Sách nhiều lỗi, tại ai?

07:13 | 27/08/2014

1,385 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những lỗi nghiêm trọng trong sách nói chung, đặc biệt là sách truyện dành cho thiếu nhi được phát hiện thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi giật mình lo ngại về chất lượng các ấn phẩm. Mặc dù các nhà chuyên môn đưa ra nhiều lý do để biện minh cho những lỗi tràn lan này nhưng dễ thấy một phần quan trọng là lỗi của chính các nhà xuất bản.

Năng lượng Mới số  351

Xin lỗi, rồi thu hồi

Theo thống kê số sách ngày càng tăng, xuất bản rầm rộ nhưng năm nào sách truyện cũng có sai sót trong khâu duyệt biên tập, có lỗi nhẹ, lỗi nặng và cả lỗi ngớ ngẩn, ngô nghê. Trong khi đó, một ấn phẩm được xuất bản phải tuân thủ quy trình từ người viết, người đọc duyệt, người biên tập, in ấn, phát hành… Nói chung để một quyển sách ra đời, người ta phải nâng lên đặt xuống qua bao nhiêu khâu, vậy mà vẫn xảy ra những sai sót thì những người có trách nhiệm ở nhà xuất bản (NXB) khó có thể bao biện.

Ðiểm danh nhanh, đây là những cuốn sách dành cho lứa tuổi mẫu giáo mầm non và học sinh tiểu học như: “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” (Công ty Văn hóa Hương Thủy và NXB Dân Trí), “Bé làm quen với chữ cái” (Công ty CP Dịch vụ Văn hóa Sư phạm và NXB Ðại học Sư phạm), “10 phút trước giờ cho bé đi ngủ” (tập 2: Bồi dưỡng tình cảm) và “Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ” (Công ty Ðinh Tỵ và NXB Mỹ thuật)… Những sách này đã in cờ Trung Quốc trong phần minh họa. Sau khi sách này tràn lan trên thị trường, độc giả đã phát hiện và lên tiếng phê phán.

Sách nhiều lỗi, tại ai?

Tuy nhiên, lỗi sai này còn xuất hiện ở cả những NXB uy tín, đó là trường hợp của NXB Giáo dục, trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 in bản đồ đất nước lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Giám đốc NXB Giáo dục cũng đã phải xin lỗi và thừa nhận về việc sai sót nghiêm trọng này…

Cả nước hiện nay có 64 NXB, nhưng những NXB có uy tín thì rất ít. Có NXB trước đây rất uy tín, nơi quy tụ những anh tài nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương nhưng trong mấy năm trở lại đây đâm “trở chứng”, xuất bản những cuốn sách kém chất lượng và điều đáng nói hơn là phạm phải những vấn đề vô cùng nhạy cảm.

Ðể xảy ra lỗi lớn này không phải vì chiến lược giáo dục tầm xa, cũng không xuất phát từ văn hóa đọc mà chẳng qua chỉ vì áp lực lỗ lãi, vì kinh doanh lợi nhuận của những người làm sách. Họ vội vàng cho ra những quyển sách chưa kiểm duyệt, biên tập kỹ. Và kể cả sự vô trách nhiệm của một số cá nhân ở những bên có thẩm quyền liên quan đến việc xuất bản sách.

Ngành xuất bản đang ngồi nhầm ghế?

Tình trạng lỗi sai trong công tác biên tập của các NXB diễn ra ngày càng tràn lan, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định nguyên nhân chủ yếu là do ngành xuất bản đang bị… lỗi hệ thống. Từ khâu sáng tác, chọn sách để mua bản quyền dịch đến việc thực hiện, rồi kiểm duyệt trước khi cấp phép in và sau khi nộp lưu chiểu đều không chặt chẽ, cẩn trọng.

Nhà văn Trung Trung Ðỉnh (Giám đốc NXB Hội Nhà văn) bày tỏ: “Với những bản thảo do dịch giả, tác giả đưa đến, thông thường mỗi NXB đều có bộ phận kiểm duyệt và biên tập những lỗi sai; tuy nhiên có nhiều biên tập viên cũng không kiểm tra hết những lỗi sai, lỗi chính tả trong bản thảo ấy được. Có thể nói, công tác biên tập hiện nay có phần xô bồ, cẩu thả và ảnh hưởng rất nhiều đến độc giả, chứ không phải ai cũng làm việc một cách có trách nhiệm”.

Nhà văn Trung Trung Ðỉnh nhớ lại, đã có thời gian chỉ các nhà văn nổi tiếng và những người được đào tạo một cách bài bản mới được làm công tác biên tập sách, nhưng hiện nay có nhiều người trẻ, thậm chí mới ra trường cũng đã làm biên tập viên tại các NXB. Tại NXB Hội Nhà văn, một biên tập viên phải trải qua ít nhất 10 năm học tập, rèn luyện trong nghề mới được gọi là biên tập viên. Mặc dù mỗi năm Cục Xuất bản đều tổ chức những lớp biên tập dành cho các NXB, nhưng cơ bản không giúp ích được nhiều cho công tác biên tập.

