chuyện riêng, lướt web, nhắn tin chứ không nghe, không biết diễn giả nói nội dung gì. Cho nên họp trực tuyến dẫu có bớt tốn kém khoản đi lại nhưng vẫn mất thì giờ.

Để khắc phục tình trạng trên, khi thực hiện Chính phủ điện tử, cần phải giảm tối đa các cuộc họp vì công nghệ đã phát triển, cho phép họp trực tuyến, trao đổi công việc qua email, điện thoại...

Nghĩ cũng nên có biện pháp rắn: Xuất toán các khoản chi hội họp không cần thiết, không có kế hoạch. Sau đó là quy trách nhiệm người đứng đầu gây lãng phí hội họp.

Tuyên chiến với hội họp vô bổ đã đến lúc phải tiến hành thật sự từ Trung ương, các bộ, ngành và các địa phương là học theo những điều Bác dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”!

Bảo Dân

Năng lượng Mới 557

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc