Bảo đảm an toàn thực phẩm

Quyết liệt hậu kiểm, xử lý sai phạm

07:15 | 09/05/2018

203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã hậu kiểm gần 159.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, phát hiện 31.138 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 19,3 tỉ đồng. Thực tế đó cho thấy, phương thức quản lý tập trung hậu kiểm, giảm tối đa tiền kiểm bước đầu có hiệu quả.

Xử phạt nhiều sai phạm

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, ngoài các hình thức xử phạt chính, cơ quan chức năng còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; 231 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 1.482 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm; tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).

quyet liet hau kiem xu ly sai pham

Tiêm tạp chất vào tôm để bán ra thị trường

Riêng Cục ATTP đã ban hành 15 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở vi phạm về ATTP (5 cơ sở vi phạm từ 2 hành vi trở lên), tổng số tiền phạt 934.310.000 đồng.

Ngoài ra, Cục ATTP đã yêu cầu tạm dừng lưu thông 8 lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy 2 lô sản phẩm vi phạm về chất lượng; chuyển 6 vụ việc sang cơ quan điều tra; chuyển 2 trường hợp vi phạm về quảng cáo đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2017 chuyển 8 trường hợp); giám sát thu hồi và tiêu hủy 22 loại sản phẩm với gần 102 tấn sản phẩm của 4 cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn theo cảnh báo của Mạng lưới Cơ quan An toàn Thực phẩm Quốc tế (INFOSAN).

Giải thích thêm về 6 vụ việc vi phạm ATTP chuyển Cơ quan Điều tra, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong đó có 4 vụ việc qua hậu kiểm, lấy mẫu, Cục ATTP phát hiện có hoạt chất chính không đạt chất lượng theo công bố, chỉ ở mức dưới 70% theo quy định; 2 vụ còn lại nghi giả tài liệu khi làm thủ tục hành chính.

Trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt, hiện nay đa số thực phẩm thông thường do doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm. Tuy nhiên, việc tự công bố không có nghĩa là doanh nghiệp thích công bố như thế nào thì công bố, mà phải bảo đảm mức trần an toàn theo quy định Codex quốc tế ban hành.

Trừ 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt, hiện nay đa số thực phẩm thông thường do doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm.

Ông Phong nói: “Thông thoáng đầu vào nhưng quản lý chặt đầu ra. Doanh nghiệp tự công bố chất lượng, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm. Trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn, khi phát hiện sai phạm, ngoài xử phạt, toàn bộ sản phẩm sẽ bị thu hồi”.

Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về triển khai Tháng Hành động vì ATTP năm 2018, Cục ATTP đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương triển khai tháng cao điểm về ATTP, cụ thể: 6 đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương có sự phối hợp của lực lượng công an, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sẽ kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm; các địa phương triển khai thanh tra, kiểm tra ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện và xã). Trong đó, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND tỉnh được phân cấp chịu trách nhiệm từng nhóm mặt hàng cụ thể, theo nguyên tắc tránh chồng chéo. Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương 8 nhóm ngành hàng.

“Cục ATTP đang theo dõi chặt chẽ việc triển khai kế hoạch trên phạm vi cả nước, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2018 sẽ được tổng hợp, công bố công khai theo quy định”, ông Phong nhấn mạnh.

P.V

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc