Sách thiếu nhi: Lượng tăng, chất giảm

08:00 | 03/02/2018

847 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các năm gần đây, thị trường sách thiếu nhi được coi là thị trường màu mỡ của nhiều đơn vị xuất bản, bởi nhu cầu thực tế khá lớn. Tuy nhiên, sự phát triển nở rộ của thị trường sách thiếu nhi đang dẫn đến nguy cơ “lượng tăng, chất giảm”.

Tái bản 9 lần vẫn... sai

Vừa qua, cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa bị Cục Xuất bản, In và Phát hành “tuýt còi” vì phản ứng của dư luận. Cụ thể, cuốn truyện tranh “Anh hùng Héc-quyn” thuộc bộ sách “Thần thoại Hy Lạp” do NXB Kim Đồng phát hành bị cho là có những tranh vẽ bạo lực, có nội dung “người lớn”, không phù hợp với trẻ em. Đáng ngạc nhiên là dù tái bản tới lần thứ 9, song cuốn truyện tranh này vẫn vấp phải những sai sót khó chấp nhận.

sach thieu nhi luong tang chat giam
Trẻ em chọn sách tại “Ngày sách Việt Nam năm 2017”

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa cho biết, năm 2015 Cục từng có văn bản yêu cầu NXB Kim Đồng đình chỉ phát hành bộ sách “Thần thoại Hy Lạp” nhằm thẩm định lại toàn bộ nội dung và bổ sung đối tượng đọc tại bìa 1 của cuốn sách.

Về phía NXB Kim Đồng, sau khi nhận được văn bản yêu cầu giải trình từ phía Cục Xuất bản ngày 19-1 đã có văn bản trả lời: “Vừa qua, NXB đã nhận được ý kiến đóng góp, phản ánh của độc giả qua báo chí về một số câu chữ, hình ảnh còn chưa thật sự phù hợp với độc giả Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp thu những nhận xét, góp ý quý báu của bạn đọc chỉnh lý, hoàn thiện bộ sách”.

Ai bảo vệ trẻ em?

Một điều đáng quan tâm, đó là sai sót của NXB Kim Đồng không phải là cá biệt trong thị trường xuất bản phẩm hiện nay. Trước đó, nhiều NXB khác đã từng bị Bộ Thông tin và Truyền thông “tuýt còi”, đình chỉ và thu hồi rất nhiều xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi có nội dung... “người lớn”.

Đơn cử như trong “Sự tích bánh chưng bánh dày”, Lang Liêu mơ thấy thần linh về báo mộng, bày cách làm món ăn từ hạt gạo để dâng vua cha được biến tấu thành cảnh Lang Liêu mơ thấy mình lạc vào cuộc thi “Vào bếp với người nổi tiếng”. Và sau đó đại hoàng tử bị ngộ độc thực phẩm vì những món ăn tự chế cốt để dâng vua... Hay sách thiếu nhi in hình cờ Trung Quốc trên cổng trường Việt Nam, những bài ca dao mang nội dung bạo lực, phản cảm và lỗi sai chính tả tràn lan, đếm không hết ...

Hiện cả nước có khoảng 20 NXB tham gia xuất bản sách dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng với khoảng 5.000 cuốn/năm (chiếm khoảng 17% tổng số sách toàn ngành), chủ yếu ở các thể loại: sách thiếu nhi; sách tham khảo học sinh; từ điển các loại; sách văn học; sách ứng xử, kỹ năng sống...

Theo mổ xẻ của giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ngành xuất bản đang bị lỗi của cả hệ thống. Từ khâu lựa chọn sách để mua bản quyền dịch đến việc thực hiện, biên tập rồi kiểm duyệt trước khi cấp phép in và sau khi nộp lưu chiểu đều không chặt chẽ, cẩn trọng nên dẫn tới những lỗi sai nghiêm trọng vẫn tràn lan.

Vậy thì, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi những ấn bản phẩm được cho là độc hại, "bẩn", "rác"… vẫn được xuất bản và bày bán trên thị trường? Phải chăng chỉ vì một phút lơ là, cẩu thả, thiếu sót về chuyên môn của bộ phận biên tập; cũng như sự tắc trách, không kiểm soát của bộ phận quản lý của các NXB mà người gánh hậu quả chỉ là những đứa trẻ ngây thơ?

Trong khi đó, Thông tư 09 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực từ 1-10-2017 đã quy định rõ, xuất bản phẩm phải có cảnh báo nếu không phù hợp với đối tượng trẻ em. Điều này để bảo vệ trẻ trước sự chồng chéo thông tin. Tuy nhiên, việc dán nhãn cảnh báo như thế nào, dường như vẫn chưa được mấy đơn vị xuất bản chú tâm thực hiện.

Có thể nói, làm sách cho trẻ em là một nghề không dễ dàng, đòi hỏi sự nghiêm túc, cẩn trọng từ khâu lựa chọn, biên tập, xuất bản... để có được sản phẩm chuẩn mực và đúng đắn. Có như vậy, sách mới thực sự là người bạn của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển trí tuệ, giáo dục thẩm mỹ và nhân cách làm người.

Đối với các NXB, việc xây dựng thương hiệu và uy tín đối với công chúng vốn đã là câu chuyện không dễ dàng, nhưng để giữ được hình ảnh của mình trong lòng bạn đọc càng khó hơn. Chính vì thế, không thể vì lợi nhuận mà thờ ơ, sự chểnh mảng... thậm chí là thiếu hụt về kỹ năng, kiến thức trong công tác xuất bản để cho ra đời những tác phẩm “rác” và độc hại. Bởi đối với trẻ con, đó có thể xem là tội ác.

TS Vũ Thu Hương - giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội:

“Mảng sách thiếu nhi luôn cần phải chỉn chu và chính xác đến từng câu từ. Bởi “trẻ con như tờ giấy trắng”, thường chưa có chính kiến, nên chúng ta dạy gì trẻ sẽ tin và làm theo. Nếu sách vở và người lớn dạy chúng sai, hay những điều xấu thì tư duy của trẻ cũng ít nhiều bị lệch lạc. Khi đó vấn đề không chỉ dừng ở trách nhiệm của người làm sách, mà đó là tội ác.

Nhà văn Lê Tấn Hiển:

“Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đây vẫn là một lỗi không thể chấp nhận được của những người làm sách, biên tập và cơ quan cấp phép. Có thể đó chỉ là đôi ba dòng hay một trang giấy, người lớn chúng ta đọc thì không thấy vấn đề gì, nhưng phải nhớ rằng, đây là sách dành cho thiếu nhi. Thử hỏi với những câu chữ gợi dục, nhạy cảm ấy, các em ở tuổi chưa hẳn người lớn, nhưng cũng không còn trẻ con nữa sẽ nghĩ đến chuyện gì? Và thực chất chuyện có "sạn" trên sách thiếu nhi trong vài năm trở lại đây đã không phải là việc mới lạ hay chưa từng xảy ra. Điều đó càng chứng tỏ, lâu nay công tác cấp phép, biên tập và quản lý ấn phẩm cực kỳ lỏng lẻo và tùy tiện!”.

K.An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.