Số tròn - số đẹp

07:00 | 12/11/2015

1,239 lượt xem
|
Thảo luận về Luật Thống kê sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thắc mắc về số liệu thống kê không chính xác, mỗi thời điểm lại công bố một số liệu khác nhau.

Đây không phải lần đầu tiên các ĐBQH lên tiếng về tình trạng số liệu thống kê không chuẩn. Chẳng hạn, chỉ số tăng trưởng GDP của các địa phương đều cao hơn con số chính thức được Bộ Kế hoạch & Đầu tư công bố khiến người dân băn khoăn, vậy các phần trăm tăng trưởng kia đi đâu? Lý giải không chính thức được đưa ra là các địa phương chạy theo thành tích đã làm tròn, làm đẹp số liệu trong báo cáo. Đầu vào không chuẩn khiến đầu ra cũng khó đúng.

so tron so dep

Không khó khăn gì để nhận biết, với những “con số đẹp” khiến chính sách khó “chuẩn không cần chỉnh” và cũng khó đi vào cuộc sống.

Một cựu quan chức ngành nông nghiệp thổ lộ rằng, thống kê của ta tài lắm, thời bao cấp, mỗi năm từng giúp nước ta có thêm dăm triệu tấn thóc. Cho đến năm mất mùa, Chính phủ phải lấy gạo dự trữ quốc gia cứu đói mới vỡ lẽ chuyện báo cáo chạy theo thành tích. Và ngay cả số gạo xin cứu đói cũng được “tố” thêm, cốt để xin nhiều gạo.

Hẳn vì vậy nên thời gian qua, có nhiều chính sách hoàn toàn không thể thực hiện được. Các ĐBQH cho rằng, đây là một vấn đề rất quan trọng. Những mục tiêu quốc gia trung hạn và dài hạn dựa theo số liệu không chính xác sẽ không bao giờ thực hiện được.

Các chuyên gia cho rằng, nên có chế tài đối với người làm công tác thống kê mà cứ liệt kê để báo cáo lên trên những con số đẹp, tròn trịa. Nói đúng ra, đây là báo cáo láo và sự nguy hại từ những báo cáo thành tích này thì ai cũng rõ. Hiện nay, cả số liệu dự báo và số liệu báo cáo đều có vấn đề, gây quan ngại cho việc hoạch định chính sách.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh đã rất thẳng thắn khi đề cập vấn đề chính xác của thống kê hiện nay và cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến số liệu chưa chính xác là do bệnh thành tích của các ngành, các cấp. Hệ quả là sai lệch, là bất cập, không chính xác khiến việc điều hành, quản lý từ Trung ương đến địa phương cũng “lệch” theo hướng tiêu cực. Thống kê như thế thì làm sao quản lý tốt được? Tuy nhiên, tư lệnh của công tác thống kê khẳng định, không có chuyện “nhào nặn” hay “đạo diễn” số liệu thống kê. Không hề có yêu cầu hay bị bất cứ áp lực nào để làm số liệu thống kê khác đi.

Phương pháp tính toán thống kê của Việt Nam rất hòa nhập với quốc tế. Bộ KH&ĐT là cơ quan xây dựng mục tiêu, định hướng, chỉ tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tổng hợp chiến lược, kế hoạch phát triển của từng bộ, ngành. Trên cơ sở chiến lược, kế hoạch, định hướng của các bộ, ngành, Bộ KH&ĐT tổng hợp, phân tích, đánh giá, lựa chọn trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội. Vì thế, số liệu có chính xác không, có khách quan không, có trung thực không nằm ở nơi khác chứ không phải nằm ở khâu tổng hợp, lựa chọn. Đại biểu Quốc hội hoàn toàn yên tâm khi cơ quan thống kê đưa ra phương pháp tính toán mới vì các phương pháp này cập nhật với thế giới.

Vậy số liệu thống kê không chính xác ở đâu ra? Thì ra, hiện tại Việt Nam có 3 dạng số liệu thống kê, là số liệu ước tính tổng hợp trên cơ sở 2/3 kỳ điều tra trong tháng. Số liệu sơ bộ là kết quả của cả 3 kỳ điều tra của tháng trước, nhưng chưa được thẩm định, rà soát xem là hợp lý hay không hợp lý, vì thế cũng chưa chính xác. Và cuối cùng là số liệu thống kê chính được công bố vào tháng 6 của năm sau. Đây mới là số liệu chính thức, số liệu được coi là chính xác.

Đáng lưu ý là trong số 185 chỉ tiêu được công bố chính thức vào tháng 6 hằng năm thông qua niên giám thống kê cũng có rất nhiều chỉ tiêu chỉ là tạm tính do chưa hoàn thành. Tuy nhiên, ở Việt Nam không một tổ chức nào có con số chính xác hơn tổ chức thống kê. Bộ trưởng Vinh quả quyết, cơ quan thống kê không hề chịu áp lực là phải tăng thêm một tí hay giảm đi một tí vì không hề có lợi ích gì trong việc này.

Để nhấn mạnh nguyên nhân thống kê không chính xác, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh liên hệ với việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức hiện nay. Ông lưu ý các ĐBQH như sau: Ai cũng biết rất nhiều người có nhiều nhà cửa, đất đai, bất động sản, nhưng khi điều tra, khảo sát họ không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ. Trong số các ĐBQH ngồi đây cũng có không ít người kê khai không chính xác chứ nói gì đến người dân. Một khi đầu vào của số liệu không chính xác thì đừng nói gì đến số liệu chính xác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng đã nhầm lẫn: Báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, việc kê khai tài sản đã đạt 99,5%. Qua kiểm tra bảng kê khai của 1.225 người chỉ phát hiện có 5 người kê khai không trung thực, chiếm 4 phần nghìn. Vậy trong tính toán, với 4 phần có thể làm tròn được không? Báo cáo chống tham nhũng nói 99,5% là tin được! Vậy là cử tri và các ĐBQH có thể yên tâm về số liệu thống kê. Và như vậy chỉ cần một thông tư hướng dẫn cách thống kê mới là được, khỏi cần sửa đổi Luật Thống kê.

Thọ Vinh

Năng lượng Mới 473

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc