Quýt làm cam chịu

01:17 | 22/07/2012

942 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Rà soát tiến độ cấp “sổ đỏ”, cơ quan chức năng bỗng giật mình vì còn cả mấy chục ngàn hộ dân mua căn hộ của các dự án nhà ở tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Nguyên nhân dễ dàng được chỉ rõ là do chủ đầu tư xây dựng mắc hàng loạt sai phạm. Đó là sai thiết kế, tự ý nâng tầng, chuyển nhượng đất và dự án trái phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...

Chẳng hạn tại Hà Nội, 500 hộ dân cư khu căn hộ - biệt thự The Manor đã chuyển đến ở tại khu The Manor thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm hơn 5 năm rồi vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ).

Cả ngàn con người sống tại đây trong tình trạng không có giấy chứng nhận hợp pháp của Nhà nước về nhà ở nên đã gặp rất nhiều khó khăn. Bà con đã phải chạy vạy gõ cửa nhiều cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nhưng vẫn chưa có kết quả. Không có sổ đỏ, kéo theo nhiều “không” khác: nhà rao bán rẻ vẫn không ai mua, không được thế chấp ngân hàng huy động vốn kinh doanh, không có hộ khẩu, không xin được chỗ học cho con...

Trường hợp đáng buồn khác đó là các hộ dân mua nhà chung cư của Dự án 151 A Nguyễn Đức Cảnh, Hà Nội. Mua nhà đã hơn 4 năm, vất vả đi tìm hiểu mãi các gia đình ở đây mới ngã ngửa khi hay tin chủ đầu tư đã vi phạm trong chuyển nhượng dự án và nay đã giải thể rồi!

Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hùng Phi thừa nhận, tình hình cấp sổ đỏ cho người dân mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội, TP HCM và cả nước hiện rất chậm. Nếu tính trên tổng các dự án đầu tư nhà ở được duyệt thì mới hoàn thành khoảng 19% sổ đỏ so với yêu cầu. Riêng Hà Nội thì chưa đạt 10% so với yêu cầu. TP HCM đạt khoảng 30% so với yêu cầu. Tỉ lệ sổ đỏ được cấp trên tổng số nhà đã bàn giao cho người dân tại Hà Nội chỉ chiếm khoảng 20%.

Nguyên nhân của tình trạng này là chủ đầu tư không chấp hành Luật Đất đai, quy định của pháp luật về nhà ở và xây dựng. Cụ thể là xây dựng không đúng quy hoạch, thiết kế, giấy phép được duyệt. Theo quy định phải xây nhà xong mới bán, nhưng chủ đầu tư lại chia lô bán nền dẫn đến nhà không được đưa vào sử dụng, để hoang rất lãng phí.

Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều dạng vi phạm khác như chuyển nhượng dự án đầu tư nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến bên nhận chuyển nhượng đã xây xong nhà bán nhưng lại chưa có quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan chức năng của TP Hà Nội và TP HCM đã không thực hiện đúng quy định pháp luật như, tính thiếu nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư hoặc chỉ mới tạm tính.

Được biết để khắc phục tình trạng “quýt làm cam chịu” này, Bộ TN&MT đã yêu cầu Hà Nội và TP HCM có báo cáo đề xuất hướng xử lý cụ thể để nhằm khắc phục tình trạng này. Các Bộ TN&MT, Tài chính, Xây dựng cũng đang bàn phương án tháo gỡ theo hướng nếu sai phạm không phải người dân gây ra thì phải tìm mọi cách để cấp sổ đỏ cho dân; nếu sai phạm thuộc về chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có nhiều việc không dễ giải quyết. Ví dụ, có tình trạng chuyển nhượng dự án, sau đó một bên lại giải thể nên bây giờ rất khó xử lý vì tiền thì chủ đầu tư đã thu của dân nhưng lại chưa nộp gì cho Nhà nước. Những trường hợp phức tạp phải xin ý kiến Chính phủ.

Trong trường hợp cấp phép 10 tầng nhưng lại xây lên 12 tầng thì phần hợp pháp thì cấp sổ đỏ trước, phần sai thì xử lý sau. Với các dự án đã xây dựng gần xong, nhưng còn một phần đất nhỏ vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng hoặc đang tranh chấp khiếu kiện thì cần cấp sổ cho những phần đã xong, không nên cứng nhắc. Từ chối cấp sổ đỏ trong trường hợp như vậy là không cần thiết. Có trường hợp chủ đầu tư phân lô rồi xây nhà cho dân nhưng không đúng thiết kế, xây nhà ra cả đất lưu không dẫn đến không cấp được sổ đỏ, Bộ TN&MT yêu cầu thành phố kiểm tra xử lý dứt điểm.Trường hợp chủ đầu tư đã giải thể, Bộ TN&MT dự kiến vẫn chấp thuận cho làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu, người dân tự đến nộp hồ sơ làm thủ tục tại văn phòng đăng ký đất nhà. Bộ TN&MT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể tháo gỡ vướng mắc. Trách nhiệm kiểm soát các dự án nhà ở của chính quyền địa phương là rất lớn .

Không thể vì sai phạm của công ty mà buộc người dân phải gánh chịu.

Tình trạng “quýt làm cam chịu” cần sớm được chấm dứt để một bộ phận người dân ở hai đô thị lớn nhất nước được an cư lạc nghiệp.

Minh Nghĩa

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc