Sợ bị “đánh hội đồng”, Trung Quốc tìm cớ né vấn đề Biển Đông

09:30 | 04/08/2015

6,291 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm nay, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48 và Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF) khai mạc tại Malaysia. Biết trước sẽ bị công kích từ mọi phía về những hành động phi pháp tại Biển Đông, Trung Quốc đã lên tiếng “phủ đầu” rằng ASEAN không phải là nơi bàn thảo về Biển Đông.
Sợ bị “đánh hội đồng”, Trung Quốc tìm cớ né vấn đề Biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân từ chối bàn về Biển Đông tại ARF

Diễn đàn ARF là điểm hẹn của ASEAN với các đối tác quan trọng trong vùng châu Á Thái Bình Dương, từ Mỹ đến Trung Quốc, từ Nhật Bản đến Úc, từ Ấn Độ đến Nga.

Các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, như cải tạo bãi đá, xây đảo nhân tạo, xây dựng trên đó các cơ sở quân sự, nhằm mở rộng quyền kiểm soát một vùng biển, nơi hơn 80% thương mại của thế giới phải đi qua, đã gây lo ngại cho các quốc gia trong vùng. Các hoạt động của hải quân, không quân Trung Quốc sẽ được mở rộng vì những mục tiêu chiến lược và kinh tế.

Theo một quan chức cao cấp của bộ Ngoại giao Mỹ, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông sẽ là trọng tâm của ARF lần này mặc dù vấn đề này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức: ASEAN cũng như Mỹ quan ngại trước quy mô, tầm mức, nhịp độ và sự can dự của Trung Quốc trong các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo. Vẫn theo quan chức nói trên, ARF và Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN là cơ hội để các nước Đông Nam Á trực tiếp bày tỏ quan ngại với phía Bắc Kinh về những hành vi mà nhiều quốc gia coi là mang tính khiêu khích.

Biết trước được những sức ép ghê gớm đang chờ đón, hôm qua, chính phủ Trung Quốc nói rằng các nước Đông Nam Á không nên đưa vấn đề Biển Đông ra để thảo luận.

Nói với hãng thông tấn Reuters, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Minh cho rằng cuộc gặp hàng năm giữa các nước ASEAN và những quốc gia khác nhắm vào mục đích cổ vũ hợp tác, xây dựng quan hệ trong nhiều lĩnh vực. Vì thế, ông nói rằng đây không phải là nơi để bàn thảo về chuyện Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng nói là Bắc Kinh sẽ lên tiếng phản đối nếu Mỹ nêu vấn đề Biển Đông trong phiên họp năm nay, bảo thêm những nước không thuộc ASEAN đừng nên can dự vào chuyện nội bộ của tổ chức này.

Một tuần trước đây, cuộc gặp lần thứ chín giữa quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã diễn tại Thiên Tân, thảo luận về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông-DOC.

Tin từ Bắc Kinh cho hay trong vai trò trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Minh có nói rằng những tranh chấp đang xảy ra ở Biển Đông chỉ là chuyện tạm thời, và Bắc Kinh tin tưởng sẽ cùng với ASEAN xây dựng ổn định cũng như đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trong cuộc họp này, phía Trung Quốc cũng khẳng định sẽ phản đối sự can thiệp không cần thiết của một số nước bên ngoài, ý muốn nói đến Mỹ và Nhật Bản, là những quốc gia thường xuyên lên tiếng tố cáo Trung Quốc đang có những hành động gây thêm bất ổn cho khu vực, kể cả những hành động cải tạo, xây dựng các hòn đảo ở Trường Sa của Việt Nam.

Hôm qua tại Manila, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói với báo chí rằng tại cuộc họp ở Thiên Tân, ASEAN và Trung Quốc có thảo luận về ý kiến lập đường dây điện thoại nóng để giải quyết những trường hợp khẩn cấp nếu xảy ra ở Biển Đông, khu vực đang được thế giới chú ý đến vì là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh với nhiều nước trong vùng Đông Nam Á.

ASEAN trong thời gian qua đã hối thúc việc thành lập một một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển (COC) có tính cách ràng buộc với Trung Quốc, theo đó Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không nên có bất cứ hành động nào có thể khơi mào cho một cuộc xung đột trên biển.

Tuy nhiên, phát biểu trước tòa án thường trực Liên Hiệp Quốc tại La Haye, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khẳng định trong nhiều năm, Trung Quốc đã tìm mọi cách để phá hỏng mọi cố gắng xây dựng COC: “Thái độ không khoan nhượng của Trung Quốc trong 13 năm qua đã khiến bộ Quy tắc ứng xử COC trở thành mục tiêu gần như không thể với tới”.

Chuyên gia về Đông Nam Á của đại học Stanford- Mỹ, Donald Emmmerson, dự báo Bắc Kinh không bao giờ muốn có COC. Và cho dù là có phê chuẩn bộ luật đó đi chăng nữa thì trên thực tế Trung Quốc cũng sẽ không tôn trọng, bởi vì văn bản này mang tính ràng buộc và hạn chế tầm hoạt động của Bắc Kinh đối với vùng biển này. Chuyên gia về Đông Nam Á, Donald Emmerson khuyên các nước ASEAN chớ nên nuôi ảo tưởng về bộ Quy tắc ứng xử COC.

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc xây thêm đường băng thứ hai ở Trường Sa?
Đường dây nóng ASEAN - Trung Quốc có hạ được nhiệt ở Biển Đông?
Biển Đông và tham vọng làm “trung gian hòa giải” của Campuchia

Nh.Thạch

Năng lượng Mới