Shell khai thác mỏ dầu dưới nước sâu nhất thế giới

07:30 | 15/09/2016

1,083 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với hàng tỉ đôla đầu tư suốt 3 năm qua, Hãng dầu Hoàng gia Hà Lan (Shell) đã được đón dòng dầu đầu tiên khai thác tại mỏ Stones - mỏ dầu và khí đốt dưới nước sâu nhất thế giới hiện nay, nhờ những tiến bộ trong công nghệ khai thác dầu khí ở vùng nước sâu và sự quyết tâm đến cùng trong bối cảnh giá dầu xuống thấp.
shell khai thac mo dau duoi nuoc sau nhat the gioi
Tàu FPSO Turritella của Shell hiện là tàu FPSO lớn nhất thế giới

Mỏ Stones được phát hiện vào năm 2005, nằm sâu 30.000ft dưới bề mặt nước biển ở Vịnh Mexico, sâu hơn nhiều so với triển vọng Macondo, nơi cách đây 6 năm, giàn khoan Deepwater Horizon của BP bị nổ và chìm, giết chết 11 công nhân và gây ra thảm họa môi trường. Stones là mỏ đang khai thác của Shell thuộc Hạ địa tầng thứ Ba (Lower Tertiary) ở Vịnh Mexico, sau Perdido.

Shell bắt đầu dự án tốn kém này trong năm 2013, 3 năm sau vụ giàn khoan BP bị nổ và 2 năm sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, 2/3 trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đã được kiểm chứng sẽ cần phải ở lại mặt đất để ngăn chặn nguy cơ trái đất nóng lên 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó, dự án Stones đã phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ các nhà hoạt động biến đổi khí hậu. Ngay cả Giám đốc điều hành của Shell, ông Van Beurden cũng phải lặp đi lặp lại các cam kết về việc sẽ phải đảm bảo yếu tố môi trường trong dự án này. Hồi tháng 5-2016, ông khẳng định: “Sự thành công lâu dài của Shell phụ thuộc vào khả năng dự đoán các loại năng lượng mà mọi người sẽ cần trong tương lai theo một cách đảm bảo được cả cạnh tranh thương mại và bảo vệ môi trường”. Ông cũng từng nhiều lần tuyên bố Shell nên đóng một vai trò trong hành động chung của thế giới nhằm chấm dứt hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Từ năm 2014, Shell càng khó khăn hơn do giá dầu thấp và áp lực gia tăng từ các nhà hoạt động biến đổi khí hậu. Shell đã rút lui khỏi một số dự án khai thác đắt nhất của họ. Vào mùa thu năm ngoái, Shell đã rút lui khỏi hoạt động khoan dầu ở Alaska và một dự án cát hắc ín ở Alberta, Canada. Tháng 6-2016, Shell tuyên bố sẽ bán đi 10% tài sản và cắt giảm 12.000 lao động nhằm giảm chi phí hoạt động và tăng tiết kiệm trong bối cảnh giá dầu thấp.Tập đoàn đang hiện diện trên 70 quốc gia này cho biết rằng sẽ chỉ tập trung vào 13 thị trường trọng điểm nơi mang lại nhiều lợi nhuận, bao gồm Brazil, Australia và Mỹ. Cùng với tuyên bố rút khỏi các thị trường trên, Shell cũng công bố chiến lược sau khi hoàn tất hợp đồng thâu tóm BG hồi tháng 2 - 2016 là sẽ chi tiêu từ 25 tỉ USD đến 30 tỉ USD mỗi năm từ nay đến cuối thập niên này, nếu như giá dầu vẫn ở mức dưới 50USD/thùng. Tập đoàn này cũng phải hạ mức chi phí cho năm 2016 xuống còn 29 tỉ USD, trong đó có 2,5 tỉ USD dành cho hoạt động thăm dò, so với mức dự kiến 35 tỉ USD trước đó. Đồng thời Shell cũng đưa mục tiêu tiết kiệm lên 4,5 tỉ USD, tăng cao hơn 1 tỉ USD so với trước đó. Điều đáng nói là nguồn tiết kiệm chính lại đến từ việc cắt giảm 12.500 lao động trong năm nay.

Nhưng Shell vẫn tuyên bố với các cổ đông của mình rằng, họ sẽ tiếp tục chi mạnh tay vào các dự án nước sâu tiên phong, nơi sẽ cung cấp một nguồn chính của tăng trưởng trong tương lai. Shell đã dự báo, sản lượng khai thác dầu khí ở vùng nước sâu của hãng (hiện nay là khoảng 600.000 thùng dầu/ngày) sẽ tăng lên tương đương với hơn 900.000 thùng dầu/ngày vào đầu những năm 2020 từ các mỏ đã được phát hiện. Ngoài Stones, các dự án lớn là hãng đang triển khai thực hiện là Coulomb giai đoạn 2, Appomattox ở Vịnh Mexico và Malikai ngoài khơi bờ biển của Malaysia.

Shell tự tin rằng, sự phát triển chuyên môn trong việc sử dụng công nghệ theo cách thức sáng tạo sẽ giúp hãng mở khóa các tài nguyên nước sâu hơn trên thế giới.

Tại Stones, dầu và khí đốt được bơm từ một số điểm dưới đáy biển thông qua đường ống riser linh hoạt vào một tàu FPSO (tàu khai thác, chứa và xuất dầu nổi ngoài khơi) có tên là Turritella, kết hợp một phao có thể tháo rời nặng 3.150 tấn. Trong trường hợp có bão lớn, tàu FPSO được thiết kế đặc biệt này có thể ngừng khai thác, ngắt kết nối và di chuyển an toàn khỏi các đường ống riser và phao. Khi thời tiết thuận lợi, tàu sẽ quay trở lại và tiếp tục sản xuất một cách an toàn.

Sản lượng khai thác dầu khí ở mỏ Stones sẽ tương đương với khoảng 50.000 thùng dầu/ngày khi đạt mức đỉnh vào cuối năm 2017.

Nhờ thành công của Dự án Stones, Giám đốc điều hành của Shell, ông Van Beurden dự kiến sẽ được tăng lương hằng năm theo thỏa thuận thưởng gây tranh cãi với hãng này.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm ngoái, Shell đã nhấn mạnh rằng, 10% số tiền thưởng của Van Beurden được gắn với thực hiện mục tiêu phát triển “bền vững” của hãng, căn cứ trên lượng năng lượng, khối lượng dầu tràn và nước sử dụng. 20% số tiền thưởng của Van Beurden phụ thuộc vào việc cung cấp của các dự án lớn mới, chẳng hạn như Stones. Hơn 30% tiền thưởng có liên quan đến khả năng tạo ra tiền mặt của hãng và 12% tiền thưởng phụ thuộc vào khối lượng sản xuất.

Linh Phương

Năng lượng Mới 557

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc