Câu chuyện bản quyền ở nước ngoài:

Sáng tạo và đạo văn

15:16 | 25/10/2015

1,074 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề chôm chỉa thơ văn, âm nhạc hoặc tác phẩm nghệ thuật nói chung không bao giờ ngừng nghỉ. Xem lại vài trường hợp nổi tiếng thế giới để hiểu hơn về hoạt động này cũng như vấn đề bản quyền và kinh nghiệm bảo vệ bản quyền.

Câu chuyện của “Mật mã Da Vinci”

Trong phiên xử ngày 10-3-2006, nguyên đơn Richard Leigh vác đến tòa một thùng bằng chứng và cùng đồng nguyên đơn Michael Baigent khẳng định chắc nịch rằng, Dan Brown đã ăn cắp ý tưởng của họ (trong quyển “The Holy Blood and the Holy Grail” ấn hành năm 1982), khi viết “The Da Vinci Code” (đã được dịch sang trên 40 ngôn ngữ). Sau khi tiến trình kiểm tra chéo kết thúc, Chánh án Peter Smith (Tòa London) khép lại tuần thứ hai của vụ xử với lời phán: Một nhân vật trong “The Da Vinci Code” đúng là có liên quan đến nhân vật trong “The Holy Blood and the Holy Grail”. Tên nhân vật, Sir Leigh Teabing, chính là tên ghép đảo chữ của hai tác giả Leigh và Baigent.

sang tao va dao van

Nếu “The Da Vinci Code” không trở thành một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại và tác giả Dan Brown không trở thành một trong những nhà văn được trả nhuận bút cao nhất thế giới (kiếm 78 triệu USD chỉ riêng năm 2005), vụ kiện hẳn đã không xảy ra. Dan Brown nói rằng mình viết “The Da Vinci Code” sau khi cùng vợ (Blythe) ngày đêm nghiên cứu nhiều sách tôn giáo cũng như tiểu thuyết liên quan tại nhà riêng (Exeter, New Hampshire). Trong biên bản khai trình, Brown đã liệt kê “The Holy Blood and the Holy Grail” cùng 38 quyển sách khác cũng như hơn 300 tài liệu được sử dụng nghiên cứu khi viết “The Da Vinci Code”). Vấn đề ở chỗ, một phần cốt truyện trong “The Da Vinci Code” cũng na ná “The Holy Blood and the Holy Grail” và như vậy liệu có thể được xem là đạo vănhay không.

Trong bài viết trên Slate Magazine, Tim Wu (Giáo sư Đại học Luật Columbia) đã chỉ ra một số luận điểm. Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật bản quyền - theo Tim Wu - là người ta không thể sao chép sự thật - sự kiện lịch sử, dù có thể sở hữu cách trình bày - diễn đạt những sự thật - sự kiện trên. Chẳng hạn, nếu bạn là người viết bài báo đầu tiên nói rằng Tổng thống John F. Kennedy bị bệnh Addison's (một sự thật) và nếu luật nói rằng bạn sở hữu sự thật đó, gần như bất cứ ai muốn viết về cuộc đời John F. Kennedy hoặc bệnh tình vị tổng thống này đều phải xin phép bạn (nói cách khác, cái mà Tim Wu gọi là “sự thật” có thể được hiểu là một khám phá từ nghiên cứu riêng của người viết và nó đáng được bảo vệ về mặt bản quyền).

Với hai nguyên đơn Richard Leigh - Michael Baigent trong vụ kiện “The Da Vinci Code”, họ nói rằng, vấn đề không chỉ Dan Brown nhắc lại một hoặc vài lần chi tiết sự kiện trong “The Holy Blood and the Holy Grail” mà là đánh cắp cốt truyện, vốn cần nhiều nỗ lực trong nghiên cứu và soạn viết của mình (mất đến 10 năm). Cần nói thêm, khi “The Holy Blood and the Holy Grail” ra mắt (1982), tuần báo Newsweek từng viết rằng, cốt truyện quyển sách “có tất cả yếu tố của một tiểu thuyết hấp dẫn quốc tế” - một dự báo về khả năng “The Holy Blood and the Holy Grail” có thể bị sao chép ý tưởng, hình thức này hoặc hình thức khác.

Trong lịch sử kiện bản quyền Mỹ, có không ít vụ tương tự “The Da Vinci Code” và hầu hết đơn kiện đều thua. Hãng Universal từng sản xuất bộ phim “The Hindenburg”, dựa trên cốt truyện một người đánh bom con tàu Hindenburg, lấy ý tưởng từ quyển “Who Destroyed the Hindenburg?” (1962) của A. A. Hoehling. Thập niên 80 của thế kỷ trước, Hãng CBS sản xuất một tập trong bộ phim truyền hình “Simon & Simon” lấy ý tưởng rằng, tên giang hồ lừng danh John Dillinger ngụy tạo cái chết của mình. Ý tưởng trên không thuộc nhóm kịch tác gia CBS mà là từ giả thuyết được nêu trong quyển “Dillinger: Dead or Alive?” của Jay Robert Nash. Thế là gõ cửa pháp đình và sau khi các bên liên quan vác chiếu ra tòa, cuối cùng tòa phán cáo buộc nhằm vào Universal lẫn CBS đều không đủ cơ sở.

Vướng mắc trong luật tác quyền

Nhìn chung, luật bản quyền chỉ nhằm đến các thao tác “cắt - dán” (thuật từ trong văn bản máy tính), tức ăn cắp một cách trắng trợn và lộ liễu, chứ không đề cập nhiều đến việc trùng ý tưởng diễn đạt, khái niệm, sự thật hoặc thông tin lịch sử. “Ý tưởng không được bảo vệ trong luật Anh” - phát biểu của chuyên gia bản quyền Robin Fry thuộc Hãng luật Beachcroft Wansbroughs (London) - “Sự ngược đời ở đây là nếu ai chôm một đoạn trong quyển sách 600 trang của bạn thì đó là hành động vi phạm bản quyền nhưng nếu ai đó lấy cắp toàn bộ cốt lõi cơ bản của quyển sách thì đó không hề bị qui kết vi phạm bản quyền”. Luật sư nhà xuất bản Random House (nơi ấn hành “The Da Vinci Code”), John Baldwin, cho rằng hai tác giả “The Holy Blood and the Holy Grail” đang cố “độc quyền các ý tưởng mang tính phổ quát và chúng không hề được bảo vệ bằng luật bản quyền”.

Một số chuyên gia cũng đồng ý tương tự. “Họ (Leigh-Baigent) nghiên cứu cho tác phẩm mình và nói rằng đó là những sự thật” - nhận xét từ Lorna Brazell, luật sư bản quyền thuộc hãng luật quốc tế Bird and Bird - “Vấn đề ở chỗ sự thật là một thông tin thuộc phạm vi công chúng, có thể được bất kỳ ai tiếp cận và muốn sử dụng cho mục đích sáng tạo”. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, trong một số vụ kiện, nguyên đơn có thể thắng. Năm 1980, tòa đã xử thắng Trevor Ravenscroft, khi ông kiện James Herbert tội sao chép ngôn ngữ, nhân vật và tình tiết câu chuyện từ tác phẩm “The Spear of Destiny” của mình.

Trong ảnh hưởng của văn hóa sao chép

Năm 2004, cây bút tự do Glynn Wilson lên tiếng việc nhà viết tiểu sử Kitty Kelley đã chôm chỉa bài báo của mình trong quyển về gia đình George W. Bush (“The Family: The Real Story of the Bush Dynasty”, NXB Random House phát hành ngày 14-9-2004). Kitty Kelley không là gương mặt vô danh, từng có tên tuổi với hai quyển “Nancy Reagan - The Unauthorized Biography” và “His Way - An Unauthorized Biography Of Frank Sinatra”. Đoạn được Wilson tin rằng Kelly lấy của cô nằm trong một bài báo 4.000 từ đăng trên “Southerner Daily News” (Wilson đòi bồi thường 5 triệu USD)…

Thí dụ này cho thấy vấn đề bản quyền luôn là quan tâm thời sự, đặc biệt trong thời Internet, khi một số người nghĩ rằng họ có thể xào nấu lại chất xám những tên tuổi “khuyết danh” khác). Theo từ điển “Macquarie”, từ plagiarism có nguồn gốc từ chữ Latinh plagiarius - có nghĩa “kẻ lừa phỉnh và bắt cóc trẻ con hoặc nô lệ của người khác”. Nói cách khác, plagiarism trong tiếng Anh hoặc “đạo văn, đạo nhạc, đạo ý tưởng…” trong tiếng Việt đều là hành vi ăn cắp cả. Lấy một ít hoặc lấy trọn bản gốc (không chua nguồn) đều được xem là hành động đáng xấu hổ ngang nhau.

Cây bút Simon Caterson đã kể lại vụ ăn cắp chất xám mang tính scandal nhất nước Australia liên quan ngài Hiệu phó Đại học Monash, David Robinson, khiến cuối cùng ngài phải giũ áo từ chức. Năm 2002, tại Mỹ, Doris K. Goodwin cũng bị yêu cầu từ chức khỏi Ủy ban Giải báo chí - văn học Pulitzer bởi tội đạo văn. Trong giới báo chí, vụ ăn cắp sáng tạo om sòm cách đây vài năm là vụ liên quan phóng viên New York Times Jayson Blair (dẫn đến loạt tranh luận và hội thảo kéo dài nhiều tháng về đạo đức báo chí Mỹ). Liên quan chính trị, như Joshua Green viết trên “The Atlantic Monthly”, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Biden từng bị quy kết chôm chỉa vài đoạn đắc ý trong diễn văn của thủ lĩnh Công đảng Anh Neil Kinnock.

Và trong làng văn nghệ Mỹ, cây bút bình luận nghệ thuật tên tuổi của tuần báo Time, Robert Hughes, cũng bị quy kết chôm chỉa từ tay tổ bình luận nghệ thuật Patricia MacDonald. Tính phức tạp của bản quyền còn thể hiện ở vài trường hợp khá đặc biệt. Theo Malcolm Gladwell viết trên “The New Yorker”, vở “Frozen” diễn trên sân khấu Broadway đã bị quy kết ăn cắp ý tưởng từ bác sĩ tâm thần Mỹ Dorothy Lewis. Từng nghiên cứu tội phạm giết người hàng loạt trong 25 năm, Lewis cùng nhà thần kinh học Jonathan Pincus đã viết nhiều bài báo về đề tài liên quan; năm 1998, bà tung ra quyển “Guilty by Reason of Insanity”; và “Frozen” chính là thể hiện (một phần) bằng ngôn ngữ kịch từ quyển sách trên…

Trong âm nhạc, bản quyền được xét khi người ta có tôn trọng tác giả gốc khi “cover” (hát/chơi lại) hay không (thể hiện ở việc đề tên sau khi thương lượng và được đồng ý của tác giả gốc). Việc xin phép sử dụng đoạn ngắn trong bản gốc thậm chí cũng phải xin phép. Làng nhạc Mỹ từng có vô số vụ kiện loại này, chẳng hạn trường hợp một đoạn ngắn vỏn vẹn 6 giây trong ca khúc “Pass the Mic” của Beastie Boys từng bị kiện tội chôm chỉa từ Choir của nhạc sĩ jazz James Newton; hoặc nhà soạn nhạc trứ danh Andrew Lloyd Webber bị Ray Repp kiện tội sử dụng vài tiết tấu “Till You” của mình cho “Phantom Song” (trong nhạc kịch “The Phantom of the Opera”) của Webber.

Không phải tự nhiên mà Tiến sĩ Hillel Schwartz - một trong những sử gia văn hóa hàng đầu Mỹ - nói rằng: “Chúng ta đang sống trong nền văn hóa sao chép - the culture of the copy”. Việc sử dụng từ “văn hóa” của Schwartz đã cho thấy tính mỉa mai chua chát của dịch ăn cắp ý tưởng tràn lan, khi bản thân khái niệm “văn hóa” được hiểu là “trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh” (Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học 1997); hoặc được định nghĩa (bắt đầu từ năm 2000) theo Cơ quan Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) rằng nó là “tập hợp những đặc điểm tình cảm, tri thức, vật chất và tâm hồn của xã hội hay một nhóm xã hội”. Tính “văn hóa” ở sự hình thành thói quen sao chép đã phổ biến và bùng nổ song song cùng đà phát triển Internet.

Hơn nữa, vấn đề ở chỗ - như tranh luận chưa ngã ngũ nhiều thập niên qua - người ta luôn xem hành vi ăn cắp một sản phẩm vật chất là tội phạm nhưng lại không nhìn nhận theo cùng cách cho hành vi ăn cắp sản phẩm tinh thần (chưa có “đạo sĩ” - chuyên gia chôm chỉa - nào bị xử tù cả!). Điều này có nghĩa xã hội chưa thật sự chấp nhận khai trừ thành phần “đạo” khỏi đời sống văn hóa; và phần mình, cơ quan chức năng cũng không có bộ luật riêng biệt và cụ thể (thậm chí đối với nhiều nước phương Tây) cho trường hợp đã xác định rõ hành vi vi phạm (chẳng hạn kêu gọi tẩy chay hoặc nghiêm cấm bán sản phẩm luộc trên thị trường). Dù thế nào, một văn sĩ hoặc nghệ sĩ đàng hoàng không thể tồn tại nếu không đủ liêm sỉ và ham muốn nổi tiếng bằng hành vi ăn cắp.

Mạnh Kim

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc