Rủi ro thương trường

07:02 | 31/08/2017

2,145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo con số thống kê, tính bình quân từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có khoảng 220 doanh nghiệp bị loại ra khỏi thương trường.

Con số nghe có vẻ không lớn, nhưng nhẩm tính ra, nếu mỗi doanh nghiệp kia có 10 lao động thì chỉ trong 8 tháng đầu năm cũng đã có ngót 500 nghìn người mất công ăn việc làm, liền với họ là vài ba người thân mất nguồn kinh tế trợ giúp... “Nhàn cư vi bất thiện”, biết bao hậu họa tiềm ẩn luôn luôn rình rập bên cạnh những người thất nghiệp mà xã hội sẽ phải gánh.

Thế mới thấy giá trị lớn lao về những nỗ lực thời gian gần đây của Chính phủ trong cải cách thể chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

rui ro thuong truong

Quả thật, trong rất nhiều loại nghề, có lẽ hiếm nghề nào có tỷ lệ rủi ro cao như người làm chủ doanh nghiệp. Họ sinh ra với một sứ mệnh bất biến là tìm kiếm lợi nhuận. Họ cháy bỏng muốn đổi đời, muốn thoát nghèo, muốn khẳng định bản thân, muốn giúp đỡ người khác, muốn góp phần làm giàu cho đất nước... Nhưng sự trả giá cũng thật khó đo đếm được.

Doanh nhân phải chấp nhận rủi ro như một phần của trò chơi và sau đó nỗ lực làm việc để giảm nó xuống mức tối thiểu. Họ thậm chí phải biết mình sẵn sàng để mất bao nhiêu trước khi bắt đầu nghĩ đến việc bắt tay vào làm một cái gì đó mới mẻ. Họ phải đặt cược mọi thứ: sự nghiệp, tài năng, ý tưởng, vốn liếng, thời gian, uy tín nghề nghiệp, uy tín cá nhân, mối quan hệ, thậm chí là cả sức khỏe.

Mới đây, nghe được tin bà Phan Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Khang Thông, người sáng lập rất nhiều công ty thành viên và là chủ đầu tư Dự án Happyland - đang bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiến hành các thủ tục kê biên tài sản tại Dự án Happyland để trả nợ.

Đối với giới truyền thông, không ai lạ lẫm với “nữ tướng” này, bởi sự thành đạt của bà thường được sánh với những người phụ nữ quyền lực nhất trong giới doanh nhân Việt Nam, tương tự như bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch Tập đoàn BRG (BRG Group); bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai; bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín...

Theo lời kể lại thì Phan Thị Phương Thảo xuất thân từ một gia đình nghèo ở Long An. Thời trẻ đã trốn nhà, lang thang ở đất Sài Gòn xa lạ, bà được vợ chồng ông chủ tiệm cơm người Hoa nhận vào làm công. Năm 20 tuổi, bà quyết định trở về quê mua lúa xay xát thành gạo rồi mang lên Sài Gòn bán. Một thời gian sau, bà lại đổi nghề, mua chiếu thô về thuê thợ in hoa lên rồi mang lên tận Tây Ninh bán buôn. Sau đó, bà ra Vũng Tàu mở quán cơm, rồi buôn bán sắt thép phế liệu, “bỏ mối” cát, đá... Sau nữa, khi đã khấm khá hơn, bà dốc vốn liếng mua một máy sang cát, lấy cát nhỏ bán cho nhà máy thủy tinh, cát lớn bán cho một số nhà máy sửa chữa tàu biển dùng để rửa tàu...

Cứ thế, bà dần trở thành một nhà doanh nghiệp thành đạt cho đến khi mong muốn trở về đất Long An quê nhà với ước mong cháy bỏng xây dựng một khu vui chơi giải trí lớn nhất Việt Nam có tên là Happyland với số vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD.

Không chỉ vậy, Phan Thị Phương Thảo còn “dẫn” về Bình Định một tỷ phú người Ai Cập, rồi Tập đoàn STFE (Thái Lan), Công ty PTTES (Thái Lan) và Tập đoàn Zarubezhenergoproekt (Nga)... với nhiều cam kết xây dựng những dự án khổng lồ, như Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Định có công suất khoảng 12 triệu tấn/năm, Nhà máy Nhiệt điện Bình Định có công suất 700MW giai đoạn 1, diện tích 90ha, vốn đầu tư 972 triệu USD...

Nhắc qua con số doanh nghiệp hằng ngày bị loại ra khỏi thương trường và đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của “nữ tướng” quê Long An này để bạn đọc có thể chia sẻ phần nào sự nghiệt ngã của thương trường, sự dấn thân của những người làm doanh nghiệp và cả những rủi ro mà họ phải đối diện.

Ở đấy, giữa vinh quang và cay đắng đôi khi nó chỉ cách nhau một làn sương mỏng.

Về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét:

“Đây là lần đầu tiên trong nghị quyết của Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp, phấn đấu tới 2020 chúng ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Đất nước ta có khoảng trên 500.000 doanh nghiệp và mục tiêu phải nâng gấp đôi.

Trong 30 năm đổi mới chúng ta có 500.000 doanh nghiệp, làm sao trong 4-5 năm chúng ta phải có gấp đôi số doanh nghiệp. Trong quá trình bàn rất băn khoăn, Thủ tướng quyết định phải đạt được mục tiêu này trên cơ sở phân tích khoa học và thực tiễn, không phải quyết tâm chính trị suông”.

Một số rủi ro pháp lý doanh nghiệp thường gặp:

Rủi ro đối với các tranh chấp giữa thành viên góp vốn, rủi ro về trách nhiệm đối với nhân viên, rủi ro về giao kết hợp đồng, rủi ro trong việc bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ, rủi ro về việc tuân thủ pháp luật doanh nghiệp, rủi ro về môi trường, rủi ro về việc tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc