Sân khấu trong cơn “bĩ cực”

16:54 | 12/08/2017

1,481 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sân khấu Việt đang cơn “bĩ cực” chưa biết hồi nào sẽ “thái lai”, bởi khó thu hút được khán giả và phải chật vật lắm mới có thể... sáng đèn.

Đói khán giả

Câu chuyện “đói” khán giả ở nhiều sân khấu kịch khu vực phía Nam như IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B, Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới… đang khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng. Bởi từ trước tới nay, miền Nam, đặc biệt là TP HCM, vẫn luôn được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho nghệ thuật sân khấu nói chung và kịch nói riêng.

Sân khấu phía Nam gặp lúc khó khăn, sân khấu phía Bắc lại càng “bi đát” hơn. Trong hội thảo “Sân khấu Thủ đô với khán giả hôm nay” được tổ chức vào ngày 12-7 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội - PGS.TS Trần Trí Trắc - nhận định, thực trạng “vắng khán giả” là một vấn đề nổi trội của hoạt động sân khấu nghệ thuật.

san khau trong con bi cuc
Một cảnh trong vở “Bỉ vỏ” của Nhà hát Kịch Việt Nam

Hiện nay, các hình thức tiếp cận đều mang tính chất manh mún, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp và khó đạt được những tác phẩm cho giá trị tư tưởng nghệ thuật đỉnh cao. Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, NSND Thanh Trầm cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sân khấu thủ đô chưa hấp dẫn khán giả là kịch bản sân khấu vẫn chưa đáp ứng và theo kịp thời đại, chỉ đề cập đến những vấn đề vụn vặt mà không dám phản ánh những mâu thuẫn lớn trong xã hội nên không đủ sức thu phục công chúng. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ biểu diễn còn chưa tạo được dấu ấn. Ngoài ra, sự đầu tư dài hơi cho các kịch bản sân khấu xuất sắc còn hạn chế, chế độ đãi ngộ với văn nghệ sĩ còn chưa theo kịp được nhu cầu của cuộc sống.

NSƯT Lê Chức: “Lớp nghệ sĩ chúng tôi trước kia tuy hoạt động trong điều kiện chiến tranh và cả sự nghèo khó về kinh tế, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất là khán giả luôn chờ đón. Hôm nay lớp diễn viên trẻ của sân khấu kịch được đào tạo bài bản, có điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhưng lại thiếu đi thứ hạnh phúc lớn nhất đó”.

Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh từng thốt lên: “Bao năm nay, chúng tôi không có địa điểm để diễn nên nhiều vở kịch đã dựng nhưng không thể diễn thường xuyên. Nhà hát kịch từng có địa điểm là Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng sau đó bị thu hồi, trong khi sân khấu tại Nhà hát Kịch Việt Nam quá nhỏ, sức chứa chưa đến 400 chỗ ngồi, mỗi tối bán hết vé cũng chỉ thu về 10 triệu đồng. Con số này rõ ràng khiêm tốn, không đủ bồi dưỡng cho diễn viên, chứ đừng nói ê-kíp đằng sau như âm thanh, ánh sáng, họa sĩ…”.

Là một trong những sàn kịch hiếm hoi “sáng đèn” ở phía Bắc, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức. NSƯT Chí Trung vốn được tiếng là một “ông bầu” tinh nhanh và nhạy cảm của Nhà hát Tuổi trẻ cũng đầy ưu tư: “Bức tranh sân khấu Việt Nam chỉ có vài đốm sáng lẻ loi, tưởng rất tưng bừng mà cũng rất tù mù. Muốn đầu tư sân khấu quốc doanh thì thay bóng đèn và tăng thêm điện. Còn không, rút hết nguồn điện bao cấp ra để mạnh ai nấy sáng”.

Vực nhà hát dậy

Với quan điểm “tiếp cận khán giả hôm nay - phát triển nhà hát tương lai”, NSND Trung Hiếu chia sẻ: “Nhà hát Kịch Hà Nội xác định đây là vấn đề cốt lõi có tác động đến quá trình phát triển bền vững nhà hát. Trong bối cảnh thị trường, xu thế hội nhập hiện nay, để các chương trình, các vở diễn hay chính thương hiệu nhà hát nổi bật, có sức cạnh tranh, được công chúng yêu mến đón nhận đòi hỏi công tác tổ chức biểu diễn phải được xây dựng và triển khai một cách chuyên nghiệp. Nhà hát đã thực hiện giới thiệu chương trình, vở diễn qua website, facebook, bán vé qua điện thoại di động chuyên biệt… Cùng với đó, trong thời gian tới, nhà hát tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu thị trường, tăng cường đội ngũ làm công tác tổ chức biểu diễn, tổ chức giao lưu nghệ sĩ với khán giả…”.

Với Nhà hát Tuổi trẻ, trong bối cảnh khán giả mất thói quen mua vé, ban lãnh đạo nhà hát đã tự tiếp cận với đối tác là Ngân hàng SHB và Bảo hiểm BSH với nguồn tài trợ 2 tỉ đồng và sử dụng nguồn kinh phí này đầu tư cho những vở diễn xã hội hóa, đem tới cho khán giả các vở kịch có chất lượng với giá vé không thay đổi.

Để cuốn hút khán giả bỏ tiền mua vé đến rạp, cần phải lắng nghe nhu cầu của khán giả, đồng thời người làm sân khấu phải thay đổi tư duy trong lựa chọn kịch bản, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đổi mới cả hình thức và nội dung mà vẫn kế thừa được giá trị cốt lõi của nghệ thuật truyền thống. Phải tạo điều kiện hỗ trợ các nghệ sĩ đóng vai chính để họ phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, cũng như đánh giá đúng thứ hạng của nghệ sĩ.

Khán giả Việt quay lưng

Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội như Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Hà Nội năm nào cũng công diễn vở mới, chương trình mới. Nhưng khán giả đến rạp phần lớn là người nhận vé mời, việc tổ chức biểu diễn thường xuyên tại rạp rất khó khăn vì khán giả không mặn mà.

Ngay như với Nhà hát Múa rối Thăng Long - một đơn vị từng được sách Guiness châu Á ghi danh là nhà hát biểu diễn sáng đèn suốt 365 ngày trong năm nhưng cũng mang mối lo “thua trên sân nhà” khi khán giả Tây chiếm đến 95% mỗi suất diễn.

Khánh An