Số phận bi thảm của VĐV Trung Quốc nếu không kiếm được Vàng

10:09 | 30/08/2016

2,582 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một khảo sát mới đây cho thấy rằng, có tới 45% vận động viên (VĐV) thể thao Trung Quốc sau khi nghỉ hưu đã trở thành những kẻ lang thang không nơi nương tựa, vật vã để kiếm miếng ăn qua ngày.
so phan bi tham cua vdv trung quoc neu khong kiem duoc vang
Trung Quốc có 417 VĐV tham gia tranh tài tại Olympic Rio 2016

Trung Quốc vốn là một cường quốc thể thao, là quốc gia luôn cạnh tranh vị trí dẫn đầu ở trong các kì thế vận hội mùa hè. Thế nhưng tại Rio năm nay, đoàn thể thao Trung Quốc chỉ giành được tổng cộng 26 huy chương vàng Olympic và tụt xuống đứng vị trị thứ 3 sau Mỹ và Vương quốc Anh. Có thể nói đây là một kỳ Olympic thảm họa đối với họ.

Tại Olympic Rio 2016, đoàn Trung Quốc có tổng cộng 417 VĐV tham gia tranh huy chương trải đều hầu hết ở các bộ môn. Vậy mà cuối cùng chỉ có 35 người có huy chương, trong đó 26 huy chương vàng. Có thể nói, đây là cú sốc đối với một nước có nền thể thao hùng mạnh như Trung Quốc.

Có những thông tin cho rằng, những vận động viên có màn trình diễn không được xuất sắc sau khi trở về nước sẽ bị Hiệp hội thể thao trục xuất ra khỏi chương trình Olympic. Và tất nhiên điều đó có nghĩa rằng họ sẽ phải tự mình tìm một con đường khác để sống hay chỉ đơn giản là bươn trải và tồn tại…

Để đạt được vinh dự đặt chân lên bục vinh quang tầm cỡ thế giới này, các vận động viên thể thao Trung Quốc đa phần đều phải luyện tập rất gian khổ và trải qua các khoá đào tạo chuyên nghiệp nghiêm ngặt, nhiều người thậm chí đã bị gián đoạn việc học của mình. Vì vậy nếu bị trục xuất ra khỏi chương trình Olympic cuộc sống của họ dường như phải đối mặt với một thảm cảnh rất bi thảm.

so phan bi tham cua vdv trung quoc neu khong kiem duoc vang
Đối với Trung Quốc, chiến thắng tại Thế vận hội là tất cả

Nhưng có một điều khiến người ta cảm thấy nhói lòng nhất, đó là những vận động viên sau khi không giành được bất kì huy chương vàng nào trở về nước, họ sẽ phải đối mặt với một cuộc sống không mấy tốt đẹp.

Tuyển thủ Trương Thượng Vũ, một vận động viên thể dục dụng cụ của Trung Quốc người Hà Bắc, năm 12 tuổi anh đã được chọn vào đội tuyển Olympic quốc gia. Vào năm 18 tuổi anh đã giành 2 chiếc huy chương vàng tại kì hội thể thao mùa hè dành cho sinh viên đại học thế giới tổ chức ở Bắc Kinh năm 2001. Kể từ đó anh đã được coi là một ngôi sao sáng tiềm năng trong con mắt mọi người.

Nhưng không may trong một lần đào tạo gân gót chân đã bị đứt vì vậy anh không cách nào tham gia Olympic Athens năm 2004. Đến năm 2005, anh buộc phải rời bỏ đấu trường thể thao.

Chàng trai kém may mắn Trương Thượng Vũ sau khi bị đào thải khỏi đấu trường thể thao đã không nhận được bất kỳ sự bồi thường hay đền bù nào.

Do quá trình luyện tập hà khắc khiến anh phải bỏ học sau khi tốt nghiệp tiểu học, cộng thêm không có kỹ năng đặc biệt nào khác, kĩ năng giao tiếp xã hội kém. Cuối cùng anh chỉ còn cách ra đường phố và biểu diễn nghệ thuật kiếm tiền.

Thậm chí anh còn không đủ tiền để thuê nhà ở, mỗi đêm phải ngủ trên cầu, cuộc sống vô cùng cơ cực khó khăn. Do cuộc sống quá khó khăn anh đành phải bán nốt hai chiếc huy chương vàng quý giá nhất của mình để đổi lấy một ít tiền sống qua ngày.

Trung Quốc tổng cộng có 33.294 tuyển thủ thể thao được khen thưởng nhưng thật sự có tên trên danh sách thì chỉ có 17.444.

Sau khi họ “nghỉ hưu” mỗi tháng chỉ có thể nhận được 3 triệu đồng tiền trợ cấp. Đối với những tuyển thủ không có tên trong danh sách chỉ có thể dựa vào khoản tiền thưởng do huy chương vàng mang tới, vì vậy áp lực rất lớn.

so phan bi tham cua vdv trung quoc neu khong kiem duoc vang
Mặc dù từng giành rất nhiều HCV nhưng số phận của Guo Ping cũng vô cùng bi thảm

Sự thật không chỉ có thế, số phận của người không giành được huy chương bi thảm là vậy, còn những VĐV cũng không khá hơn là bao. Trở về từ ánh hào quang của những chiếc huy chương, không ít chàng trai, cô gái vàng của đất nước tỷ dân giờ đây đang cay đắng nhận ra rằng, vinh quang chỉ là giấc mơ hào nhoáng nhất thời, còn cuộc sống với đầy gian khó, cám dỗ và sa ngã mà họ phải từng ngày đối mặt mới là hiện thực.

Câu chuyện của Guo Ping (Quách Bình), Á quân Marathon ở Chiba (Nhật Bản), trở thành hạt giống vàng khi mới vừa 9 tuổi với các nội dung sở trường là chạy trung bình và marathon. Năm 2006, cô cùng 2 nữ vận động viên khác đã đệ đơn ra tòa tố cáo việc bị ăn chặn tiền thưởng và tiền lương.

so phan bi tham cua vdv trung quoc neu khong kiem duoc vang
Bàn chân bị biến dạng vì tập luyện hà khắc của Guo Ping

Trước tòa, cô gái đã rơi nước mắt giơ đôi chân biến dạng đến mức gần như tàn phế vì cường độ tập luyện quá hà khắc.

Cô chia sẻ, nỗi ân hận lớn nhất đời cô là đã không học piano theo lời khuyên của thầy giáo dạy nhạc hồi tiểu học mà theo đuổi con đường trở thành một vận động viên, để giờ đây khi giải nghệ lâm vào cảnh khốn khó, đến người cha già cũng phải đi làm trong xưởng than để lấy 500 tệ (khoảng 1,5 triệu đồng) mỗi tháng. Lúc cùng quẫn, cô đã từng nghĩ đến việc bán huy chương, nhưng lại không dám làm vì e điều tiếng.

Hay như trường hợp của Liu Fei (Lưu Phi), cô gái vàng của môn thể dục dụng cụ một thời đã không thể tìm được việc làm sau khi giải nghệ. Cả nhà cô sống trong một căn phòng nhỏ hẹp, bố cô phải nằm giường xếp ngoài hành lang.

Cô gái cay đắng bày tỏ hối hận với con đường thể thao đã chọn: "Hoa, tiếng vỗ tay, cờ hồng phấp phới, giờ đây chúng đã xa tầm tay tôi quá rồi. Khi đứng trên bục vinh quang của nhà vô địch thế giới, tôi đâu có ngờ sau khi giải nghệ đời mình đã lập tức rơi vào ngõ cụt. Không có nhà ở, không có việc làm, không có tiền sinh hoạt tối thiểu, thậm chí đến cả hộ khẩu cũng không biết ở chốn nào".

so phan bi tham cua vdv trung quoc neu khong kiem duoc vang
Liu Fei cùng bố mẹ tại căn nhà tồi tàn của mình

Với Liu Fei lúc này, những đồ dùng cơ bản trong gia đình như máy giặt, tủ lạnh cũng là một giấc mơ xa xỉ. Món đồ điện gia dụng duy nhất trong nhà cô lúc này là chiếc tivi 14' hiệu Phoenix đã 15 tuổi.

Những câu chuyện trên đây có thể cho ta thấy rõ được mức độ cạnh tranh gay gắt và vô cùng khốc liệt trong giới thể thao.

Nhiều người đã phải mất hơn chục năm đào tạo, cuối cùng đều chẳng nhận được điều gì. Thay vào đó chỉ có thể lặng lẽ rút lui khỏi sàn đấu.

Người thắng cuộc sẽ nhận được huy chương vàng danh giá và những tràng vỗ tay nhiệt tình. Còn đa phần những người còn lại sẽ không đủ may mắn nhận được vinh dự đó và phải đối diện với một tương lai mờ mịt…

Có lẽ giờ chúng ta mới hiểu được sâu sắc nỗi khổ, sự vất vả cũng như sự hy sinh của các vận động viên phải phó xuất suốt quãng đời thanh xuân của mình, để rồi cuối cùng phải đổi lấy kết quả ngoài mong đợi…

Tiểu Bảo

Tổng hợp