Rối nhiễu nhận thức ở trẻ

16:23 | 06/07/2017

2,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện nay, có một hội chứng ở trẻ mà ít cha mẹ quan tâm đến, đó là rối nhiễu nhận thức, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.

Mất cân bằng nhận thức

Có mặt tại một lớp học đặc biệt dành cho trẻ rối nhiễu nhận thức ở quận Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến các em nhỏ từ 5 đến 8 tuổi có khả năng nói tiếng Anh rất chuẩn, giải Toán rất nhanh... Nhưng ít ai biết, các em bị hạn chế những kiến thức cơ bản như nói ngọng, phát âm không rõ, nói sai cấu trúc câu ngữ pháp tiếng Việt...

Điển hình là trường hợp của em N.L.C (7 tuổi). C có một số biểu hiện bất thường như tác phong chậm chạp, khả năng ghi nhớ, tập trung kém và nhút nhát, sợ giao tiếp với người lạ. Dù đã học lớp 2 nhưng em chỉ nói được một số câu cơ bản và không nói được những câu dài, khó diễn đạt ý muốn của mình. Và đặc biệt là tâm lý, nhận thức và hành vi của em chỉ như một đứa trẻ 4 tuổi.

roi nhieu nhan thuc o tre
Lớp học đặc biệt dành cho trẻ bị rối nhiễu nhận thức

Tương tự, L.Đ.Q (6 tuổi) nói tiếng Anh rất lưu loát do được học từ khi còn nhỏ và thường xuyên giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng Anh, nhưng khi nói chuyện với những người khác bằng tiếng “mẹ đẻ” thì em thường xuyên nói sai ngữ pháp như “Con ăn cơm ạ” thì Q nói thành “Cơm ăn con ạ”. Ngoài ra, em còn không thể nhận biết được hình dáng, màu sắc, mùi vị của các đồ vật như thế nào.

Cẩn trọng chứng lạ

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh (Văn phòng Tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh) khẳng định: “Những trường hợp trên mắc phải hội chứng rối nhiễu nhận thức”.

Ông Thanh phân tích, trên thế giới, hội chứng này đã được công nhận từ lâu. Tuy nhiên, ở Việt Nam cứ nói đến hội chứng rối nhiễu nhận thức thì nhiều người nghĩ rằng, đó là tăng động hay tự kỷ. Ngoài ra, có rất nhiều biểu hiện của rối nhiễu nảy sinh từ những vấn đề rất đơn giản mà mọi người thường không chú ý đến.

“Tình trạng rối nhiễu nhận thức ở trẻ đang ngày càng phổ biến mà nhiều cha mẹ chưa nhận thức vấn đề một cách đúng đắn. Khi thấy con có những biểu hiện bất thường về hành vi, ngôn ngữ và giao tiếp, nhiều người đã đưa con đi khám ở các bệnh viện, nhưng đều không tìm ra được nguyên nhân. Khi tìm đến các chuyên gia và nghe phân tích thì mới hiểu ra vấn đề nằm ở đâu, từ đó mới nhờ can thiệp” - ông Thanh nói.

Chia sẻ về những nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, ông Thanh cho hay: “Tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ có những biểu hiện trên và khi tìm hiểu thì được biết các em đã được học chương trình không phù hợp với độ tuổi từ rất sớm. Điều này đã vô tình làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhận thức, tư duy và ngôn ngữ của trẻ. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ quên mất việc dạy cho con những kiến thức cơ bản trong cuộc sống”.

Nhiều phụ huynh lầm tưởng rằng, giáo dục sớm là dạy cho con biết chữ sớm, biết cộng trừ sớm, hay dạy trước chương trình tiểu học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giáo dục sớm cần phải gắn với quá trình phát triển tự nhiên của trẻ, tạo cho trẻ sự hứng thú khi tham gia nhiều trải nghiệm.

Dạy trẻ trải nghiệm

Theo sự phát triển tâm lý của con người, mỗi giai đoạn của cuộc đời đều có mốc phát triển riêng. Khi đã đạt được nhận thức ở giai đoạn này rồi thì mới có thể tiến tới các nhận thức cao hơn. Ngoài ra, môi trường sống của trẻ hạn hẹp, quanh quẩn trong phòng kín, hay từ nhà đi đến trường và rất ít được ra ngoài va chạm, môi trường tự nhiên là một yếu tố ảnh hưởng đến nhận thức của con trẻ. Nhiều người nghĩ rằng, việc cho con theo các khóa học hay các lớp kỹ năng là con được dạy dỗ theo các chương trình bài bản. Tuy nhiên, ở các lớp học đó, không thể dạy hết mọi thứ cho trẻ và đa phần là dạy bằng tranh ảnh hay mô hình. Song cần phải hiểu rằng, dạy trẻ không thể dạy trong phòng mà phải dạy trực quan, bằng sự trải nghiệm, bởi tư duy của trẻ là tư duy trực quan - sinh động.

Thêm nữa là việc cho trẻ tiếp cận với công nghệ thông tin quá nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý. Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin thì vấn đề này cần phải quan tâm, đòi hỏi bố mẹ cần phải thay đổi và đồng hành cùng con nhiều hơn nữa.

Để phòng tránh, các phụ huynh cần phải hiểu được các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ để có những phương pháp dạy con phù hợp theo từng lứa tuổi. Cha mẹ cần tăng cường cho con trải nghiệm và tạo môi trường sống lành mạnh. Đồng thời, cần cân nhắc trước khi cho con theo học các chương trình giáo dục đặc biệt. Chỉ cho con học khi đã đạt được sự phát triển bình thường và ưu tiên việc dạy con những gì cần cho lứa tuổi trước. Hạn chế cho con tiếp xúc với công nghệ, mà nên dành thời gian để quan tâm, chia sẻ và dạy dỗ con cái. Khi thấy con có những biểu hiện bất thường thì nên tìm đến các chuyên gia tâm lý để thăm khám và tư vấn, từ đó có những phương pháp hỗ trợ phù hợp.

4 biểu hiện của hội chứng rối loạn nhiễu nhận thức ở trẻ

Thứ nhất là nhận thức không đúng với lứa tuổi. Nhiều trường hợp các em đã 7-8 tuổi mà nhận thức chỉ như trẻ 4-5 tuổi, không phân biệt được hình dáng, màu sắc, mùi vị của các đồ vật.

Thứ hai là ngôn ngữ kém phát triển, không có sự phong phú, linh hoạt khi sử dụng. Nhiều trẻ dùng sai cấu trúc của câu hay cũng nhiều trường hợp trẻ nói ngọng, phát âm không rõ ràng. Đặc biệt là với những trẻ được học tiếng Anh từ sớm. Thay vì nói: “Cô ơi, mẹ con đến đón chưa” thì trẻ lại nói rằng: “Cô ơi, chưa đến đón mẹ con”.

Thứ ba là những biểu hiện cảm xúc bất thường như hay hờn dỗi, hay tức giận... Do trẻ đã đến đúng tuổi phát triển tâm lý nhưng nhận thức chưa tới, nên khi mong muốn điều gì mà không thể diễn đạt cho người lớn hiểu, trẻ sẽ phát sinh những cảm xúc tiêu cực.

Thứ tư là khả năng ghi nhớ, tập trung, chú ý kém, điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả học tập trên lớp của trẻ.

Chu Phượng - Song Nguyễn