Sách lậu trên mạng: Cuộc chiến tác quyền khó phân thắng bại

07:00 | 15/05/2013

1,362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Dường như những ngọn roi tác quyền như Công ước Berne, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bản quyền… không có mấy hiệu lực ở Việt Nam. Bởi, chưa bao giờ tình trạng vi phạm bản quyền sách trên mạng lại tràn lan, thậm chí ngày một công khai và ngang nhiên như hiện nay.

Khó kiểm soát

Phải thừa nhận rằng, từ khi Công ước Berne có hiệu lực, thị trường xuất bản Việt Nam đã có những đổi thay to lớn theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn với giá trị nội dung cũng như thương mại của sách ngày càng tăng. Tuy nhiên, đó mới là những thành quả bước đầu trong lĩnh vực sách đọc truyền thống. Vẫn còn một “địa bàn” khác mà Công ước Berne và các quy định của pháp luật về vấn đề bản quyền chưa “thọc sâu” vào được, đó là sách trên mạng Internet.

Có thể kể ra đây vô số các dạng vi phạm điển hình trong lĩnh vực bản quyền sách trên mạng như: tự động tiến hành số hóa các cuốn sách bán chạy mà không xin phép tác giả; kinh doanh sách điện tử (ebook) thông qua việc cho phép đọc, truy cập, sao chép và lưu trữ trên các website mà không hề trả tiền bản quyền; sao chép cá nhân vô tội vạ bằng các kỹ thuật hiện đại mà không hề quan tâm đến tác giả của sách là ai…

Độc giả rất dễ dàng để đọc sách không mất tiền

Nếu để làm lậu sách in cần phải qua nhiều công đoạn mất thời gian như sao chép, in ấn, phát hành... thì với các tác phẩm lan truyền trên mạng, việc copy ra nhiều bản cực kỳ đơn giản và hầu như không tốn mấy thời gian, công sức. Các website chia sẻ sách điện tử có “tên tuổi” như www.thuvieneboook.com, www.vnthuquan.com, www.songhuong.com.vn,  www.ebook4u.vn, www.sahara.vn... hầu hết đều mắc các vi phạm về bản quyền. Họ có cả một đội ngũ tình nguyện viên chuyên ngồi gõ lại những cuốn sách hay và đang ăn khách của các tác giả trong và ngoài nước để đưa lên mạng mà không mấy khi quan tâm đến việc trả tác quyền cho tác giả của những cuốn sách đó. Số lượng hàng trăm ngàn đầu sách đủ các thể loại từ trong nước, ngoài nước, sách văn học, sách ngoại ngữ, kinh tế, dạy trẻ, tâm lý…

Những ấn bản điện tử bất hợp pháp này thường có mặt trên Internet chỉ sau khi sách in phát hành vài ngày. Số lượng các đầu sách được đăng tải trọn vẹn tại các website này có thể làm nhiều người sửng sốt: trung bình cũng vài trăm, còn nhiều có khi lên đến cả chục ngàn. Điều đó đồng nghĩa với việc ngần đó người đã sử dụng trái phép sản phẩm sách của các đơn vị làm sách trên mà không phải trả tiền hoặc chỉ trả một số tiền rất ít so với giá trị thực của cuốn sách. Tất nhiên, người ta “biết thừa” và “biết rất rõ” rằng hầu hết những đầu sách này là sách vi phạm bản quyền!

Các nhà xuất bản than trời còn những kẻ vi phạm thì cứ ung dung tự tại bởi “tràn lan, nhan nhản ra đấy, ai hơi sức đâu mà đi phạt cho xuể”. Nếu có không may bị “sờ gáy” thì tối đa cũng chỉ bị phạt hành chính vài chục triệu đồng (như 2 website vi phạm đã bị xử lý là www.songhuong.com.vn và www.sahara.vn) rồi chuyện đâu lại về đấy. Thực chất, không phải các cơ quan chức năng không biết đến tình trạng tràn lan cũng như tác hại của việc vi phạm bản quyền sách văn học trên mạng. Song đây là một hình thức vi phạm mới, địa bàn vi phạm ảo và rộng, thêm vào đó các chế tài xử lý chưa theo kịp thực tế, không đử sức răn đe, khiến cho vi phạm ngày càng trở nên công khai và trắng trợn.

Ai tiếp tay cho vi phạm?

Trước tiên phải kể đến số lượng rất lớn những độc giả có thói quen thích “đọc sách không mất tiền”. Chỉ vài cái click chuột là có ngay những bản ebook trôi nổi của các cuốn sách “best-seller” hay bản sao chép của các tác phẩm, tác giả nổi tiếng. Vậy là cứ vô tư đọc, vô tư tải về, chẳng cần phải quan tâm đến công sức của nhà văn hay sự lỗ lãi của các nhà xuất bản. Đã thế, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại điện thoại thông minh, các thiết bị đọc điện tử di động hiện đại để giúp cho việc đọc sách trên mạng trở lên dễ dàng và thoải mái hơn, khiến cho số người thích đọc “sách chùa” ngày càng nhiều hơn. Đây chính là nguồn hậu thuận mạnh mẽ cho vấn nạn copy bất hợp pháp các ấn bản điện tử đang không ngừng tăng lên một cách lặng lẽ hiện nay.

Tiếp đến là các tác giả - đặc biệt là tác giả trẻ. Họ muốn lợi dụng công nghệ Internet để trở nên nổi tiếng. Những người này tin rằng, các ấn bản miễn phí, kể cả là phi pháp, cũng sẽ đem đến một khối lượng độc giả lớn và mới cho mình! Nhiều người trong số họ công khai chấp nhận, thậm chí còn sẵn sàng tiếp tay cho nạn xâm phạm tác quyền trên Internet. “Nếu bạn thích copy thì cứ việc, nhưng chỉ cần đề tác phẩm đó là của tôi và để đường link tới blog hoặc website nơi tôi công bố” - một số cây bút trẻ đã viết thêm vào cuối tác phẩm của mình như thế và coi đó là một phương thức hữu hiệu để lăng-xê tác phẩm, quảng bá tên tuổi của mình. Ngược đời đến vô lý là ngày càng có nhiều tác giả cảm thấy “hạnh phúc” khi tác phẩm của mình bị sao chép tràn lan trên mạng.

Có người còn bày tỏ “lòng biết ơn” của mình với những kẻ sao chép bất hợp pháp. Không ít tác giả khác lại dễ dàng ký hợp đồng với một website nào đó về việc cho phép sử dụng tác phẩm của mình mà không hề quan tâm đến các điều khoản về bản quyền và các quyền lợi cá nhân cụ thể ngoài việc được “trưng tên” trên mạng và được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng mạng. Các tác giả này đều quên mất một điều rằng: Internet là con dao hai lưỡi. Đến khi quay đầu nhìn lại thì họ mới giật mình nhưng đã muộn.

Về phía các nhà xuất bản, cho dù bị ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến quyền lợi nhưng cũng chưa thấy có mấy nhà xuất bản lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này. Một số nhà xuất bản thừa nhận: bộ phận pháp lý của mình không có đủ lực cũng như thời gian để kiểm tra xem xét xem website nào đã vi phạm bản quyền sách của mình và những tác phẩm nào đã bị sao chép bất hợp pháp. Cũng từng có một nhà xuất bản lớn thấy sách của mình chưa ra sạp đã đầy rẫy trên mạng liền yêu cầu các website dỡ bản ebook sao chép bất hợp pháp, nhưng kết quả là các ebook này không những không bị dỡ bỏ, mà nhà xuất bản nọ còn bị các thành viên của mạng kêu gọi tẩy chay. Thế là đành phải chấp nhận “sống chung với vi phạm”.

Một số hiệp hội bản quyền đã được thành lập. Các điều luật, quy định về bảo vệ quyền tác giả cũng sẽ dần dần được hoàn thiện hơn cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ về mặt pháp lý, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Chỉ khi nào ý thức này được nâng cao, người đọc cảm thấy xấu hổ mỗi khi đọc sách mà không trả tiền, tác giả cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương khi tác phẩm của mình bị sao chép vô phép tràn lan, các nhà xuất bản quyết tâm bảo vệ toàn vẹn quyền lợi của mình thì khi ấy, những vi phạm bản quyền trên mạng Intenet mới không còn chỗ để dung thân! Và rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, công an văn hóa điều tra, ngăn chặn tất cả các trang web làm ebook lậu, để bảo vệ các sản phẩm văn hóa mà các tác giả mất rất nhiều công sức và tiền bạc mới làm ra được.

Thục Yên

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.