Sự canh cánh của Thanh Bùi

10:38 | 05/08/2017

1,507 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thanh Bùi cho rằng, việc chia sẻ thông điệp và truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ sau này mới là trọng trách anh đặt lên hàng đầu.

Dễ nhận thấy những năm gần đây Thanh Bùi không còn đứng trên sân khấu nữa. Thanh Bùi bắt đầu câu chuyện bằng sự trăn trở về nền âm nhạc Việt Nam lúc này. So với khoảng thời gian anh mới về nước, mọi thứ thay đổi quá nhiều. Công nghệ phát triển, tạo điều kiện cho tất cả mọi người tiếp cận với âm nhạc và bất kỳ ai cũng có thể làm âm nhạc, kéo theo đó là sự gia tăng sản phẩm.

Điều khiến cho một người làm sư phạm như Thanh Bùi phải trăn trở, đó là sự phát triển như nấm mọc sau mưa của các chương trình truyền hình thực tế, khiến giới trẻ bây giờ nghĩ rằng, mình có thể trở thành ngôi sao một cách dễ dàng.

su canh canh cua thanh bui

Anh cho rằng, một cá nhân biết nốt nhạc hay không cũng có thể trở thành ca sĩ thì ai cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy vấn đề của thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay, chỉ còn tính phong trào chứ không mang giá trị cốt lõi như trước nữa.

Âm nhạc nghệ thuật là điều bắt buộc phải có trong cách giáo dục một đứa trẻ. Và trong một khoảng thời gian ngắn thôi, mọi người sẽ thấy rõ điều đó trong một thế giới khi mà công nghệ dần chiếm lĩnh. Khi mà những công việc chân tay dần được thay thế bởi máy móc thì sự cạnh tranh giữa con người với con người sẽ là sự sáng tạo.

Âm nhạc và nghệ thuật chính là cách để thúc đẩy sự sáng tạo đó. Và khi có sự sáng tạo, chúng ta không cần phải sao chép phong cách từ một nền văn hóa khác.

Giá trị nghệ thuật bây giờ không còn đúng với giá trị mà nó vốn có nữa. Bản thân Thanh Bùi là một người thầy và anh nhận thấy anh cần cho những đứa trẻ của mình biết về điều đó.

Mọi việc đều cần có quá trình. Nếu con người có đủ tầm, đủ tâm và đủ niềm tin, tự dưng ta sẽ chạm vào được điều đúng đắn trên con đường mà mình đi.

Đó cũng chính là cốt lõi cuộc sống mà Thanh Bùi dạy cho học trò của mình: Mọi thứ đều xuất phát từ “cảm xúc”. Anh chỉ cần học trò bước vào lớp bằng sự đam mê và một trái tim thuần khiết là đủ. Bởi vì “đam mê” chính là tấm khiên bảo vệ mỗi con người trong suốt cuộc đời của họ.

Và khi những đứa trẻ hiểu được điều đó, tự nhiên tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời của chúng đều chỉ bởi một lý do.

Thanh Bùi luôn nói với học trò của mình, người thành công lớn là người đã chuẩn bị một con đường rất dài. Và chính anh cũng đang đi trên một con đường dài như thế. Anh chấp nhận bị ba mẹ từ mặt, chấp nhận không một xu dính túi, vừa đi làm vừa đi học để theo đuổi đam mê âm nhạc. Khi anh lọt vào top 8 trong hơn 3 nghìn thí sinh tại “Australia Idol” năm 2008, là người châu Á duy nhất làm được điều đó tính đến thời điểm bấy giờ, Thanh Bùi không cho rằng mình may mắn khi cả quá trình chuẩn bị ấy bắt đầu từ năm anh 10 tuổi.

Thanh Bùi từng nói rất nhiều về cái nghiệp “gõ đầu trẻ” của mình. Anh trở thành nghệ sĩ không phải để nổi tiếng, mà là để chia sẻ những thông điệp. Những thông điệp giáo dục của anh không còn nằm trong một quyển sách, mà là qua một kênh truyền hình, qua những nội dung, qua công nghệ hay qua những bài hát.

Anh không dạy học trò của mình kỹ năng âm nhạc, mà anh dùng âm nhạc để dạy kỹ năng cuộc sống cho trò. Thanh Bùi chia sẻ: “Học trò của anh 99% các em không theo nghề, các bậc phụ huynh khi đến đây đều không muốn con em họ bước vào showbiz, không muốn cuộc đời của con em họ vướng phải scandal”.

Trước khi nhận bất cứ một đứa trẻ nào, anh đều gặp và trò chuyện cùng phụ huynh của chúng. Trong vòng 4 năm, Thanh Bùi đã gặp hàng ngàn phụ huynh với tất cả những trăn trở về thế hệ sau này của họ.

Những trăn trở ấy khiến anh biết rằng mình không đào tạo học trò trở thành những ca sĩ mà là trở thành con người. Vì khi các em nên người, các em mới thành công.

Thanh Bùi dạy cho học trò của mình: Mọi thứ đều xuất phát từ “cảm xúc”. Anh chỉ cần học trò bước vào lớp bằng sự đam mê và một trái tim thuần khiết là đủ.

Trong cuộc đời của mình, qua học bổng Trịnh Công Sơn, Thanh Bùi có một hy vọng to lớn rằng, mình có thể đào tạo ra một người tài giỏi như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nữa mà thôi, lúc đấy với anh mới là viên mãn. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho cuộc đời này nhiều giá trị và tính nhân văn của ông đã ảnh hưởng đến rất nhiều người. Anh vẫn mong một ngày nào đó xuất hiện một người có sức ảnh hưởng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Anh thấy mình may mắn khi có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia lớn của những đất nước phát triển và khi anh nhìn lại đất nước mình đang sống, anh luôn canh cánh trong lòng câu hỏi: “Mình cần phải làm gì?”

Anh cho rằng điều quan trọng không nằm ở thời gian mà là cách chúng ta xử lý thời gian. Và khi chúng ta yêu một điều gì đó thì tự khắc chúng ta sẽ có cách vun vén cho điều đó. Cốt lõi lại quay về sự đam mê và tình yêu đối với việc mà chúng ta làm.

Thanh Hằng