Sa thải "mềm" và thất nghiệp "tự nguyện"

18:36 | 30/09/2017

776 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố, tình trạng thất nghiệp tự nguyện có chiều hướng gia tăng. Theo các chuyên gia, đây là tình trạng “sa thải mềm”, các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp ngăn chặn.

Thất nghiệp dài hạn

Hiện cả nước có 1.081.600 lao động trong độ tuổi thất nghiệp. Trong đó số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 24,5%, tương đương hơn 260.000 người.

Nhóm lao động thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 183.100 người, tăng 44.200 người so với quý I/2017. Số thanh niên thất nghiệp tăng 26.600 người, lên 575.100 người. Nhóm lao động trên 25 tuổi thất nghiệp 506.600 người, chiếm tỉ lệ cao so với tổng số người thất nghiệp. Đáng lưu ý là tình trạng thất nghiệp tự nguyện đang tăng cao. Đây là những người tự nguyện nghỉ việc vì bị doanh nghiệp xếp vào những vị trí không phù hợp.

sa thai mem va that nghiep tu nguyen

Tình trạng thất nghiệp tự nguyện đang có chiều hướng gia tăng (ảnh minh họa)

Lý giải về những con số nói trên, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, trong quý II/2017, thị trường lao động đã tiếp nhận một số lượng lớn lao động qua đào tạo từ các trường cao đẳng, đại học. Trong khi đó, mức thu hút lao động của thị trường lao động trong quý II lại không còn nóng như quý I (liên quan tới các hoạt động và dịch vụ cho dịp tết Nguyên đán), dù tính chất công việc cần nhiều về lĩnh vực dịch vụ và thương mại.

Đáng báo động

Liên quan đến vấn đề lao động thất nghiệp tự nguyện, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định: “Đây có thể là hình thức sa thải mềm của các cơ sở sử dụng lao động”.

Ông Thọ phân tích, thất nghiệp tự nguyện là loại thất nghiệp phát sinh do người lao động không chấp nhận những công việc hiện thời với mức lương tương ứng. Các cơ sở sử dụng lao động đưa ra một số vấn đề mới gây khó khăn cho người lao động và dồn sức ép lên vai người lao động khiến họ phải nghỉ việc mặc dù người lao động đang khỏe mạnh, có trình độ, có khả năng kiếm được ra tiền.

Cũng theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, đây là “trò” mới của các cơ sở sử dụng lao động, họ tìm mọi cách để gây sức ép đến người lao động trong khi sức ép đó là vấn đề của các cơ sở sử dụng lao động. Khi gánh nặng chuyển sang vai người lao động thì họ buộc phải xin nghỉ việc nếu không muốn làm việc ở một vị trí không phù hợp. “Theo tôi, đó là nguyên nhân chính, ngoài ra cũng có thể liên quan đến những vấn đề khác” - PGS.TS Vũ Quang Thọ khẳng định.

Tình trạng thất nghiệp tự nguyện đang tăng cao. Đây là những người tự nguyện nghỉ việc vì bị doanh nghiệp xếp vào những vị trí không phù hợp.

Để hạn chế tình trạng này, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, cần phải nghiên cứu, đưa vấn đề này vào Luật Lao động nhằm ràng buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động lâu dài. Bên cạnh đó, người lao động cũng cần tỉnh táo, khôn ngoan, không chỉ trong vấn đề làm việc mà cả trong việc nhận tiền lương, thanh toán bảo hiểm xã hội… để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải đưa vấn đề sa thải lao động ra thảo luận trong những lần sửa đổi Luật Lao động. Từ đó có những quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và tạo sự linh hoạt cho thị trường lao động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động, đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế đòi hỏi doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động lâu dài…

Song Nguyễn