Bên cạnh đó, trước đây, mỗi biên tập viên chỉ làm 2-3 cuốn sách, nhiều thì 5-10 cuốn/năm, như thế có nghĩa là một NXB chỉ xuất bản 50-60 cuốn sách/năm. Những người làm công tác biên tập phải đọc và đối chiếu từng chữ một mới dám đem in, vì thế những lỗi sai trong ấn phẩm hầu như không có hoặc nếu có cũng không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến việc tiếp nhận của độc giả.

Tuy nhiên, hiện nay một biên tập viên phải đọc cả trăm cuốn sách/năm, làm việc với áp lực lớn, cường độ cao khiến họ phải “vắt” kiệt sức. Thêm vào đó, với cơ chế xuất bản khá “thoáng” như hiện nay, dẫn tới tình trạng sách, truyện được xuất bản tràn lan. Việc phải biên tập, “làm sạch” quá nhiều ấn phẩm khiến biên tập viên nhiều khi bị “ngộ độc” sách, dẫn tới tình trạng biên tập vội, ẩu và bỏ sót nhiều lỗi nghiêm trọng.

Nhà văn Trung Trung Ðỉnh cũng nêu ra thực trạng rằng: “Các NXB hiện nay cũng đang lâm vào tình trạng khá khó khăn, bởi nhân lực dành cho công tác biên tập rất thiếu và rất khó để tìm được người giỏi. Mỗi năm có hàng chục sinh viên ra trường xin thực tập, xin thử việc nhưng không chọn được người khá. Trong khi đó, mức lương dành cho công tác biên tập sách không cao, đãi ngộ kém và biên tập viên phải chịu nhiều thiệt thòi”.

Mặc dù công tác biên tập tại các NXB đang lâm vào “khủng hoảng”, nhưng Cục Xuất bản - cơ quan quản lý Nhà nước lại không có biện pháp gì cụ thể để xử lý và ngăn chặn. Ðơn cử như cuốn sách “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” do tác giả Gia Mạnh sưu tầm và biên soạn, được NXB Văn hóa Thông tin xuất bản vào năm 2006 bỗng gây xôn xao dư luận gần đây khi được đưa lên mạng một đoạn chụp trang sách. Cuốn sách này là tập hợp các chuyện cổ tích về các loài chim và muông thú, có cách kể chuyện cũng như ngôn ngữ tác giả sử dụng trong truyện, dễ gợi ra những liên tưởng không lành mạnh, tác động tiêu cực tới tâm hồn trẻ.

Thế nhưng ông Chu Văn Hòa (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành) lại khẳng định: “Nội dung trích đoạn không vi phạm Ðiều 10 Luật Xuất bản. Về mặt học thuật, truyện cổ tích là truyện dân gian dành cho mọi đối tượng nên không thể mặc định nó là dành cho trẻ em. Nội dung của trích đoạn là sự hiểu nhầm không đáng có nhưng cũng không phải là sai sót nghiêm trọng”.

Có thể khẳng định việc sai sót trong biên tập và lựa chọn thông tin đưa vào sách truyện thiếu nhi nói riêng và các ấn phẩm văn hóa của các NXB không phải là chuyện hiếm có, tuy nhiên các cơ quan có trách nhiệm đều chỉ xử lý theo kiểu “mắt nhắm mắt mở”, “cho có rồi thôi” chứ không thật sự vào cuộc để giải quyết một cách quyết liệt và triệt để.

Và ngành xuất bản hiện nay cũng không chỉ có tình trạng biên tập ẩu, sót những lỗi sai nghiêm trọng mà việc để sách lậu được bày bán công khai, tràn lan đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối trong dư luận. Ông Phạm Quốc Chính - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành thừa nhận: “Xử lý sách lậu từ lâu là một bài toán khó với chúng tôi. Nhiều sách bán ở các vùng sâu, vùng xa, trường học bị lợi dụng, với kẽ hở chiết khấu cao, có khi đến 50% khiến cho không ít người chấp nhận tiếp tay cho sách lậu. Hầu như chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vì thế phạt hành chính vẫn không có sức răn đe”.

Tuy nhiên, nhà văn Trung Trung Ðỉnh lại nhận định rằng, cơ chế hiện nay đang tạo điều kiện cho việc in sách lậu, khi sách vừa in chưa nguội đã có sách nhái, sách lậu tràn lan trên thị trường, với số lượng lên tới hàng nghìn cuốn mà không thể xử lý triệt để. Cơ chế hiện nay sinh ra không phải để chặn sách lậu mà trái lại, còn tiếp tay cho sách lậu có cơ hội xuất hiện tràn lan và công khai!

Có thể nói, khủng hoảng của công tác xuất bản, đặc biệt là công tác biên tập ấn phẩm văn hóa, đã diễn ra từ nhiều năm nay, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa được xử lý một cách dứt điểm và triệt để. Nguyên nhân của khủng hoảng này bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của những người biên tập tại các NXB và sự buông lỏng quản lý của cơ quan quản lý công tác xuất bản. Từ đó, bản thân những người đang hoạt động trong ngành xuất bản phải tự ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình đối với độc giả và văn hóa đọc để cho ra đời những cuốn sách “sạch” và bổ ích.

Khánh An

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.