Sao nhí nổi tiếng sớm: Được & mất

20:35 | 22/11/2017

2,348 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trường hợp “chín ép” của Xuân Mai - ngôi sao ca nhạc thiếu nhi một thời đã trở thành một ví dụ điển hình về nổi tiếng quá sớm. Tương tự, Á quân cuộc thi “The Voice Kids” Phương Mỹ Chi từng bị nhà trường nhắc nhở vì bỏ học quá nhiều...

Góc nhìn tích cực

sao nhi noi tieng som duoc mat
Trẻ em nổi tiếng quá sớm là nên hay không nên vẫn đang là đề tài tranh cãi gay gắt giữa các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý và các bậc cha mẹ

Hiện nay, trẻ em nổi tiếng quá sớm vẫn đang là đề tài tranh cãi gay gắt giữa các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý và các bậc cha mẹ. Những người trong cuộc nhìn nhận như thế nào về vấn đề này? Phần lớn các sao từng cho con tham gia "Bố ơi mình đi đâu thế" phiên bản Việt đều khẳng định khía cạnh tích cực của chương trình. MC Phan Anh cho rằng, việc con được chú ý hơn cũng là một cơ hội để vợ chồng anh giáo dục, dạy con cách đối nhân xử thế, biết trân trọng tình cảm của mọi người. Anh tin qua đó, con gái nhận ra nhiều bài học.

Cựu người mẫu Thúy Hạnh cũng đồng tình: Sau khi tham gia "Bố ơi, mình đi đâu thế?" mùa 2, con gái chị trưởng thành, tự lập, can đảm hơn. Khi về nhà, bé làm được nhiều việc chưa từng làm khiến chị ngạc nhiên. Chị cho biết thêm, hiện tại con gái mình được biết tới nhiều hơn nhưng hai vợ chồng luôn dặn nếu ai xin chụp ảnh thì bởi họ yêu con chứ không phải vì con nổi tiếng.

Đành rằng, nhiều bậc cha mẹ khẳng định, họ cho con tham gia show thực tế là để các bé có dịp tương tác với nhiều bạn bè đồng lứa, có dịp phát triển kỹ năng của bản thân. Tuy nhiên, bảo vệ cho quan điểm của mình, các chuyên gia cho rằng, một chương trình truyền hình thực tế mà ngay khi bước vào trẻ đã bị “nhồi nhét” tâm lý “phải thắng bằng mọi giá” thì không thể tránh được việc trẻ bị sang chấn tâm lý khi không được giải thưởng gì hoặc bị loại khỏi cuộc chơi từ sớm.

Trẻ em cần được bảo vệ

Các show truyền hình trong nước có sự tham gia của trẻ em diễn ra quá ồn ào trong khoảng vài năm trở lại đây như “Giọng hát Việt nhí”, “Chung sức Kids”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”... Ngoài ra, trong một số show truyền hình khác cũng xuất hiện các thí sinh nhí như “Tìm kiếm tài năng Việt”, “Thách thức danh hài”... Câu hỏi chung được đặt ra lúc này: Ai là người bảo vệ và che chở trẻ em một cách đúng đắn và toàn diện nhất? Thực tế là không phải bậc cha mẹ nào cũng đủ hiểu biết để bảo vệ con cái mình.

Theo một chuyên gia giáo dục, phần lớn các em sẽ háo hức khi chuẩn bị tham gia show truyền hình thực tế, cảm thấy mệt mỏi khi chịu đựng áp lực của các cuộc thi, vui mừng sung sướng khi thắng và sau đó là tự mãn, tự kiêu đến mức khó kiểm soát và không vâng lời bố mẹ nữa. Còn nếu thất bại thì sẽ buồn, tủi thân và có thể cả xấu hổ, thu mình lại... Chẳng phải tự nhiên mà gần đây, một số quốc gia vừa ban hành lệnh cấm trẻ em tham gia các show truyền hình tìm kiếm tài năng nhí. “Bố ơi, mình đi đâu thế” ở Trung Quốc cũng đã ngừng sản xuất. Theo Tổng cục Điện ảnh nước này lý giải thì trẻ em bị xâm phạm đến quyền riêng tư, bị khai thác hình ảnh quá đà vì mục đích thương mại, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý khi tham gia các gameshow truyền hình. Mặc dù mang tính giải trí, vui chơi đơn thuần, nhưng trên thực tế, đằng sau ống kính, các em cũng bị yêu cầu thực hiện các cảnh quay chuyên nghiệp như người lớn.

sao nhi noi tieng som duoc mat
Những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển luôn quy định chặt chẽ về việc bảo vệ trẻ em

Chuyên gia cho biết, với những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, họ luôn có những quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc bảo vệ trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình. Trong đó, nhiều nước xem trẻ em như một đối tượng lao động đặc biệt, cần được quan tâm và bảo vệ. Và các chuyên gia về văn hóa sẽ có trách nhiệm đảm bảo các phần biểu diễn của các bé là văn hóa, mang tính dân tộc, gần với sự hồn nhiên của lứa tuổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự xuất hiện của hàng loạt chương trình phiên bản nhí, bên cạnh việc nâng cánh để phát triển tài năng thì cũng khiến các em bị rơi vào guồng quay giải trí quá sớm, ảnh hưởng đến việc học tập và tâm lý tuổi mới lớn. Cụ thể, các đơn vị sản xuất truyền hình muốn mời trẻ em tham gia các chương trình thực tế thì phải hạn chế khung giờ làm việc của trẻ em trong ngày và phải tôn trọng thời gian đi học của các em.

Đối với trẻ vị thành niên phải có ý kiến của người bảo hộ (tức bố mẹ hoặc người thân). Các trẻ em tham gia đều được quyền giữ kín các thông tin cá nhân hoặc đời sống riêng tư. Ngoài ra, tất cả đều được mua bảo hiểm (thân thể và tinh thần) đề phòng các tình huống rủi ro trong quá trình tham gia chương trình.

Chưa bao giờ các show truyền hình thực tế, các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí bùng nổ như hiện nay. Điều này chứng tỏ các kênh giải trí lành mạnh dành cho trẻ em ngày càng phong phú, nhưng mặt khác, các nhà giáo dục tỏ ra lo ngại, nổi tiếng quá sớm cũng như việc phải chịu áp lực trước dư luận sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tuổi thơ cũng như sự phát triển tự nhiên của các em.

Góc khuất của ngành giải trí, sức ép, sự soi mói quá mức từ người hâm mộ, sự cầu toàn của bản thân, những thị phi từ trên trời rơi xuống… dễ đẩy nghệ sĩ nhí rơi vào trạng thái trầm cảm. Bên cạnh đó, việc nổi tiếng quá sớm sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống hàng ngày. Dù không thẳng thắn thừa nhận, nhưng các ông bố bà mẹ từng cho con tham gia show truyền hình thực tế có lẽ không thể phủ nhận sự nổi tiếng đã ít nhiều làm phiền con cái họ. Ranh giới được và mất khi để con nổi tiếng sớm dường như quá mong manh.

Sự xuất hiện của hàng loạt chương trình phiên bản nhí, bên cạnh việc nâng cánh để phát triển tài năng thì cũng khiến các em bị rơi vào guồng quay giải trí quá sớm, ảnh hưởng đến việc học tập và tâm lý tuổi mới lớn.

Vũ Quang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.