Scotland muốn rời khỏi Liên hiệp Anh

08:15 | 18/03/2017

1,081 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Scotland vừa thông báo một cuộc trưng cầu dân ý mới về khả năng tách khỏi Vương quốc Anh vào giữa mùa thu năm 2018.
scotland muon roi khoi lien hiep anh
Thủ tướng Nicola Sturgeon thông báo tiến hành trưng cầu dân ý về khả năng rời Liên hiệp Anh

EU hay Anh? Đây là một lựa chọn tiến thoái lưỡng nan của 5 triệu người dân Scotland. Hôm 13/3, nữ Thủ tướng Nicola Sturgeon đã bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu mới để tách ra khỏi Anh trước khi nước này rời EU. Bà hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận của Quốc hội Scotland vào tuần tới để kịp tổ chức cuộc trưng cầu vào giữa mùa thu năm 2018.

Scotland là một trong 4 quốc gia (Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland) thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, thường gọi tắt là Vương quốc Anh hoặc Anh Quốc.

Theo bà Sturgeon, nếu người dân Scotland cứ mãi lo sợ về ngày Anh rời khỏi EU mà không có hành động cụ thể nào thì sẽ quá trễ, Scotland cần chọn cho mình một con đường đi khác. Từ đó cho thấy, quan điểm của bà Sturgeon hoàn toàn đối lập với nữ Thủ tướng Anh Theresa May, người luôn muốn Brexit diễn ra càng sớm càng tốt.

Bà Sturgeon hiện tiến hành cùng lúc hai cuộc đối thoại, một với Thủ tướng Theresa May và một với EU.

Ngày 13/3 vừa qua, Quốc hội Anh đã kết thúc rà soát lại Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon (quy định về cách thức một nước thành viên sẽ rời khỏi EU như thế nào) để chính thức trình lên Hội đồng châu Âu tại Brussels vào tháng 3/2019.

62% người dân Scotland bỏ phiếu phản đối Brexit

Ngay sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ngày 24/6/2016, bà Sturgeon cho rằng nhiều khả năng người dân Scotland sẽ chọn con đường độc lập mặc dù kết quả cuộc thăm dò vào tháng 9/2014 cho thấy 55% người dân Scotland muốn ở lại với Liên hiệp Anh. Trong cuộc trưng cầu tháng 6/2016, 62% người dân Scotland phản đối rời EU, trái ngược với 52% người dân Anh.

Kể từ đó, bà Sturgeon luôn tìm kiếm sự "thỏa hiệp" của Thủ tướng May về Brexit nhưng không thu được kết quả, bởi vì bà May vẫn khăng khăng lập trường rằng toàn bộ Liên hiệp Anh phải rời EU. Thái độ này làm cho Scotland cảm thấy bị bẽ mặt. Bà Sturgeon chia sẻ: "Tôi là Thủ tướng Scotland và tôi không biết khi nào Điều 50 được thông qua, ngày mai, ngày kia, tuần tới hay còn xa nữa. Điều này cho thấy chúng tôi chịu sự sắp đặt của chính phủ Anh".

Đầu tuần này, Thủ tướng Anh lần nữa nhắc lại mục đích để đàm phán Brexit là vì "lợi ích chung cho tất cả các nước trong Vương quốc Anh". Người phát ngôn của chính phủ Anh cũng cho biết nếu tiến hành một cuộc trưng cầu khác nữa sẽ tạo ra chia rẽ và bất ổn kinh tế.

48% - 50% người Scotland ủng hộ nền độc lập

Theo một cuộc khảo sát gần đây, nếu Scotland gắng gượng tiến hành bỏ phiếu để quyết định vận mệnh của mình thì sẽ có 48% - 50% người dân đồng thuận rời khỏi Liên hiệp Anh.

Vấn đề đặt ra là bà Theresa May sẽ có phản ứng như thế nào với nguy cơ xảy ra chia tách. Để có thể tổ chức trưng cầu thì Scotland cần có sự cho phép của chính quyền London, nhưng nếu bà từ chối thì sẽ làm kích động đến chủ nghĩa dân tộc của người dân Scotland, từ đó có thể gây ra phản ứng quá khích. Đây là một quyết định khó khăn. Bà May đang cố gắng tránh xảy ra xung đột trong đàm phán Brexit và đồng thời ngăn cản sự ra đi của Scotland. Vì vậy, biện pháp tối ưu lúc này là trì hoãn cuộc trưng cầu của Scotland.

Giả sử, khi đã giành được độc lập thì Scotland còn có thể làm thành viên EU nữa không? Bà Nicola Sturgeon tỏ ra tin tưởng vào sự chấp thuận đến từ 27 nước thành viên. Nhưng chẳng có gì là đảm bảo. Mặc dù Scotland muốn đứng ra phản đối Brexit và ủng hộ EU nhưng Hội đồng EU dường như không thích những hành động ly khai.

Th.Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc