Sông Đuống những năm không lấp lánh

06:00 | 14/02/2016

777 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cái tật ngồi rỗi hay giở dáy mó máy đến chồng sổ công tác mà có lần cụ tiên chỉ Tô Hoài đã dùng cụm từ rất ngộ nhưng chuẩn là sổ biên chép hay sổ biên việc. Những chuyến đi. Chép lại bao nhiêu là cuộc chuyện trò, gặp gỡ… Việc những năm đi viết. Việc báo!

Những mớ giấy xuộm vàng thời gian cùng thứ ký tự tháu viết láu mà đôi lúc bình tĩnh cũng chả lần ra được mình viết những chi chi, những gì… Lần lục giở bâng quơ ấy bỗng rơi ra một tập giấy cũng xuộm vàng. Thoáng một giật thột bâng khuâng. Bút tích của Hoàng Cầm…

song duong nhung nam khong lap lanh

Hoàng Cầm ấy của năm đã xa.

…Đêm rét Thuận Thành ấy không có mưa, lòng ngôi nhà cổ của ông bạn họ Khúc ngay ngắn mấy vuông chiếu đã qua đi một phần đêm của chương trình quan họ cổ. Hoàng Cầm tóc nõn bông xoải người trên chiếu. Xoải không phải kềnh  kếnh cang mà là kiểu nửa nằm nửa ngồi theo thế nghiêng một tay chống đầu. Nghĩ cứ cười thầm, đám các em các cháu quan họ gọi ông con trai Hoàng Kỳ (hồi đó cũng trên lục tuần) của thi sĩ Hoàng Cầm là chú nhưng lại xưng em ngọt lịm với tác giả “Mưa Thuận Thành”. Ánh mắt thi sĩ nửa hau háu nửa lim dim sang mạn những Thủy Hường, Thúy Cải thuở ấy đương tơ đương nhấn nhá những âm sắc “vang rền nền nẩy”. Chả có cái chi thoát được sự soi của nhà văn Kim Lân cả khi ông gục gặc cái đầu sang mé tôi “tuổi ấy mà mắt cứ ve vé xanh thế thì có chết không cơ chứ”!

Tôi giật mình choàng tỉnh trước sự bình phẩm bất ngờ của lão Hạc! Hữu Loan thì bảo thơ Hoàng Cầm đĩ. Tô Hoài có bận dim mắt (những khi ấy không biết cụ khen hay cụ thoắt nhớ một thời trai) rằng, Hoàng Cầm là cái... giống phong tình! v.v... Nhưng cụm từ ve vé xanh dường như là sự toát yếu một cách tổng thể lẫn toàn thể chất sống cùng chất thơ của thi sĩ?

song duong nhung nam khong lap lanh
Nhà văn Kim Lân và Hoàng Cầm

Lại một Hoàng Cầm năm cũng rất xa đận làm báo tết. Phải lo được một trang thơ tấm món. Cậy chỗ quen nhờ thi sĩ Hoàng Cầm và Nguyễn Thụy Kha. Tốn những trưa lân sang chiều rồi cả đêm với những chén rượu trắng quán cóc. Có bữa mấy anh viết quây quanh lão tướng Hoàng Cầm tay chống điếu cày nom rất oách mà cuộc tụ bạ nào cũng có thứ cao đàm khoát luận chi đó. Chuyền tay nhau non chục lần cái điếu cày thì thi sĩ cũng gỡ bí cho chúng tôi một trang thơ tết tất nhiên không thể thiếu một chùm như là bài đinh của thi sĩ Hoàng Cầm. Có điều không phải có ngay phải đến nhà ông mà giục. Không riêng bản thảo thơ tết lần ấy mà chúng tôi thường xuyên nhận được của thi sĩ Hoàng Cầm những bài thơ chép trên khổ giấy dứt ra từ cuốn vở học trò khổ từa tựa như A4 bây giờ nhưng tên bài thơ bao giờ thi sĩ cũng dùng bút màu còn nội dung bài thơ bằng thứ mực khác. Thi sĩ lại có hoa tay thành thử bài thơ nom từa tựa như một thứ thư pháp! Châu ngọc gấm thêu gì thì chưa biết nhưng với thơ khởi đầu là sự cẩn trọng.

Đêm ấy theo thi sĩ về căn gác ở Lý Quốc Sư gần khu tập thể báo chúng tôi ở phố Hàng Trống.

Lão thi sĩ không khượt luôn ra sàn như bọn tôi vốn tham uống, ham lời… Làm một giấc con con, hé mắt ra vẫn thấy ông lui cui lục tìm chi đó trong mớ giấy bộn bề. Tôi sển lại. Ông ngẩng cười đồng lõa chừng như mớ giấy kia là không có riêng tư gì… Có vẻ như bản thảo? Một bài, một chùm ông viết đã lâu nay giờ lại dành cho số báo tết? Mà có thứ chẳng phải? Tôi cầm lên một tập mong mỏng…

Kính gửi Ban Tuyên huấn Trung ương

Về những sáng tác dịch thuật của tôi từ năm 1959 đến nay

 A. Thơ

1. “Về Kinh Bắc” (1959-1969) gồm 40 bài viết về quê hương tôi ngày xưa. Tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất Kinh Bắc. Những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi (chưa in).

2. “Cót thóc và con đường” (1965- 1969) gồm trên 20 bài. Nội dung chống Mỹ cứu nước và một số bài có tính chất thể nghiệm những hình thức biểu hiện mới trong thi ca. Một số bài đã in trong nhiều tập thơ của Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội xuất bản từ năm 1965-1968 dưới bút hiệu Lê Kỳ Anh.

3. “Anh trôi gọi”. Bài thơ dài (1964) - chưa in.

4. “Bác về” bài thơ dài (1970) - chưa in

B. Truyện thơ

1. “Anh ấy đã về” (1962). Nội dung xây dựng quan hệ mới giữa người với người trong chế độ xã hội chủ nghĩa (khoảng 1.500 câu) viết sau thời gian đi thực tế lao động và sản xuất ở một HTX nông nghiệp ở huyện Thanh Trì. Chuyện một phụ nữ nông thôn gạt bỏ hiềm thù riêng quên cá nhân mình, tận tâm giúp đỡ một chị em khác xây dựng một cuộc sống tốt đẹp trong hợp tác xã (chưa in).

2. “Chắp cánh” (1965) truyện một nữ đoàn viên thanh niên Hà Nội vận động gia đình đi xây dựng kinh tế miền núi ở Thanh Sơn - Phú Thọ (khoảng 800 câu) sáng tác sau khi đi thực tế với đồng bào Hà Nội lên vùng kinh tế mới ở Thanh Sơn. Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản năm 1965. Bút hiệu là Bằng Phi.

C. Kịch thơ

1. “Áo vải cờ đào” (1963) 5 hồi. Kịch xảy ra trong nội bộ vua quan triều Lê với Tôn Sĩ Nghị từ lúc quân xâm lược nhà Thanh chiếm Thăng Long cho đến khi vua Quang Trung giải phóng hoàn toàn đất nước.

Bản thảo này thất lạc tìm chưa ra.

2. “Men đá vàng” (1972-1973) 3 hồi. Truyện cổ tích về nghề gốm Bát Tràng. Đã viết được một nửa và hoàn thành 4 khúc ca về 4 nhân vật chính trong chuyện. Sáng tác trong dịp đi thực tế ở gốm sứ Bát Tràng do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức năm 1972. Tác giả đã tự trình bày 4 khúc ca và hồi thứ nhất của vở kịch cho công nhân gốm sứ Bát Tràng nghe.

D. Sáng tác phục vụ kịp thời

1. Viết kịch bản và lời thuyết minh bằng văn xuôi và thơ cho những bộ phim đèn chiếu do xưởng phim đèn chiếu Trung ương và phòng văn nghệ cổ động do Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội sản xuất năm 1963-1975. Tất cả khoảng 20 bộ. Xin kể mấy phim chính

- “Hai bàn tay quỷ” (truyện an toàn lao động);

- “Nhớ mãi” (truyện về an toàn điện);

- “Đôi dép vạn dặm” (truyện dân công Điện Biên Phủ);

- “Cuộc chiến đấu ở Liên Khu 1 Hà Nội”;

-  “Hà Nội 20 tuổi” (Kỷ niệm 20 năm Giải phóng thủ đô);

Những bộ phim này theo Xưởng phim đèn chiếu và Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội đã có kết quả tốt, nhất là những bộ phim về an toàn lao động.

(Có lẽ đến đây cũng phải đành có chút mở ngoặc về khoản phim đèn chiếu kẻo bạn đọc thời @ khỏi ngơ ngác.

Phim đèn chiếu là phim được chiếu bằng đèn chiếu trên đó có một số ảnh dương đen trắng hoặc màu thường không dài.

Thời ấy, đời sống còn nhiều mặt khó khăn… Lĩnh vực phim điện ảnh (phim nhựa) sản xuất không được dồi dào như sau này. Mỗi năm, Xưởng phim truyện Trung ương cũng chỉ sản xuất, phát hành được mươi bộ, mỗi bộ 1 tập, ít bộ có 2 tập. Các rạp chiếu phim ở Hà Nội, thứ Bảy hay Chủ nhật mới bán vé xem phim, mà chủ yếu chiếu phim truyện chiến đấu của nước ngoài. Bởi vậy, lĩnh vực “Phim đèn chiếu” cơ hội có đất sống được, len lỏi vào các cơ quan, xí nghiệp, trường học, thôn, phường, bản làng… phục vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Ưu việt của thể loại phim đèn chiếu là thông tin, tuyên truyền một vấn đề chỉ mất 15-20 phút chiếu và đọc lời thuyết minh...

Viết đến đây nhớ thêm nhà thơ, nhà văn nữ Thúy Bắc (có bài thơ “Sợi nhớ sợi thương” nổi tiếng được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc). Chị từng có nhiều năm làm biên tập viên và quản lý ở Xưởng phim đèn chiếu Trung ương đóng ở số 5 phố Thi Sách).

Ngó lướt những dòng cuối của bản Kính gửi

2. Diễn ca Viết về Nếp sống văn minh Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản. Bút hiệu Lê Kỳ Anh;

3. Kịch ngắn dân ca.

“Cái tủ”. Nội dung chống tham ô lãng phí đã diễn ra (từ thi sĩ Hoàng Cầm dùng chưa chuẩn? Hình như là tham gia hội diễn?) quần chúng khu Hoàn Kiếm, Hà Nội (năm 1964);

“Vỗ cánh”. Nội dung thúc đẩy phong trào tòng quân chống Mỹ cứu nước. Đã biểu diễn nhiều lần phục vụ công tác tuyển quân ở Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì… Sáng tác năm 1966. Bút hiệu Kỳ Anh.

E. Dịch thuật

1. Những niềm tin Tập thơ kháng chiến chống Pháp của nhà thơ Algeria là Boualem Khalifa gồm gần 30 bài. Dịch và giới thiệu Lê Kỳ Anh - NXB Văn học 1965.

Háo hức lẫn nhọc nhằn lần trong danh sách dài thượt bản chép tay của thi sĩ Hoàng Cầm gửi các nhà chức trách việc của Ban Tuyên huấn Trung ương tôi chợt thấy những dòng như thế này:

Truyện ký về Hoàng Hoa Thám và một số bài báo của nhiều tác giả Pháp. Tài liệu do Ty Văn hóa Hà Bắc trong đó có tập “Kỷ niệm thời thơ ấu” của bà Hoàng Thị Thế (con gái Đề Thám) viết bằng tiếng Pháp. Toàn bộ công trình dịch thuật này gồm khoảng 1.500 trang trong 2 năm 1975-1976.

Ngẩn ngơ tiếc khi vồ vập hỏi ông còn bản thảo chép tay sau khi đánh máy hoặc giả còn bản đánh máy giấy than nào không thì lão thi sĩ sau một mồi thuốc lào rõ kêu đã thủng thẳng “Sạch sành sanh. Chả còn gì…”.

Bởi cả tập bản thảo bản dịch của Hoàng Cầm về hồi ức của bà Nguyễn Thị Thế con gái cụ Đề Thám, Ty Văn hóa Hà Bắc hình như không in và cũng không trả lại bản thảo cho thi sĩ?

Mà than tiếc chi tình thế những năm cuối 70 ấy của thế kỷ trước?

…Bản báo cáo viết tay kính gửi Ban Tuyên huấn Trung ương của thi sĩ Hoàng Cầm tôi bất chợt được đọc lướt trong đêm lạnh áp cái tết Tân Mùi năm 1991 ấy, sáng hôm sau được thi sĩ đồng ý, tôi mượn ra phố. May khi ấy đã nhiều những hàng photo.

Bây giờ những dòng kính gửi ấy đương đây!

Cái đêm chuyển sáng ấy, tác giả “Bên kia sông Đuống” đã trích đoạn cho tôi vài khúc nhôi hơi bị kém lấp lánh của mình khi ông phải rút khỏi Hội Nhà văn vào năm 1958 và về hưu non năm 1970 lúc 48 tuổi.

Và duyên do tại sao lại có bản báo cáo tường trình kia…

Nhưng chả phải dễ mà chép lại.

Nhưng có một đoạn hào sảng trước đó, sau này tôi có viết một kỳ báo. Ấy là khi Hoàng Cầm, cuối những năm 40 với cương vị Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị đã táo tợn cho đưa màn quan họ trữ tình vào đêm liên hoan hội quân hoành tráng…

Ngay lập tức viên sĩ quan Hoàng Cầm bị la ó phản đối chỉ trích dữ dội, nói như ngôn từ bây giờ là bị ném đá tơi bời. Rất may người ngay lập tức đứng lên để vãn hồi trật tự cũng như đảm bảo sự yên ổn ngắn hạn cho Hoàng Cầm, sau này chính là một ông tướng rất quyền uy khi ấy. Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Cụ thân sinh thi sĩ họ Bùi đã lấy hai địa danh của đất kinh Bắc là Phúc Tằng và Việt Yên để đặt tên cho con trai là Bùi Tằng Việt. Và ông con trai sau này đã lấy tên vị thuốc đông y đắng nghét nhưng tính bình có tác dụng công phạt nhiều thứ để xưng cho mình một bút danh?

Hoàng Cầm!

Có lẽ với không ít người, thơ Hoàng Cầm hàng bao năm nay đã góp nên những bình ổn cân bằng trong những táo tác lẫn tao loạn của lòng người thói đời. Mà công trạng ấy có lẽ vẫn dằng dặc cùng năm tháng? Vậy nên cứ ve vé mãi một giống xanh Hoàng Cầm như ý cụ Kim Lân?

Sau này bồi hồi đối chiếu so sánh lại, là Hoàng Cầm đã không đưa những dòng in nghiêng trên đây vào sự nghiệp sáng tác của mình. May hay khôn? Chả biết… Ngoại trừ tập bản thảo như thi sĩ đã thành thực trình báo. “Về Kinh Bắc” (1959-1969) gồm 40 bài viết về quê hương tôi ngày xưa. Tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất Kinh Bắc. Những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi (chưa in).

Nhà văn John Mason từng răn mình bằng thứ chữ viết to đùng như thư pháp trên một tờ giấy dán ngay chỗ bàn làm việc cái câu “Bạn đã sinh ra như một nguyên bản. Vậy đừng có chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy). Không nói nhà văn lớn ấy đã sinh đã chết như thế nào. Nhưng chẳng hay lúc sống ông có thời điểm nào vất vưởng như một thi sĩ Việt - Hoàng Cầm - đã phải từng làm phiên bản, đã từng không là mình một thời gian dài?

Cái thời sông Đuống chẳng còn lấp lánh ấy?

 

Xuân Ba

Số Xuân 2016