Quyền lực mới của làng nhạc Việt

15:28 | 05/12/2017

1,123 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như trước đây, sự thành công của các ca sĩ thường được gắn liền với các nhạc sĩ sáng tác, thì giờ đây vai trò của các nhà sản xuất âm nhạc (music producer) trở nên quan trọng hơn và trở thành “quyền lực mới” trong làng nhạc Việt.

Trong khuôn khổ giải thưởng âm nhạc MAMA 2017 (Mnet Asia Music Award 2017) vừa diễn ra tại Việt Nam ngày 25-11, ca sĩ Tóc Tiên đã được tôn vinh với giải thưởng “Best Asian Artist Viet Nam” (Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất của Việt Nam). Cô là nữ ca sĩ trẻ nhất trong số các ca sĩ từng được nhận giải thưởng cao quý này. Đồng thời, Tóc Tiên được giới chuyên môn công nhận trong nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín trong nước như “Làn Sóng Xanh”, “Zing Music Awards”, “HTV Awards”…

Trong năm 2017, Tóc Tiên đã chứng minh sự biến hóa về phong cách âm nhạc của mình qua hàng loạt sản phẩm âm nhạc, từ sâu lắng, sôi động đến thử nghiệm dòng nhạc mới như “Walk away”, “Em không là duy nhất” hay “Hôm nay sao tôi cô đơn quá”. Kết quả, ca khúc “Em không là duy nhất” của cô đã thành công vượt mong đợi, với hơn 40 triệu view tính tới thời điểm hiện tại.

quyen luc moi cua lang nhac viet
quyen luc moi cua lang nhac viet
quyen luc moi cua lang nhac viet
Từ trái sang: Hoàng Touliver, Khắc Hưng và Slim V là những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ music producer mới

Tuy nhiên, có lẽ Tóc Tiên không thể có được thành công như hiện tại nếu thiếu vắng nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Touliver - một trong những nhà sản xuất tài năng của làng nhạc hiện nay. Không chỉ là “bà đỡ” cho Tóc Tiên, Hoàng Touliver còn “nhào nặn” các sản phẩm âm nhạc cho nhiều ca sĩ khác như Lê Hiếu hay Soobin Hoàng Sơn.

Đối với các quốc gia có nền âm nhạc phát triển, việc ca sĩ tìm kiếm, kết hợp với một producer trong các dự án âm nhạc của mình đã phổ biến từ thế kỷ trước. Tuy nhiên ở Việt Nam, dấu ấn của các producer chỉ mới rõ nét trong vài năm trở lại đây. Những producer thế hệ đầu tiên phải kể đến: Dương Thụ, Trần Mạnh Tuấn, Quốc Trung, Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Hồng Kiên, Hoài Sa, Phương Uyên, Hoài An… Và hiện tại, ngoài Hoàng Touliver, làng nhạc Việt Nam cũng đang chứng kiến sự “trỗi dậy” của một thế hệ các music producer trẻ như Khắc Hưng, Slim V, Đỗ Hiếu… Thậm chí, có một số music producer kiêm luôn vai trò ca sĩ, bên cạnh công việc hòa âm, phối khí như Phúc Bồ, JustaTee, Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Đinh Mạnh Ninh, Tiên Tiên, Tiên Cookie, Only C…

Từng có thời producer tồn tại song song với nền âm nhạc Việt Nam, nhưng không được công nhận như một nghề chính thức, không như ca sĩ hoặc nhạc sĩ. Chính vì thế, công việc thuần túy “bếp núc” này thường không nhận được sự tôn vinh xứng đáng với công sức họ bỏ ra với sản phẩm âm nhạc.

Điển hình như Hoài Sa, anh là một trong những tên tuổi gắn liền với thành công của rất nhiều ca sĩ, chương trình, thậm chí luôn được người trong giới tôn vinh. Thế nhưng, chính vì anh chỉ hòa âm chứ không sáng tác, nên Hoài Sa thường “vắng bóng” trong những hạng mục giải thưởng liên quan tới nhạc sĩ. Chỉ tới khi Giải thưởng Cống hiến có hạng mục dành cho nhà sản xuất âm nhạc, thì Hoài Sa mới được vinh danh đúng mức.

Thời gian gần đây, hàng loạt các chương trình dành cho các music producer được lên sóng truyền hình, giúp khán giả hiểu thêm về vai trò của nghề “đầu bếp âm nhạc” này. Có thể kể tới “Hòa âm ánh sáng - The Remix”, “Khởi đầu ước mơ” hay gần đây là chương trình “Sao đại chiến” đã thực sự gây ấn tượng với người xem.

Nhận định về “Sao đại chiến”, Giám đốc âm nhạc Huy Tuấn khẳng định: “Đây cũng là nơi để công chúng thấy rõ hành trình ra đời một bản nhạc cũng như vai trò của một producer quan trọng như thế nào đằng sau sự thành công của một bản hit, một ca sĩ. Producer ở đây không chỉ hiểu về thực lực của ca sĩ mình để chọn bản phối phù hợp mà chính họ còn là người cân bằng giữa thị hiếu khán giả và yếu tố chuyên môn để cho ca sĩ mình phù hợp thị trường”.

Có thể nói, sự xuất hiện của hàng loạt các producer trẻ đã và đang giúp các ca sĩ có thêm nhiều lựa chọn để tạo nên màu sắc mới mẻ của mình. Tuy nhiên, chính điều này cũng dẫn tới “cuộc chiến ngầm” giữa các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, để tồn tại trong thế giới khắc nghiệt như showbiz Việt, các nhà sản xuất âm nhạc cũng cần hết sức tỉnh táo, tránh rơi vào trường hợp đi mua bản phối nước ngoài hoặc “mượn” bản phối của người khác mà “quên” đề tên tác giả. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất phải luôn luôn đổi mới mình, bắt kịp trào lưu trên thế giới nhưng vẫn phải giữ được nét riêng độc đáo, phù hợp với thị hiếu ngày càng cao của khán giả.

Hiểu một cách nôm na, công việc của một nhà sản xuất âm nhạc là quyết định phần âm thanh cho ca khúc trước khi đưa nó đến với công chúng, để mang đến cho khán giả những thanh âm thời thượng nhất, sắc màu nhất, hợp lý nhất.

K.An