Rà soát năng lực ngoại ngữ của giảng viên rồi... để đấy?

08:28 | 22/11/2012

2,818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Vừa qua, Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức rà soát năng lực của giảng viên ngoại ngữ nhằm đảm bảo đội ngũ giảng viên ngoại ngữ đạt chuẩn năng lực theo quy định và sẽ bắt đầu từ tháng 11/2012. Tuy nhiên, hướng dẫn này khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn, bởi sau khi rà soát, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì?

>> Bộ GD-ĐT rà soát năng lực giảng viên ngoại ngữ

30 % số giáo viên ngoại ngữ phải nhờ phiên dịch

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6/2012, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2 và 2.785 giáo viên đạt B1 theo chuẩn Châu Âu, trong khi hơn 60% giáo viên tiếng Anh hiện này có trình độ ĐH và sau ĐH trong nước.

Trong khi đó, chỉ tính riêng ở Hà Nội, theo đánh giá của UBND thành phố, thực tế chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn TP còn bộc lộ hạn chế về kỹ năng nghe, nói và phát âm. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 40% giáo viên ngoại ngữ nghe và hiểu bài do chuyên gia giảng dạy, 30% giáo viên hiểu được 50% bài giảng bằng tiếng nước ngoài, còn 30% gần như không hiểu bài phải phiên dịch sang tiếng Việt.

Điểm yếu của các giáo viên chủ yếu là ở các kĩ năng nghe, nói và phát âm. Trong khi những kĩ năng này là rất quan trọng đối với học sinh tiểu học – đối tượng bắt đầu tiếp xúc với một ngôn ngữ mới. Nếu các em phát âm sai ngay từ đầu, khi học lên các cấp cao hơn, những lỗi này tương đối khó sửa.

Phần lớn giáo viên ngoại ngữ thiếu giao tiếp thực tế

Không chỉ với giáo viên vùng nông thôn, tình trạng giáo viên không đạt chuẩn xảy ra ở cả những thành phố lớn, chỉ có một số trường chuyên hoặc trường chất lượng cao là có giáo viên giỏi thực sự.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Tất Trường, nguyên Chủ nhiệm bộ môn khoa tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN cho biết: Nhìn chung, ở ĐHQG trình độ giáo viên càng ngày càng vững; tuy nhiên, có một số giáo viên còn yếu.

Ông Hoàng Tất Trường cho rằng, trong số các giảng viên ông đã cùng làm việc trong những lần ra đề thi môn tiếng Anh, kể cả ra đề thi học sinh giỏi, có tới 40% giáo viên, giảng viên có năng lực ở mức trung bình được tham gia soạn đề thi.

Ông Trường còn nhận định: Với giảng viên môn tiếng Anh ở các trường không chuyên ngoại ngữ, chỉ có khoảng 30% đạt loại giỏi; 30% đạt khá; còn lại là trung bình và yếu.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc lựa chọn giáo viên dạy ngoại ngữ còn có những bất cập. Có giáo viên học tiếng Nga nhiều năm lại được chuyển sang dạy tiếng Anh sau khi học qua một vài lớp cơ bản về tiếng Anh; trong khi đó, có nhiều giáo viên học tiếng Anh lại “được” dạy các môn chính trị.

Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực ngoại ngữ của chính các sinh viên và gây cản trở họ trong việc tiếp nhận ngoại ngữ chính thống. Nếu tình trạng này xảy ra trên diện rộng, với nhiều trường ĐH, sẽ kéo tụt trình độ ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam và gây khó khăn trong việc giao tiếp, cũng như bỏ lỡ các cơ hội được làm việc với môi trường quốc tế.

Không chỉ rà soát rồi bồi dưỡng

Theo qui định của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy hai bậc. Trong đó, năng lực ngoại ngữ tối thiểu của giáo viên tại các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp phải đạt bậc 5 (C1) trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Quy định là thế, nhưng số lượng giảng viên ĐH đáp ứng được quy chuẩn này chỉ đếm trên đầu ngón tay và tình trạng năng lực ngoại ngữ của giáo viên, đặc biệt là giảng viên ĐH quá kém đã trở thành một căn bệnh trầm kha. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, chữa như thế nào?

Trong “Hướng dẫn thực hiện kế hoạch triển khai đề án này trong các cơ sở giáo dục ĐH” của Bộ GD-ĐT được ban hành vào ngày 12/11 ghi rõ: “Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học để bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) ở nước ngoài cho đội ngũ giảng viên tiếng Anh cốt cán. Các trường lập danh sách cử giảng viên tiếng Anh cốt cán đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài theo lộ trình từ năm 2013-2015, mỗi năm 1 người”.

Việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giảng viên ĐH là điều nên làm thường xuyên, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trong môi trường ĐH. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không thể chỉ lên kế hoạch rà soát rồi tập huấn, bồi dưỡng mà thiếu đi những biện pháp triệt để.

Các cơ sở đào tạo cần "siết" chất lượng ngoại ngữ của sinh viên trước khi cấp bằng

Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT quy định, mỗi năm đào tạo một người quá ít và nếu đào tạo cán bộ là chủ nhiệm bộ môn chẳng hạn, liệu họ có thể gánh vác được toàn bộ công việc đào tạo của một khoa không? Và sau khi đi bồi dưỡng, tập huấn về, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra năng lực ngoại ngữ của những giáo viên ấy?

Trong số các giảng viên ngoại ngữ của ĐH, có không ít giảng viên có trình độ khá cao, nhưng khi có khách nước ngoài, giáo viên nào cũng ngại, không dám giao tiếp. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT), nhận định khiếm khuyết của giáo viên thể hiện trên tất cả các mặt nghe, nói, đọc, viết và đặc biệt là vấn đề giao tiếp.

Ông cũng khẳng định: “Giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các trường phổ thông về mặt hình thức đều đạt chuẩn tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, nhưng nhiều giáo viên chỉ được đào tạo theo hệ chuyên tu, hệ từ xa, mở rộng... Bằng cấp thì có nhưng trình độ thực tế thì không đồng đều và phần đông không đảm bảo chất lượng. Một số trường sư phạm cũng chưa đảm bảo chất lượng đào tạo đối với sinh viên hệ chính quy”.

Vì thế, thay vì chờ đến khi chất lượng của giảng viên ĐH quá thấp mới tính tới chuyện tập huấn, bồi dưỡng, các cơ sở giáo dục ĐH cần đẩy mạnh việc dạy ngoại ngữ và cấp bằng cho sinh viên một cách thực chất, tránh tình trạng “lượng” thừa, “chất” thiếu như hiện nay. 

Theo đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đến năm 2020, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy hai bậc.

Cụ thể, giáo viên THPT, giáo dục thường xuyên, CĐ và trung học chuyên nghiệp đạt bậc 5/6 KNLNN (CEFR C1) tương đương FCE tối thiểu 80 điểm, chứng chỉ TOEFL trên giấy tối thiểu 575 điểm, chứng chỉ IELTS tối thiểu 6.5 điểm, chứng chỉ CAE tối thiểu 60 điểm hoặc các chứng chỉ được công nhận tương đương khác đạt năng lực ngoại ngữ bậc 5 (C1) trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.