Siêu thị cũng kinh doanh hàng… bẩn

07:00 | 13/01/2014

5,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình trạng thực phẩm bẩn bán tràn lan từ chợ tạm, chợ cóc đến cả các chợ lớn, đầu mối… thì siêu thị là nơi duy nhất còn lại có thể nói “vớt vát” niềm tin của người tiêu dùng. Thế nhưng, niềm tin tưởng như là “chắc như đinh đóng cột” ấy cuối cùng cũng đổ vỡ khi hàng loạt những vụ kinh doanh thực phẩm bẩn bị phanh phui trong năm qua.

Năng lượng Mới số 289

Bẩn sạch khôn lường

Năm 2013 là một năm thực sự đáng nhớ đối với hệ thống kinh doanh theo hình thức siêu thị, bởi nếu những năm trước, việc phát hiện thực phẩm bẩn được bán tại đây chỉ lẻ tẻ và xoay quanh hàng hết “đát” thì năm nay, vụ việc “quy mô” hơn hẳn, “phong phú” hơn hẳn về sai phạm.

Ví như “vụ” gần đây nhất và gây “chấn động” dư luận ấy là rau bẩn nhưng lại “đội lốt” rau sạch tràn vào một loạt các siêu thị tại Hà Nội một cách dễ dàng như: hệ thống siêu thị Minh Hoa, hệ thống siêu thị Le’s Mart, siêu thị Citimart Indochina Plaza... Rau “sạch” này có nguồn gốc… trôi nổi, bán ngoài các chợ đầu mối sau đó được công ty TNHH Sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5, thôn Đầm, xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội (do Nguyễn Hưng Bình làm chủ) mua gom về rồi đóng gói “rau an toàn” đưa vào tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị. Tưởng “sản xuất” rau an toàn như người ta vẫn nghĩ là trực tiếp trồng trọt theo mô hình được xây dựng và giám sát bởi cơ quan hữu trách, song hóa ra “sản xuất” theo kiểu của Công ty TNHH Sản xuất rau an toàn số 5 chỉ là “đóng gói” rau bẩn thành rau sạch, hệt trò lừa đảo mà nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ thực hiện ở các chợ cóc, chợ tạm.

Nho Trung Quốc dán mác nho Ninh Thuận

Trong buổi làm việc giữa hai bên: cung cấp và phân phối để làm rõ “trắng - đen”, chủ doanh nghiệp cung cấp rau sạch Nguyễn Hưng Bình thừa nhận: Do cung không đủ cầu nên Bình đã phải mua rau được trồng và bán trôi nổi ở các chợ đầu mối để đáp ứng đủ lượng hàng mà các siêu thị đặt. Ước tính mỗi ngày phải có vài tấn rau, củ quả Bình bán cho các siêu thị và 2 trường học THCS và THPT Trần Quốc Tuấn trên địa bàn Hà Nội. Bình còn biện minh với báo giới: Cơ sở luôn có hai loại hàng để nhập cho siêu thị và 2 trường học. Số rau bẩn, không rõ nguồn gốc chủ yếu Bình bán cho bếp ăn nhà trường là chính. Tuy nhiên, Bình lại không có giấy tờ gì để chứng minh cho điều này. Thậm chí Bình còn không dám chắc số rau củ quả Bình cung cấp có phải loại rau dùng thuốc tăng trưởng, kích thích hoặc “hôm nay phun thuốc sâu mai thu hoạch”!? Nhưng ngạc nhiên và phi lý hơn cả là trong khi việc “sản xuất rau an toàn” của công ty Bình thực tế là như thế nhưng công ty vẫn được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất sơ chế rau?

Về phía các siêu thị khi đề cập đến trách nhiệm của họ trong việc phân phối rau sạch thành rau bẩn cho người tiêu dùng thì thay vì chia sẻ, day dứt, họ lại “phủi” một cách vô trách nhiệm rằng: Không thể kiểm soát hết được về nguồn hàng; Không thể quản lý được quá trình sản xuất rau của nhà cung ứng. Siêu thị chỉ kiểm tra thấy có đủ giấy tờ… là xong v.v…

Không chỉ rau củ quả mà nhiều thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khác cũng xem siêu thị là nơi tiêu thụ “lý tưởng”.

Như Metro, siêu thị lớn bậc nhất trong hệ thống siêu thị hiện tại, từ trung tuần đến cuối tháng 6 vừa rồi cũng bị Đội Quản lý thị trường số 15 phát hiện tại Chi nhánh Hoàng Mai bán nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng và chất lượng không bảo đảm như: sữa chua Proby của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk,  bánh bao, thương hiệu Malai, kem Tràng tiền “nhái”… Trong đó, đặc biệt phải nói đến bánh bao, một mặt hàng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Mặc dù chưa hết hạn sử dụng, lại được bảo quản ở nhiệt độ đúng như khuyến cáo dưới 5oC, nhưng không hiểu sao bánh bao Malai do Công ty TNHH Phát triển sản phẩm mới công nghệ mới sản xuất vẫn bị mốc đen. Câu trả lời mà nhà sản xuất đưa ra giải thích cho hiện tượng này chỉ chung chung đến mức khó chấp nhận là: “Nếu bánh không được bảo quản đúng nhiệt độ trong vòng 1-2 giờ là có thể bị hỏng ngay” và không kèm thêm một lời xin lỗi.

Còn đại diện của Metro cũng trả lời chung chung như vậy mà không nhận trách nhiệm nào từ phía người bán hàng.

Nói về bán hàng kém chất lượng, hàng nhái tại Metro, một khách hàng chia sẻ rằng: “Trên thị trường có nhiều nơi bán hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó cũng có thể xảy ra ở Metro. Vì đây là hệ thống siêu thị lớn, có thương hiệu, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Ai ngờ… Nhưng dù thế nào…”. Khách hàng này nói tiếp: “Metro không thể vô can”!

Tương tự, tại Big C cũng xảy ra chuyện bày bán thực phẩm bẩn hay “treo đầu dê bán thịt chó”. Rùm beng nhất phải nói đến chuyện: nho xanh Ninh Thuận dán cờ Trung Quốc. Bản chất của sự việc này là lừa đảo nhưng “giấu đầu hở đuôi”, nghĩa là trên sản phẩm vừa dán tem nhãn xuất xứ của Ninh Thuận vừa in hình cờ… Trung Quốc. Cũng may nhờ hình cờ Trung Quốc trên sản phẩm mà người tiêu dùng phát hiện ra Big C… lừa đảo! Dù “cãi chày cãi cối” thì cuối cùng Big C cũng phải nhận trách nhiệm và bị xử phạt 35 triệu đồng.

Đây không phải là lần đầu tiên Big C bán thực phẩm bẩn, mà trước đó, siêu thị lớn bậc nhất này cũng đã bị người tiêu dùng tố cáo bán táo Mỹ thối đen, xôi gà ôi thiu… và nghiêm trọng nữa còn là bán gà đồi Yên Thế… giả. Đây vốn là thương hiệu của một loại gà được nuôi ở Bắc Giang, được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng chưa bao giờ ký hợp đồng phân phối với Big C thế mà Big C lại ngang nhiên bán gà… Yên Thế. Tuy nhiên, điều đáng nói trong khi gà Yên Thế bán 130 nghìn đồng/kg thì ở Big C chỉ bán với giá 120 nghìn đồng/kg, thấp hơn cả mức giá xuất chuồng tại “quê hương bản quán” của chúng.

Ông Nguyễn Văn Xuất, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang khẳng định với báo chí: “Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm gà đồi Yên Thế và quyền sử dụng và khai thác nhãn hiệu này cho duy nhất 1 đơn vị là Công ty CP Giang Sơn. Do đó, siêu thị Big C sử dụng nhãn hiệu này để bán sản phẩm là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”.

Thích thì kiểm tra

Thực ra, quy trình để đưa một sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ là rất nghiêm ngặt và chặt chẽ. Bên cạnh kiểm tra đầy đủ hồ sơ chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, siêu thị phải cắt cử cán bộ kiểm tra thực tế quy trình sản xuất cũng như chế biến thực phẩm ấy và việc kiểm tra phải diễn ra thường xuyên, thậm chí đột xuất hệt như quy trình của một cơ quan quản lý Nhà nước. Thế nhưng hiện nay có nhiều giai đoạn giám sát thể hiện trách nhiệm của một nhà phân phối lớn bị các siêu thị “đốt cháy giai đoạn”. Phần lớn họ chỉ dừng ở việc kiểm tra hồ sơ là hết. Vì họ cho rằng, việc kiểm tra quy trình cũng như chế biến thực phẩm thuộc cơ quan quản lý Nhà nước chứ với vai trò phân phối đến tay người tiêu dùng như họ không bắt buộc có chức năng, trách nhiệm như vậy, thích thì làm không thích thì thôi.

Chính vì “chủ trương” vô trách nhiệm này mà “tranh tối tranh sáng”, nhiều mặt hàng kém chất lượng “lọt” vào siêu thị đến tay người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến chính một số siêu thị lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng chủ động đưa hàng kém chất lượng vào siêu thị để kinh doanh, lừa đảo khách hàng. Như trường hợp “Nho Ninh Thuận”, “Gà đồi Yên Thế” của Big C là ví dụ… Trong khi các siêu thị chưa làm hết trách nhiệm của doanh nghiệp phân phối thì  cơ quan quản lý hệ thống siêu thị, cũng như nhiều cơ quan hữu trách khác trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rơi vào tình trạng  buông lơi thả lỏng, bất cập, khó khăn v.v… làm cho việc kinh doanh thực phẩm bẩn trong siêu thị gần như… tung hoành. Đúng như ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội lo ngại: “Có nhiều siêu thị, nhất là những siêu thị mini không gia nhập Hiệp hội vì vậy khó đảm bảo các siêu thị ấy chấp hành đúng các quy định và lúc nào cũng giữ uy tín với khách hàng”.

Trong hoàn cảnh này, sẽ không còn cách nào khác là người tiêu dùng phải gồng mình phó mặc số phận cho… hoàn cảnh và không còn đặt niềm tin tiêu dùng vào bất cứ nơi đâu!

Nguyễn Anh