Sự đầu độc thầm lặng từ thực phẩm

11:34 | 24/06/2011

2,025 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không gây ra ngộ độc cấp tính, tức thời cho người tiêu dùng nhưng những thực phẩm chứa hóa chất, phẩm màu, phụ gia độc hại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người qua sự tích tụ, tồn đọng lâu dài của độc chất.

Gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện thực phẩm chứa các chất có khả năng gây ung thư, gây biến đổi gien hoặc gây ra các bệnh mãn tính ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người… Đó chẳng khác nào là một sự đầu độc thầm lặng mà nhất thời người tiêu dùng khó có thể nhận biết được.

Công nghệ biến hóa

Đến chợ Kim Biên mới thấy thế giới hóa chất phong phú đến mức khó có thể tưởng tượng được. Đúng là siêu công nghệ, chỉ bằng những chai nước, gói bột mà người ta có thể tạo ra đủ thứ trên đời: Từ vị ngọt thịt, chất làm dẻo chả, dai mì, bún, tạo màu chiên nướng, phụ gia nấu bún bò, bún riêu đến tạo hương cà phê các loại như: Cà phê Chồn, cà phê Pháp, cà phê Moka, hương tỏi, hương dừa, hương sữa bột, nước xá xị, bạc hà…

Đó là chưa kể đến hàng loạt các gói phẩm màu đủ sắc đựng trong những bọc nilon không nhãn mác hay những bình nhựa đựng các chất lỏng chỉ ghi dòng chữ viết tay là nước hoa hồng tẩm khăn, xả thơm comfort, xả thơm Downy, Baby Oil, X-men, Enchanteur, Romano… được bày bán khắp nơi.

Nhiều hóa chất không có nhãn mác chỉ ghi bằng chữ viết tay

Không khó khăn gì để có thể mua các loại hóa chất, chỉ cần nói yêu cầu là người bán sẽ giới thiệu ngay loại hóa chất phù hợp trong hàng trăm thứ hóa chất được bày bán. Để nước dùng của các món bún, hủ tiếu ngon, ngọt mà không cần phải hầm xương mất tiền và mất nhiều thời gian thì chỉ cần mua gói hóa chất tạo vị ngọt thịt bỏ vào là nước dùng có ngay vị ngọt đậm đà của thịt. Hay để nấu món bò kho ngon chỉ cần mua một gói gia vị bỏ vào là có đầy đủ hương vị và màu sắc đặc trưng của món bò kho. Còn để có cà phê ngon, đậm đà thì đã có sẵn cả bột tạo màu cà phê và hương cà phê các loại.

Ngoài ra, cũng dễ dàng mua các hóa chất tẩy trắng, bảo quản được dùng trong công nghiệp như: Hydrogen peroxide được sử dụng để tẩy trắng trong ngành dệt, hay xử lý chất thải, hóa chất này cũng được các nhà kinh doanh thực phẩm dùng để tẩy trắng hải sản, chân gà; hay chất sulfur dioxide, một chất độc có khả năng gây viêm loét dạ dày, làm mắt mờ, viêm niêm mạc nhưng có khả năng bảo quản, khử mùi thịt ôi nên cũng trở thành “bí quyết” của những nhà kinh doanh thực phẩm để biến thịt bốc mùi thành thịt tươi ngon…

Theo sự phát triển của xã hội, yêu cầu của con người đối với thực phẩm không ngừng gia tăng. Người ta đòi hỏi thực phẩm không chỉ ngon mà còn phải đẹp mắt, có những hương vị độc đáo. Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng và tăng lợi nhuận, các công ty kinh doanh thực phẩm sử dụng các hóa chất, phụ gia để làm màu sắc, hương vị của thực phẩm hấp dẫn hơn là điều tất yếu.

Tuy nhiên, bên cạnh sử dụng các hóa chất, phụ gia được cho phép và sử dụng đúng liều lượng thì nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm đã dùng những hóa chất, phẩm màu công nghiệp để sử dụng trong thực phẩm hay sử dụng phẩm màu, gia vị không rõ nguồn gốc một cách tràn lan, lạm dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Điều này đã được minh chứng khi thực phẩm chứa chất độc hại liên tục được phát hiện trong thời gian gần đây như: Nước tương chứa chất 3 – MCPD, gia vị nấu lẩu có chất gây ung thư, cháo dinh dưỡng cho trẻ em có chứa chất bảo quản độc hại, hạt dưa, ớt bột chứa phẩm màu gây ung thư, nước giải khát, thạch rau câu chứa chất tạo đục, chất DEHP gây giảm khả năng sinh dục nam và rối loạn dậy thì ở nữ giới…

Đó là những vụ lớn, đình đám chưa kể đến các vụ nhỏ lẻ vẫn gặp hằng ngày như giò chả chứa hóa chất làm giòn dai, thực phẩm có hóa chất, phẩm màu không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói là đến khi được phát hiện nguy hại thì những sản phẩm đó đã được bán rộng rãi trên thị trường trong một thời gian dài và không biết đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của biết bao nhiêu người.

Khó nhận biết được phẩm màu được sử dụng trong heo, vịt quay

Sắc màu càng đẹp càng nguy hiểm

Ths.Bs Huỳnh Văn Tú, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Y tế Công cộng cho biết: Những phẩm màu tổng hợp được các công ty sản xuất thực phẩm ưa chuộng vì rẻ tiền, màu ổn định và bắt mắt hơn so với những màu tự nhiên. Vì vậy, thực phẩm màu sắc càng đẹp càng nhiều nguy cơ chứa phẩm màu gây hại đến sức khỏe. Hiện có 15 loại màu tổng hợp được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thực phẩm.

Tuy nhiên, những màu tổng hợp chỉ được sử dụng ở mức độ giới hạn. Các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế đến mức thấp nhất lượng sử dụng, nếu sử dụng không đúng liều lượng, màu tổng hợp có khả năng gây hại cho sức khỏe như: sinh ung thư, tạo độc tính trên gien, thần kinh. Cụ thể như: màu xanh Brilliant sử dụng trong các sản phẩm sữa, thạch, sirô, đồ uống đã được thử nghiệm có nguy cơ gây ra các phản ứng quá mẫn ở người và gây ra các khối u thận ở chuột; màu đỏ Allura thường được sử dụng trong các thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn có thể gây ra ung thư ở động vật và dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá, rối loạn thiếu chú ý ở trẻ em.

Bằng mắt thường, không thể nhận biết chắc chắn một sản phẩm có sử dụng màu tổng hợp hay không, kể cả đối với những nhà chuyên môn về kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm có kinh nghiệm cũng không thể nhận biết được. Để phân biệt một sản phẩm thực phẩm sử dụng màu tự nhiên hay màu tổng hợp chỉ có cách là kiểm nghiệm nhưng đâu phải là thực phẩm nào cũng được kiểm nghiệm trong khi hàng loạt các cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ với những “bí quyết” ngon, đẹp mắt riêng không dễ dàng kiểm soát được.

TS Phan Thế Đồng, Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường đại học Nông Lâm TP HCM cho biết: Đối với các thực phẩm tươi như heo quay, vịt quay và các loại bánh làm thủ công truyền thống không có bao bì, nhãn mác rõ ràng thì người tiêu dùng không thể nhận biết được loại màu đã được sử dụng trong những thực phẩm này. Với 9,3 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ ở nước ta và mỗi ngày có hơn 10.000 loại thực phẩm mới ra đời thì việc kiểm soát quá trình chế biến, sử dụng nguyên liệu chế biến của các đơn vị này là rất khó.

Nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày của người dân đang đối mặt với nhiều nguy cơ chứa các chất độc hại. Người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc tìm những thực phẩm an toàn để sử dụng. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng những thực phẩm có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhưng điều đó cũng chỉ đảm bảo trong một chừng mực nào đó vì không phải nhà sản xuất nào cũng công bố “thành thật” trên nhãn mác và không phải tất cả các sản phẩm có nhãn mác đều được kiểm nghiệm.

Điều này cũng đã được minh chứng khi nhiều sản phẩm có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng nhưng cũng bị phát hiện có độc chất. Đến khi phát hiện ra, các cửa hàng, siêu thị mới đua nhau tẩy chay, trong khi người tiêu dùng thì ngã ngửa vì đã tin tưởng và lỡ dùng sản phẩm hàng chục năm qua mà không biết là có chất độc hại!

Năng lượng Mới