South Stream: “Con tốt” trong cuộc khủng hoảng Ukraine

06:50 | 06/07/2014

2,955 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phương Tây cuối cùng đã tìm được một cách khiến Nga bị tổn thương nhất về kinh tế trong cuộc khủng hoảng Ukraine - đó là ngăn trở dự án đường ống South Stream (Dòng chảy phương Nam) dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu qua Biển Đen, không qua Ukraine.

Năng lượng Mới số 336

Những gì đã xảy ra với South Stream?

Mặc dù phụ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt cung cấp bởi Nga và từng coi việc xây dựng đường ống South Stream là ưu tiên quốc gia, cuối cùng, Sofia cũng vẫn không thể “giả điếc” mãi và cưỡng lại áp lực của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) - mà nước này là thành viên. Ngày 8/6, Thủ tướng Bulgaria Plamen Oresharski đã bất ngờ thông báo quyết định đình chỉ công tác chuẩn bị cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream.

Thời điểm công bố quyết định trên của Bulgaria đúng vào lúc phái đoàn 3 thượng nghị sĩ Mỹ đến Sofia và đem theo một cảnh báo đanh thép của Washington. Họ cảnh báo, nếu Bulgaria trao thầu cho một liên danh dẫn đầu bởi Công ty xây dựng đường ống dẫn Strojtransgaz của Nga, thì Công ty Bulgairia nào tham gia vào liên danh trên cũng có thể bị Mỹ trừng phạt. Washington lập luận rằng, Strojtransgaz thuộc sở hữu của Gennady Timchenko - một doanh nhân thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin - mà ông này lại nằm trong danh sách các cá nhân bị xử phạt của Mỹ (chứ không phải của EU) do sự can thiệp của Nga ở Ukraine.

Đường đi theo kế hoạch của dự án đường ống dẫn khí đốt South Stream

Tuy nhiên, trước đó, Sofia đã bị EU thúc ép trong nhiều tháng trời. Cái cớ mà Ủy ban châu Âu đưa ra để yêu cầu Sofia phải ngưng dự án là South Stream đã không tuân theo luật chống độc quyền của EU. Theo luật này, Gazprom có thể vận hành 50% đường ống dẫn nhưng 50% còn lại phải do một bên thứ 3 tiếp cận. Tuy nhiên, Nga không chấp nhận vì Gazprom là công ty duy nhất có thẩm quyền xuất khẩu khí đốt qua ống dẫn. Bên cạnh đó, South Stream cũng bị cáo buộc là đi ngược lại với chính sách của EU trong việc đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng để giảm sự lệ thuộc vào Nga.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Năng lượng Nga, Cao ủy Liên minh châu Âu đã đồng ý dự án South Stream sau cuộc họp cấp cao giữa Nga và khối EU ngày 28/1/2014, nhưng ngày 10/3/2014, ở thời điểm phương Tây rất “cay cú” vì quyết định sáp nhập Crimea của Nga, Ủy viên Năng lượng của EU lại nói rằng thảo luận pháp lý về South Stream đã bị đình hoãn.

Rõ ràng, về cơ bản, South Stream đã trở thành một con tốt chính trị và kinh tế trong bế tắc giữa Mỹ, EU và Nga về Ukraine. Việc nối lại hoạt động dự án phụ thuộc vào việc tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng bất ổn ở Ukraine và EU làm trung giàn đàm phán khí đốt Nga - Ukraine.

Nhưng bất luận là Bulgaria chịu sức ép của Mỹ hay EU nặng hơn, nhưng chỉ vì một “mắt xích” đi chệch hướng, dự án tham vọng của Nga đã bị đặt vào một tương lai nghi ngờ, dù cho Moskva có thuyết phục được một loạt nước có một phần đường ống South Stream chạy qua như Áo, Hungary, Serbia...

“Trạng chết thì chúa cũng băng hà”

Sự thành công hay thất bại của South Stream đến cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là đáng kể. Kiev được hưởng một số quyền lực trong thương lượng với Moskva như hiện nay chủ yếu là do Nga cần sự hợp tác của Ukraine trong việc cung cấp khí đốt cho thị trường châu Ấu. Dù gì, 80% lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang EU cũng phải thông qua ngả qua Ukraine. “Nếu South Stream được hoàn tất, nó sẽ làm cho Ukraine yếu hơn nhiều trên bàn thương lượng với Nga. Cả Mỹ lẫn EU đều không muốn điều này xảy ra”, Sergei Pikin - một chuyên gia năng lượng tại Moskva nhận định.

Trong khi đó, với Nga, cùng với đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc), South Stream không chỉ được hy vọng giúp Nga giảm phụ thuộc vào quốc gia trung chuyển khí đốt mà còn được kỳ vọng trở thành gọng kìm năng lượng của Nga với châu Âu, trong kế hoạch tìm lại hào quang của cường quốc năng lượng thời Xôviết của Tổng thống Putin. Đương nhiên, Moskva không khỏi tức giận trước quyết định bất ngờ của Bulgaria. Moskva không khó để nhận ra rằng, đây là một kiểu “trừng phạt trá hình” của phương Tây, để gây ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế của Moskva. Bởi 45 tỉ USD đầu tư vào dự án của Nga sẽ như “đổ xuống sông, xuống bể” nếu dự án bị trì hoãn vô thời hạn.

Tuy nhiên, “trạng chết thì chúa cũng băng hà”. Nền kinh tế EU sẽ phải trả giá đắt vì nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga, bao gồm các nền kinh tế đầu tàu như Đức. Ngoài ra, khí đốt từ Nga là nguồn nhiên liệu quan trọng để sưởi ấm ở các nước EU trong mùa đông. Nếu nguồn cung này gián đoạn, nó sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Nếu tính đến khả năng Mỹ sẽ “cứu” đồng minh bằng nguồn khí đốt từ đá phiến dồi dào của mình, thì theo cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Nga Paul Craig Roberts, phải ít nhất 3-4 năm nữa Mỹ mới có thể bắt đầu cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong khi đó, nếu Nga cắt đột ngột nguồn cung hiện tại, EU sẽ rơi vào khủng hoảng thiếu trong quãng thời gian này. Ngoài ra, sản lượng khai thác khí tự nhiên của Mỹ sẽ không thể bù đắp lượng nhiên liệu thiếu hụt ở châu Âu do Nga để lại. Vấn đề là EU lựa chọn lợi ích của chính người dân châu Âu hay lợi ích của Mỹ.

Linh Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc