"Quy trình" tranh suất hộ nghèo

21:48 | 26/08/2017

1,413 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai câu chuyện rất vô lý về hộ nghèo diễn ra ở hai tỉnh Hưng Yên và Thanh Hóa. Ở Hưng Yên thì tổ chức bốc thăm, ai bốc được hộ nghèo thì đương nhiên được hưởng các chính sách, chế độ dành cho hộ nghèo. Thế là người khá giả bốc được cũng cứ việc hưởng; còn người nghèo thật thì vẫn chấp nhận phận nghèo. Còn ở Thanh Hóa, vợ các ông Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã, Phó bí thư Đảng ủy xã và cán bộ văn hóa xã tự nhiên có tên trong danh sách hộ nghèo. Sự việc vỡ lở rồi nhưng Chủ tịch UBND xã vẫn nói là “làm đúng quy trình”.  

Những chuyện khuất tất này không che nổi tai mắt người dân, họ đã tố giác với cơ quan có trách nhiệm. Ông Nghiêm Xuân Hà - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) thừa nhận, thông tin người dân tố giác là có thật.

Bà Vũ Thị Sen (41 tuổi), vợ ông Vũ Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Nga Thanh - được ghép vào hộ nghèo của cụ Nguyễn Thị Mận (87 tuổi, ở xóm 2). Cụ Mận lâu nay sống một mình, không hiểu sao trong danh sách hộ nghèo năm 2017 lại có tên Vũ Thị Sen trong nhà mình.

Sổ hộ nghèo của bà Trịnh Thị Hóa (69 tuổi) lại có tên bà Phạm Thị Tươi (44 tuổi) - vợ ông Mai Sỹ Thể, cán bộ văn hóa xã Nga Thanh. Hộ bà Lưu Thị Hiền (65 tuổi, ở xóm 3) cũng bất ngờ có thêm một khẩu lạ là bà Trần Thị Hồng (41 tuổi) - vợ ông Phạm Hùng Mạnh, Phó chủ tịch UBND xã Nga Thanh.

Đáng chú ý là trường hợp hộ nghèo của cụ Nguyễn Thị Thê (86 tuổi, ở xóm 3). Cụ Thê ở cùng người con gái độc thân là bà Nguyễn Thị Nguyệt (57 tuổi). Sổ hộ khẩu nhà cụ Thê có hai mẹ con, nhưng trong danh sách hộ nghèo của xã lại không có tên con gái cụ mà thay vào đó là ba cái tên lạ gồm: bà Mai Thị Loan (45 tuổi), Mai Ngọc Sơn (15 tuổi) và Mai Ngọc Hà (10 tuổi). Bà Mai Thị Loan là vợ ông Phạm Văn Hiếu - Phó bí thư Đảng ủy xã. Còn Sơn và Hà, cụ Thê không biết là con cháu nhà ai.

Ông Vũ Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Nga Thanh - thừa nhận, vợ con nhiều cán bộ xã, trong đó có vợ ông được ghép vào hộ nghèo của người khác. Tuy nhiên, ông Tiến lý giải “không biết vợ mình được ghép vào hộ nghèo khi nào”. Ông còn khẳng định, quy trình rà soát hộ nghèo ở địa phương được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.

Hỏi vì sao có tên vợ ông trong sổ nhà cụ Sen mà ông vẫn ký duyệt thì ông giải thích rằng “do bận nhiều việc nên không để ý danh sách cán bộ chuyên môn trình lên”.

quy trinh tranh suat ho ngheo
Bà Trịnh Thị Hóa

Trước đó, cán bộ xã Nga Thanh bị người dân tố cáo, cố tình đưa vợ con vào hộ nghèo để trục lợi bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí hoặc vay vốn ngân hàng chính sách… Không biết vợ các vị quan xã này đã nhận bao nhiêu tiền chính sách thông qua tư cách hộ nghèo? Chắc chắn đã nhận rồi thì phải bị truy thu, trả lại đúng địa chỉ. Nhưng vấn đề quan trọng là phải có hình thức kỷ luật thích đáng các quan xã đã nhắm mắt làm liều, vi phạm đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo.

Việc bình xét hộ nghèo có tiêu chí rõ ràng, có tính điểm để bảo đảm các hộ nghèo được hưởng hỗ trợ của Nhà nước chính xác, khách quan và xứng đáng. Thế nhưng, thôn Văn Nhuệ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên lại tùy tiện dùng cách bốc thăm để hưởng chính sách hộ nghèo. Chuyện xảy ra từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vì thế người dân thôn Văn Nhuệ vẫn còn bàn luận về việc cả làng bốc thăm hộ nghèo, nghĩa là cơ hội trở thành hộ nghèo sẽ đến với người may mắn. Bình xét hộ nghèo trở thành trò chơi may rủi nên có cả những gia đình khá giả mà trở thành hộ nghèo và cứ vô tư hưởng lợi. Họ nói rằng, được gọi đến bốc thăm thì họ bốc và được chứ nhà họ không khó khăn, nghèo túng gì!

Trớ trêu thay, tại cuộc họp tổng kết cuối năm 2016, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - lại đánh giá rằng: “Nhìn chung, công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 trên địa bàn tỉnh diễn ra nghiêm túc. Các bước lập danh sách, rà soát, điều tra và họp thông qua kết quả rà soát được thực hiện công khai…”.

Bốc thăm hộ nghèo là cách làm hoàn toàn sai trái của cán bộ thôn và xã. Những người này sẽ phải kiểm điểm và có hình thức kỷ luật. Song cũng cần thấy rằng, chính bà con nhân dân thôn Văn Nhuệ cũng có cái sai. Tại sao ngay từ đầu bà con thấy việc bốc thăm hộ nghèo là vô lý mà không góp ý với trưởng thôn hoặc phản ánh lên chính quyền xã? Để kéo dài 3 năm nay rồi, hộ khá thì khá hơn còn hộ nghèo vẫn nghèo mãi. Bao nhiêu tiền hỗ trợ của Nhà nước đã đến sai địa chỉ? Bao nhiêu hộ nghèo thật chưa được hỗ trợ? Lại phải điều tra và truy thu để bảo đảm công bằng xã hội.

Cứ đà này thì nhiều dân nghèo còn khổ!

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc