Rác thải nhựa - Kẻ thù của môi trường

11:00 | 17/06/2018

3,931 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vật dụng bằng nhựa, túi nilon đã và đang là kẻ thù của môi trường sống, bởi chúng cần thời gian phân hủy hàng thế kỷ và việc tái chế cũng không đơn giản. Các nhà bảo vệ môi trường đang đau đầu để tìm ra giải pháp ngăn ngừa rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh, sạch.

80 tấn nhựa và túi nilon thải ra mỗi ngày

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 2-5 túi nilon/ngày. Như vậy, ước tính hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Cụ thể, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về rác thải nhựa, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội thải ra khoảng 4.000-5.000 tấn rác/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm 7-8% và tăng theo từng năm. Còn các nhà môi trường ở TP Hồ Chí Minh tính toán, nếu dân số TP Hồ Chí Minh giữ tốc độ tăng bình quân 3,5%/năm thì đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh tại TP Hồ Chí Minh sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm, sẽ là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố.

rac thai nhua ke thu cua moi truong
Mỗi ngày có rất nhiều túi nilon được sử dụng và thải ra ngoài môi trường

Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nói: “Mặc dù vật dụng bằng nhựa có nhiều công dụng và giá trị sử dụng cao, nhưng chúng ta đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng 1 lần gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Mỗi phút chúng ta mua 1 triệu chai nhựa. Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỉ túi nilon. 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng 1 lần. Gần 1/3 túi nilon sử dụng không được thu gom và xử lý, do đó làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường tự nhiên. Chưa kể đến, hằng năm có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ san hô, đe dọa hệ động vật đại dương”.

Theo ông Tài, chất thải nhựa, túi nilon đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng trái đất mỗi năm và nó tồn tại 1.000 năm trước khi bị tiêu hủy hoàn toàn. Và thực sự, không chỉ ở Việt Nam mà ngay các nước trên thế giới, rác thải nhựa và túi nilon đang trở thành vấn đề lớn của môi trường, trở thành thách thức lớn trong công tác quản lý, tái chế và tái sử dụng đối với rác thải nhựa.

Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, Ngày Môi trường năm 2018 lại lấy “Chống ô nhiễm chất thải nhựa” là chủ đề chính. Ngay cả Hội nghị G7 diễn ra ở Canada cũng lấy đây là một trong những nội dung chính cho chương trình nghị sự khi nước chủ nhà đăng cai sự kiện có sáng kiến bảo vệ môi trường bằng cách “Ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương”.

Giải pháp 3T

Có một thực tế không thể phủ nhận: Công tác xử lý, tái chế rác thải nhựa ở nước ta còn rất yếu kém, chỉ có 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế hoặc tái sử dụng, trong khi chất thải giấy có thể tái chế tới 60%, chất thải thép là 90%. Nếu không tái chế hay tái sử dụng được, các nhà môi trường đã cảnh báo, tác hại của những chất thải nhựa, túi nilon sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các loài thủy sản, môi trường biển nếu chúng bị thải ra đại dương.

Để hạn chế rác thải nhựa và nilon, theo ông Nguyễn Văn Tài, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội tăng cường triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; đồng thời phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thay thế sản phẩm từ nhựa sang sản phẩm thân thiện môi trường. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về thay đổi thói quen tiêu dùng, hướng đến sản phẩm thân thiện môi trường.

Với vai trò là nhà khoa học, TS Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cho rằng, bảo vệ môi trường khỏi rác thải nhựa và nilon cần đẩy mạnh công tác “3T” bao gồm: Tiết giảm, tái chế, tái sử dụng để mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và kinh tế - xã hội. Ví như việc tái chế với công nghệ phù hợp sẽ giúp thu gom và xử lý chất thải nhựa theo cách thân thiện môi trường, nhằm bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. Về mặt xã hội, tái chế chất thải nhựa, đặc biệt là hoạt động thu gom và phân loại chất thải nhựa, túi nilon sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động trình độ thấp. Còn về môi trường, tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất hạt nhựa nguyên sinh, bảo tồn tài nguyên không thể tái tạo. Bên cạnh đó, thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nilon hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu hàng loạt vấn đề môi trường liên quan như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất...

Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp đó, TS Lê Văn Khoa cho rằng, cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính trong việc thực hiện các dự án tái chế rác thải nhựa, dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm bằng nguyên liệu thân thiện môi trường. Ngoài ra, cần giáo dục, tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, ban hành và áp dụng các chính sách về kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa…

Tại Hội nghị G7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này. Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 cần thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Thủ tướng cũng cho biết, tại hội nghị Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức tại Việt Nam cuối tháng 6-2018, Việt Nam sẽ đề xuất dự án vùng vì một đại dương không rác thải nhựa và được GEF hoan nghênh, hợp tác triển khai.

Nguyễn Bách